(CAO) Đây là thông tin được Thạc sĩ Lê Văn Thành - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu lên tại hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập ở TP.HCM”, do Báo Tiền Phong tổ chức vào ngày 5-12.
Theo thạc sĩ Lê Văn Thành, qua nghiên cứu cho thấy có 2/3 diện tích của TP.HCM bị ảnh hưởng bởi ngập nước. Chỉ riêng trận mưa lớn cuối tháng 11 vừa qua theo tính toán chưa đầy đủ nhưng đã gây thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
Chỉ một trận mưa cuối tháng 11 vừa qua, TP.HCM thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng
Trong đó, ước tính thiệt hại do di chuyển đi lại chậm, tắt máy… khoảng 100 tỷ; thất thu kinh doanh dịch vụ thương mại khoảng 30 tỷ; thiệt hại sản xuất công, nông nghiệp khoảng 20 tỷ; các bệnh truyền nhiễm, y tế phòng chống dịch 10 tỷ; hoạt động văn phòng, cơ quan đình trệ khoảng 10 tỷ và thiệt hại dọn dẹp nhà cửa, đường sá, trường học… khoảng 10 tỷ đồng.
“Đây chỉ là một ước tính mang tính chất gợi ý nhưng nó cho thấy một khoảng tổn thất rất lớn. Phạm vi ảnh hưởng và tác động của vấn đề ngập nước rất lớn đến đến chất lượng sống của người dân và mục tiêu phát triển của thành phố. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề ngập úng thì các mục tiêu lớn khác của thành phố cũng sẽ khó đạt được”, ông Thành nói.
TS Đỗ Tấn Long - Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết công tác chống ngập tại TP.HCM mới chỉ thực sự được quan tâm từ năm 2.000 tới nay.
Hiện TP.HCM đang thực hiện chống ngập theo 2 quy hoạch chính gồm Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 752/QĐ-TTG ngày 19-6-2001 (Quy hoạch 752) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 1547/QĐ-TTG ngày 28-10-2008 (Quy hoạch 1547).
Có 2/3 diện tích của TP.HCM bị ảnh hưởng do ngập
Tuy nhiên, do nguồn vốn không đủ đáp ứng nên không thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đã đề ra. Theo đó, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là 73.379 tỷ đồng nhưng tất cả nguồn vốn bao gồm ngân sách TP, hỗ trợ từ trung ương, cổ phần hóa... mới được 26.852 tỉ đồng, còn cần huy động thêm 46.527 tỉ đồng.
Tiến sĩ Tô Văn Trường – Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường cho rằng việc chống ngập của TP.HCM thời gian qua vẫn lúng túng như “gà mắc tóc”. Theo đó, để chống ngập TP đưa ra giải pháp bằng cách nâng nền. Không đủ tiền để nâng nền toàn đô thị thì chuyển sang giải pháp cục bộ là nâng đường.
“Tuy nhiên, giải pháp này chỉ làm cho đường không ngập nhưng nhà dân biến thành hầm. Thành quả chống ngập thì ngành giao thông hưởng, còn hậu quả nhà ngập thì dân phải gánh chịu”, ông Trường nói.
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cũng cho rằng nguyên nhân gây ngập cho TP.HCM là do nước mưa và triều cường. Do đó, để giải quyết được vấn đề ngập nước tại TP.HCM cần có giải pháp đồng bộ để dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào.
Các chuyên gia cho rằng việc chống ngập cho TP.HCM bằng cách nâng cốt nền rất khó khả thi vì cần nguồn lực rất lớn. Thay vào đó, TP.HCM cần tập trung xây hồ điều tiết và đẩy nhanh hoàn thành dự án ngăn triều chống ngập có xét yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Đồng thời, sử dụng các giải pháp tình huống như máy bơm thoát nước khi mưa lớn đổ xuống.