Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Chạy đua với thời gian trong nguy hiểm cận kề

Thứ Ba, 14/02/2023 17:12  | Thanh Hòa

|

(CATP) Ngày 13-02, sau khi ghi nhận hiện trường cũ không còn dấu hiệu của sự sống, Đội cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam đã nhận lệnh di chuyển sang hiện trường mới - một trong ba vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất này tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 06-02 để "chạy đua với thời gian" tìm nạn nhân còn sống sót đưa ra ngoài.

Cắt nhỏ hàng trăm tấn bê-tông tìm những "phép màu"

Chiều 13-02, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và CNCH, Bộ Công an cho biết, trong ngày, Đoàn công tác của Bộ tham gia CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển đến hiện trường sụp đổ mới để tiếp tục tìm kiếm nạn nhân. Bởi lẽ, sau khi dùng các thiết bị chuyên dụng để dò tìm thì lực lượng ghi nhận hiện trường cũ (tòa nhà trên đường 531, Adiyaman Merkez, TP Adýyaman) đã không còn dấu hiệu của sự sống. Do Đội CHCN Bộ Công an Việt Nam có thiết bị và hoạt động chuyên nghiệp nên được cơ quan chức năng địa phương điều động đến hiện trường khác để ưu tiên chạy đua với thời gian tìm cứu người còn sống. Hiện trường cũ sẽ do lực lượng địa phương chịu trách nhiệm tìm thi thể người bị nạn.

Theo Bộ Ngoại giao, hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong trận động đất tại hai nước này; khu vực xảy ra động đất không có nhiều người Việt Nam sinh sống. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã ghi nhận 6 công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi động đất, hiện đang rất khó khăn và thiếu thốn. Đại sứ quán Việt Nam đã liên lạc, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tài chính và vật dụng.

Trước đó, Cảnh sát Việt Nam và quân đội Pakistan cũng đã phát hiện, cứu một thiếu niên 17 tuổi còn sống sau 5 ngày vùi lấp trong đống đổ nát ra ngoài an toàn và đưa 2 thi thể nạn nhân bị vùi sâu dưới hàng trăm tấn bê-tông, bàn giao cho lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ. Việc giải cứu được trường hợp sống sót của Đội CHCN Bộ Công an Việt Nam được mô tả là "phép màu", bởi khoảng "thời gian vàng" 72 giờ sau thảm họa đã trôi qua.

Mặc dù khi tham gia CNCH tại nước bạn, Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã mang theo tới 10 tấn thiết bị, nhưng khi có mặt tại hiện trường vụ động đất được đánh giá có sức công phá tương đương 500 quả bom hạt nhân, các anh vẫn phải đối mặt với khó khăn chồng chất, nguy hiểm luôn chực chờ. Ngoài những khó khăn khi phải làm nhiệm vụ ở một địa bàn lệch múi giờ 4 tiếng đồng hồ, nhiệt độ lúc nào cũng lạnh tới âm 10 độ C, rất khác biệt với Việt Nam, đồ ăn không hợp khẩu vị,... các cán bộ chiến sĩ luôn phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm. Chỉ riêng việc đưa đưa thi thể của 2 nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát ra ngoài tại một tòa nhà thuộc thành phố Adýyaman, Thổ Nhĩ Kỳ và bàn giao cho lực lượng y tế cũng là cả một "núi" việc, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng.

Đoàn CNCH Việt Nam phối hợp cùng AFAD vận chuyển số hàng hóa về các khu vực được chỉ định trong đó có bệnh viện lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ

Cụ thể, thi thể của 2 nạn nhân được Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam sử dụng camera chuyên dụng luồn sâu vào các khe nhỏ trong đống đổ nát dò tìm phát hiện ra. Tuy nhiên, việc đưa các thi thể ra ngoài gặp nhiều khó khăn do khối lượng bê tông hàng trăm tấn đè lên các nạn nhân. Các anh đã phải phối hợp với lực lượng CNCH Quân đội Pakistan cắt phá, chia nhỏ mảng bê tông diện tích hơn 30m2 để tiếp cận người bị nạn. Lúc này, thiết bị thủy lực của Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam mới phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp tạo lối tiếp cận và tiến rất gần vị trí của các nạn nhân. Sau nhiều giờ nỗ lực, thi thể nạn nhân đầu tiên được đưa ra vào khoảng 18 giờ 15 (giờ địa phương) ngày 12-02, thi thể nạn nhân thứ hai được đưa ra vào khoảng 19 giờ 30 cùng ngày.

