Vụ ồ ạt bứng trâm cổ thụ bán cho thương lái:

Cần được bảo vệ và có chính sách hỗ trợ cho người dân

Chủ Nhật, 31/03/2019 14:14  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Trước việc hàng trăm cây trâm cổ thụ bị bứng bán ồ ạt cho thương lái mà Báo điện tử Công an TP.HCM phản ánh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã khảo sát và có văn bản báo cáo cũng như đưa ra đề xuất đối với ngành chức năng liên quan. 

Trâm cổ thụ được người dân ồ ạt bứng bán.

Cụ thể, ông Trương Minh Hùng (Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang) vừa ký văn bản số 35/BC-CCKL gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này để báo cáo về hình hình mua bán, đào bứng trâm sắn trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Theo báo cáo của đơn vị này, cây trâm có thể cao đến 30m, đườnng kính thân đạt 0,8m và sống lên đến 100 năm. Cây này cho bóng mát và được người dân trồng chủ yếu làm cảnh, ăn trái. Ngoài ra, gỗ trâm có giá trị kinh tế, được dùng để đóng thuyền, xây dựng, làm cầu.

Cây trâm sắn giúp nhiều bà con Khơ-me có việc làm, nguồn thu nhập mà không cần đầu tư vốn.

Chi cục Kiểm lâm An Giang tỉnh An Giang cho biết: Từ tháng 1-2019, trên địa bàn huyện Tri Tôn có hiện tượng các thương lái đến liên hệ người dân địa phương để mua trâm có kích thước lớn, hình dáng đẹp với số lượng nhiều.

Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm An Giang, đối với việc mua bán, đào bứng cây trâm ra khỏi địa bàn tỉnh như hiện nay là do quy định của thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT. Những điểm mới đã tạo sự thông thoáng trong lưu thông lâm sản của người dân. Đây cũng là thời cơ cho các thương lái kinh doanh cây bóng mát, cổ thụ, tập trung tích trữ hàng độc, lạ để kiếm lời.

Lực lượng chức năng kiểm tra bãi tập kết hàng chục cây trâm cổ thụ.

Trước việc loài cây đặc trưng của địa phương bị bứng bán ồ ạt, ông Trương Minh Hùng (Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang) đề xuất: “Để hạn chế tình trạng trên cần lập bảng thống kê cây có hoành 1,5m trở lên đưa vào diện cây đặc thù của địa phương cần đươc bảo vệ và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân giữ lại.

Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển, đào bứng trâm cũng như xử phạt xe quá khổ, quá tải. Việc phân bố cây trâm tại xã Núi Tô và Cô Tô tạo nên một cảnh quan khá độc đáo, là điểm nhấn cho du lịch của huyện. Do đó, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép gieo ươm, cung cấp cây trâm giống cho người dân”.

Cây trâm thu hút khách du lịch cạnh hồ Soài Check nay đã không còn - Ảnh: LTAG.

Như CAO thông tin, thời gian gần đây, người dân xã Cô Tô và Núi Tô ồ ạt bứng cây bán cho thương lái vận chuyển ra Bắc. Người dân lo ngại tình trạng này giống như việc thu mua thốt nốt trước đó, cũng như khiến cho vùng đất trở nên khô cằn, mất đi phong cảnh vốn có, không còn hàng triệu khách du lịch đến "check-in". Dù xót xa nhưng chính quyền địa phương đành bó tay, riêng đoàn xe quá tải cũng chưa bị xử phạt.

Ngành chức năng đề nghị xử lý xe quá khổ, quá tải để giữ lại loài cây đặc trưng của vùng Bảy Núi.

Sau phản ánh của CAO, lực lượng chức năng đã đến khảo sát và kiểm tra. 

Dân Bảy Núi ồ ạt bứng cây trâm cổ thụ cho thương lái
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang