Cà Mau: Không để gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa

Thứ Hai, 16/08/2021 12:28  | Đăng Khoa

|

(CAO) Một bài toán mà tỉnh Cà Mau đang đặt ra, trong thời gian phòng, chống dịch, địa phương thực hiện tốt “mục tiêu kép” không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy sản…

Doanh nghiệp đăng ký kết nối xuất khẩu hàng thủy sản

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương là một trong khu vực trọng điểm sản xuất nông sản, thủy sản. Mỗi năm, ngành tôm Cà Mau có sản lượng 150.000 tấn tôm đã chế biến, kim ngạch xuất khẩu bình quân trên 1 tỷ USD.

Ông Sử cho biết, thực tế một số địa phương ùn ứ mặt hàng thủy sản nhưng tỉnh Cà Mau kiên quyết không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hoá nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi do dịch bệnh, vì sẽ rất khó để khôi phục lại.

“Nếu không có giải pháp hiệu quả, có khả năng các ngành hàng vừa ùn ứ, dư thừa hàng hoá do không tiêu thụ. Người nông dân rơi vào thế khó, không có nguồn lực tái sản xuất, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng hoá khi dịch bệnh qua đi”, ông Sử nói.

Tỉnh Cà Mau kết nối với doanh nghiệp đăng ký kết nối xuất khẩu thủy sản

Để thực hiện “mục tiêu kép”, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kết nối xuất khẩu hàng thủy sản. Bước đầu có 4 doanh nghiệp đăng ký với sản lượng hơn 1.300 tấn tôm chế biến, 6,5 tấn tôm nguyên liệu thô, 1.200 tấn chả cá...

Có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần kết nối tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản (gạo 1.400 tấn, dưa bồn bồn 1 tấn/ngày), hàng thuỷ sản như tôm tươi 10 tấn/ngày, cua 1 tấn/ngày, cá biển 600 tấn, mực tươi 55 tấn, khô cá biển các loại 10 tấn/ngày, bánh phồng tôm 2 tấn/ngày, nước mắm 350.000 lít...

Ông Lê Văn Sử cho rằng, tỉnh chủ động đề xuất cần có bộ phận thường trực của Trung ương để kịp thời giúp các địa phương giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong kết nối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng.

Với các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần sự hỗ trợ về nguồn lực để duy trì sản xuất, từng bước chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hoá.

Hiện nay, giá tôm ở Cà Mau vẫn còn cao so với thị trường nhờ đầu ra ổn định

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau đôn đốc, các cơ quan ban ngành tập trung rà soát lại toàn bộ các công việc để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Đây là hai nhiệm vụ rất khó nhưng dù có khó đến đâu cũng phải làm, bởi không còn cách nào khác hơn.

Ông Hải nhấn mạnh: “Theo đó, để hoàn thành “nhiệm vụ kép” thì các nhóm kinh tế không phải dừng do thực hiện giãn cách như: Xây dựng, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông lâm ngư, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu,… Tiến hành rà soát và tổ chức lại khâu tiêu thụ hàng hoá của người dân, từ việc rà soát lại sản lượng, thời gian thu hoạch của tỉnh, khu vực, từng loại cụ thể…để tiến hành kết hợp với các tỉnh, thành phố trong điều tiết phương tiện ra vào tỉnh, lực lượng bốc xếp hàng hoá, bến bãi,…

Đối với nhóm sản xuất kinh doanh phải dừng là phải thực hiện thật nghiêm túc không để sót, không để sai và tiến hành thống kê chặt chẽ thiệt hại của từng trường hợp một, để khi có hỗ trợ đúng đối tượng, đúng thời gian, đúng quy định”.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thu ngân sách của tỉnh giảm so với cùng kỳ. Báo cáo của Cục thuế tỉnh Cà Mau, trong tháng 7-2021, số thu toàn tỉnh khoảng 327 tỷ đồng, bằng 30,3% so với dự toán quý III/2021, giảm 37,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020. Tổng số thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước đạt 3.465 tỷ đồng, bằng 65,3% so dự toán Bộ Tài chính giao, giảm 11% so thực hiện cùng kỳ. Trong đó, một số chỉ tiêu của cụm khí - điện - đạm giảm so với cùng kỳ, tác động rất lớn đến kết quả thu ngân sách.

Ðặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, xuất nhập khẩu, sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, chế biến ước giảm thu trên 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tác động trực tiếp làm thị trường bất động sản bị đóng băng, thu nhập từ trúng thưởng xổ số đạt thấp... Ước các khoản thu nhập giảm trên 20%, thuế thu nhập cá nhân ước giảm 10 tỷ đồng. Thêm vào đó, từ đầu tháng 7, một số địa phương lân cận thực hiện giãn cách xã hội và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau tạm dừng phát hành vé số, ước giảm thu trong tháng 7 từ nguồn này 100 tỷ đồng và cả năm 220 tỷ đồng.

1 trong 3 điểm bốc dỡ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau tránh gãy chuỗi cung ứng

Trước khó khăn của doanh nghiệp, ngành thuế nhanh chóng thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài chính về các bước triển khai chính sách theo Nghị định 52/2021 hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thời gian nộp thuế.

Tính đến hết ngày 30-7, có 850 DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đề nghị gia hạn. Trong đó, DN nhỏ trên 300 hồ sơ và gần 200 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện gia hạn theo Nghị định 52/2021, với tổng số tiền được gia hạn gần 70 tỷ đồng, chủ yếu là thuế GTGT với gần 68 tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn tiền thuê đất gần 700 triệu đồng.

Hiện Cà Mau đang xem xét nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong đại dịch Covid-19.

Bình luận (0)

Lên đầu trang