Không chỉ có vậy, Cơ quan Quản lý khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết, sau 2 trận động đất, đã có hơn 2.000 dư chấn xuất hiện trong cả tuần và sẽ còn tiếp diễn, khiến đất đá di chuyển, công trình sụt lún, gây rất nhiều khó khăn cho công tác giải cứu.

Trao tặng 2 tấn thiết bị cấp cứu thảm họa

Lực lượng CNCH Công an Việt Nam sang trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ lần này, ngoài việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn còn mang theo 2 tấn đồ viện trợ y tế. Chiều 13-02 (giờ Việt Nam), Đoàn CNCH Việt Nam đã trao tặng toàn bộ số thiết bị y tế này cho phía Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua AFAD. Đoàn Việt Nam trao tặng các loại thuốc cấp cứu, cơ số thuốc thiết yếu, vật tư y tế, lều, trại dùng trong dã chiến; các phương tiện, hóa chất phòng chống dịch và thiết bị y tế sử dựng trong tình huống cấp cứu thảm họa, tổng số hàng hóa y tế lên tới 2 tấn.

Lực lượng CNCH hai nước Việt Nam và Pakistan triển khai phương án đưa thi thể nạn nhân ra ngoài

Đại diện AFAD cho biết, họ sẽ điều phối về các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế, những nơi đang rất thiếu thuốc men cũng như các thiết bị y tế cấp cứu. Nhận được sự viện trợ rất kịp thời của Đoàn cứu trợ Việt Nam, Phó giám đốc cơ quan AFAD tại Adiyaman, ông Isamail Sahin đã gặp Trưởng đoàn Việt Nam - Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an để gửi lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ này của Bộ Công an, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Ngay trong chiều, đoàn CNCH Việt Nam phối hợp cùng AFAD vận chuyển số hàng hóa về các khu vực được chỉ định, trong đó có bệnh viện lớn nhất của Adiyaman để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị, số còn lại sẽ được chuyển đến các trại y tế lưu động.

Theo AFAD, hiện có 31.643 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.581 người chết ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ đầu tuần trước, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 35.224. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thừa nhận có một số vấn đề trong nỗ lực cứu hộ do thời tiết xấu, đường sá hư hỏng và khu vực chịu ảnh hưởng quá rộng, trải dài 10 tỉnh, nhưng cho biết tình hình đã trong tầm kiểm soát. Rung chấn gây nguy hiểm bởi chúng có thể khiến các tòa nhà vốn đã bị hư hại hoặc sập một phần đổ sụp hoàn toàn, đe dọa tính mạng lực lượng cứu hộ. Rung chấn còn kéo theo những mối đe dọa khác như lở đất, rò gas, cháy và đá lăn, làm phức tạp các nỗ lực cứu hộ.

Lực lượng CNCH Việt Nam ăn vội bánh mì giữa hiện trường

Thông tin các hãng thông tấn cho biết, ở thành phố Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi xảy ra vụ động đất, thi thể nằm la liệt trên đường phố và người dân phải đeo khẩu trang ngăn mùi tử thi khi họ tham gia cùng lực lượng cứu hộ tiếp cận một số tòa nhà. Tình trạng cướp bóc xảy ra khi cảnh sát và quân đội hiện diện dày đặc ở Antakya để điều tiết giao thông, giúp đỡ lực lượng cứu hộ và phân phát thực phẩm. Những kẻ cướp bóc lợi dụng thảm họa động đất, dùng búa đập vỡ cửa sổ và lấy đi bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy. "Mọi người ở đây nếu không chết dưới đống đổ nát thì cũng chết vì bị thương hoặc nhiễm trùng. Vấn đề lớn khác là ở đây không có nhà vệ sinh" - một thành viên thuộc lực lượng cứu hộ cho biết.

Cùng với lực lượng cứu hộ từ hàng chục quốc gia tiếp tục làm việc ngày đêm trong các đống đổ nát, lực lượng cứu hộ của Việt Nam vẫn đang "chạy đua với thời gian" để tìm kiếm "phép màu".

Bình luận (0)

Lên đầu trang