Cẩn trọng chiêu trò "bảo hành miễn phí thiết bị điện tử"

Thứ Năm, 29/10/2020 18:25

|

(CATP) Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều trường hợp người dùng bị lừa đảo qua điện thoại với những chiêu thức khôn lường. Theo đó, một số cá nhân và tổ chức đã mạo danh các Trung tâm bảo hành hoặc các hãng cung cấp, bán các gói gia hạn bảo hành nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn thu thập hoặc mua lại thông tin cá nhân và sản phẩm mà người tiêu dùng đang sử dụng (điện thoại, laptop, máy giặt, máy lạnh...), bọn lừa đảo sẽ gọi điện tự xưng là người của trung tâm bảo hành LG, Samsung, Sony... mời chào người dùng mua thẻ bảo hành mở rộng một năm với mức giá 200.000 đồng (chi phí làm thẻ). Đổi lại, người dùng sẽ không phải tốn bất kỳ chi phí sửa chữa nào khi sản phẩm bị hư hỏng.

Nếu khách hàng đồng ý mua loại thẻ này, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi bưu phẩm và yêu cầu bạn thanh toán 200.000 đồng khi nhận hàng. Vì họ biết rõ tên sản phẩm và thời gian mua hàng nên nhiều người sẽ lầm tưởng đây là nhân viên chăm sóc khách hàng. Thực chất, đây chỉ là chiêu trò sử dụng thông tin cá nhân để tạo niềm tin và chiếm đoạt tiền, đổi lại người dùng sẽ nhận được một chiếc thẻ bảo hành mở rộng không có giá trị.

Chị Nguyễn Tâm (ngụ Bình Dương) cho biết, cách đây 2 năm gia đình có mua một chiếc máy giặt của Samsung và đã hết thời hạn bảo hành. Thế nhưng mới đây chị nhận cuộc gọi thông báo được tham gia chương trình khuyến mãi mở rộng thời gian bảo hành sản phẩm của Samsung. Nếu đồng ý, phía Samsung gửi tặng chị món quà là một chiếc túi giặt thông minh, có thể tự sinh ra bọt khi giặt mà không cần phải sử dụng bột giặt. Ngoài ra, các nhân viên kỹ thuật sẽ đến tận nhà chị để bảo dưỡng, làm vệ sinh máy giặt hoàn toàn miễn phí. Ngoài quà tặng là chiếc túi giặt thông minh còn kèm theo một phiếu gia hạn thời gian bảo hành được gửi qua đường bưu điện, chị Tâm phải trả 200 ngàn đồng, xem như là giá dịch vụ vận chuyển.

Thẻ bảo hành mở rộng giả mạo

Vài ngày sau, khi quà tặng được gửi đến nhà qua đường bưu điện và trả số tiền 200.000 đồng, chị Tâm rất ngạc nhiên khi phát hiện chiếc túi giặt hoàn toàn bình thường, có giá bán chỉ vài chục ngàn đồng, chứ không phải là túi giặt thông minh như nhân viên tư vấn quảng cáo. Ngoài ra, thẻ bảo hành của một cửa hàng điện tử có địa chỉ tại Hà Nội, chứ không phải là thẻ bảo hành của Samsung. Thử gọi vào số điện thoại di động in trên thẻ thì chỉ nghe... ò í e, chị Tâm mới hay mình đã "mắc bẫy" kẻ lừa đảo.

Trước đó, ông Hoàng Khánh, khách hàng từng mua laptop HP ở Điện Máy Xanh hồi tháng 3-2019, tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng nhận được cuộc gọi từ thuê bao số di động mời tham gia chương trình gia hạn 2 năm cho chiếc laptop vừa hết thời gian bảo hành. Với mức phí 250.000 đồng, khách hàng sẽ được tặng kèm một chuột không dây. Thế nhưng khi kiện hàng được gửi đến nhà ông thì bên trong chỉ là chiếc thẻ bảo hành làm từ giấy, không có tên khách hàng mà chỉ có mã số thẻ, hạn sử dụng và các lưu ý sơ sài ở mặt lưng. Con chuột không dây tặng kèm là loại rẻ tiền chưa đến 30.000 đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Samsung bị những kẻ lừa đảo lợi dụng thương hiệu cho chiêu trò của mình, mà nhiều hãng công nghệ và điện tử lớn khác tại Việt Nam cũng bị lợi dụng. Nhiều trường hợp nhận được cuộc điện thoại để tư vấn về chương trình gia hạn bảo hành cho tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, laptop hay tivi... Và để tham gia chương trình khuyến mãi này, người dùng cũng sẽ được nhận được một thẻ bảo hành được gửi qua đường bưu điện và phải đóng số tiền vài trăm ngàn đồng khi nhận thẻ.

Đặc điểm chung của chiêu trò này là khi kẻ lừa đảo gọi đến số điện thoại của các nạn nhân đều đọc đúng tên, địa chỉ, loại thiết bị điện tử mà họ đang sử dụng và biết rõ thiết bị đã hết thời hạn bảo hành. Bên cạnh đó, bọn lừa đảo còn cho phép họ nhận thẻ bảo hành rồi mới trả tiền, thay vì buộc phải trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Điều này khiến người dùng không hoài nghi và tin rằng đó là nhân viên tư vấn từ các hãng điện tử.

Vấn đề đặt ra là làm cách nào mà những kẻ lừa đảo lại có đầy đủ thông tin của người dùng, từ thông tin cá nhân, số điện thoại, loại thiết bị điện tử đang sử dụng (bao gồm cả đúng tên của nhãn hiệu)... để có thể thuyết phục người dùng. Phải chăng thông tin của người dùng khi mua sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị bán lẻ đồ điện tử đã bị bán lại cho bên thứ ba để sử dụng cho mục đích lừa đảo?

Thiết nghĩ, để tránh trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo kể trên, người dùng nên liên hệ số điện thoại chăm sóc khách hàng của các hãng công nghệ, điện tử để hỏi rõ về chương trình gia hạn bảo hành của hãng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang