Những kiểu làm đẹp hãi hùng

Thứ Tư, 05/12/2018 14:23

|

(CAO) Gần đây, một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp vì muốn thu hút khách hàng, đã tự chế ra nhiều phương pháp làm đẹp hãi hùng, nguy hiểm.

Mặc dù biết rõ chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, cấp giấy phép cho các phương pháp làm đẹp này, nhưng nhiều khách hàng vẫn phó thác sinh mạng mình cho các bác sĩ, kỹ thuật viên "tay ngang" để rồi tiền mất tật mang.

ĐÁNH CƯỢC SINH MẠNG VÌ HAM LÀM ĐẸP

Chưa bao giờ trào lưu làm đẹp lại rộ lên một cách ồ ạt như hiện nay. Nhiều phụ nữ, kể cả các thiếu nữ "chạy đua" theo trào lưu này. Ngoài việc chăm sóc, phẫu thuật tạo hình từ dáng người đến khuôn mặt, chị em còn răm rắp nghe các chuyên viên "tay ngang" tư vấn cách làm đẹp theo những phương pháp hết sức nguy hiểm.

Cách đây vài năm, trào lưu tắm trắng được nhiều chị em rầm rộ ủng hộ. Nhiều người không ngần ngại bỏ tiền mua những lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các loại kem tắm trắng tự pha trộn về bôi lên người vì muốn sở hữu làn da trắng mịn. Kết quả, trắng mịn đâu không thấy, rất nhiều người bị dị ứng, nổi mề đay sần sùi và bị sẹo khắp người, phải đến gặp các bác sĩ bệnh viện chuyên khoa da liễu điều trị.

Sau đó, Sở Y tế TPHCM nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng đột kích, truy quét những "lò” mỹ phẩm lậu, tịch thu, tiêu hủy hàng tấn hóa chất được gắn "mác" mỹ phẩm, kem trộn. Điển hình như vụ đột kích cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn Q.Bình Tân vào tháng 7-2018, ngoài việc bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, hàng tấn mỹ phẩm dỏm bị thu hồi, tiêu hủy.

Tuy được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, phương tiện truyền thông liên tục phản ánh, nhưng không ít phụ nữ vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên hữu ích. Gần đây, dư luận thêm một phen kinh hãi trước việc một khách hàng muốn giảm cân, đã liều mạng tham gia sử dụng liệu pháp "hỏa long" theo lời giới thiệu của nhân viên spa, để rồi bị bỏng toàn thân, nặng nhất là khuôn mặt.

Qua khảo sát của phóng viên, liệu pháp trên được một số cơ sở spa tại TPHCM áp dụng là có thật. Theo lời quảng cáo, đây là liệu pháp dùng lửa đốt mỡ để giảm cân nhanh chóng, hiệu quả. Nhân viên spa sẽ thoa tinh dầu, trải 3 lớp khăn đã thấm nước lên bụng hoặc quanh cơ thể khách hàng rồi đổ cồn, bật lửa. Khoảng 30 giây sau, lửa được dập tắt, khăn sẽ nóng ấm, làm tan mỡ từ từ. Phương pháp này được giới thiệu có công dụng giảm mỡ bụng hoặc bất cứ phần nào trên cơ thể.

Những hình ảnh đăng trên một trang Facebook cá nhân về liệu pháp giảm cân bằng lửa, dẫn đến phỏng cả gương mặt

Trong lúc đang thao thao bất tuyệt với khách, một chủ spa trên đường Ba Tháng Hai còn cao hứng tuyên bố, chính mình đã "phát minh" ra liệu pháp trị liệu này. Chủ spa này định đăng ký độc quyền sáng chế thì phát hiện các spa đã áp dụng đại trà nên thôi, không đăng ký nữa.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Nguyễn Duy Thiện (Thẩm mỹ viện Duy Thiện Trần Thiện Chánh, địa chỉ tại Q1) cho biết: "Từ trước đến giờ, tôi chưa từng nghe và được chỉ dạy về liệu pháp làm đẹp này trong y học. Mỡ người cấu thành ở bụng, đùi rất khó bị phá vỡ, phân hủy.

Giải pháp chủ yếu là đánh tan mỡ bằng lực (kéo dài thời gian), còn nếu không phải sử dụng biện pháp can thiệp trực tiếp, như: hút mỡ, tập luyện, ăn kiêng. Ngay cả phương pháp làm tan mỡ bằng "sóng" cũng không có hiệu quả cao. Còn dùng lửa đốt như vậy sẽ rất nguy hiểm cho cả người thực hiện lẫn khách hàng và dễ gây hỏa hoạn".

SỰ THẬT VỀ THUỐC GIẢM CÂN

"Không cần tập luyện, không cần ăn kiêng, chỉ cần uống viên giảm cân hàng ngày là có thể giảm cân, làm cho eo thon gọn". Đó là nội dung quảng cáo nhan nhản mà chúng ta thường gặp trên các mẩu quảng cáo, nhiều nhất là trên internet.

Sự thật viên giảm cân có công hiệu thần dược như vậy không? Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Long (chuyên khoa dinh dưỡng), hiện nay, trên thị trường lưu hành nhiều loại viên giảm cân. Thành phần các viên này mang lại vài tác dụng, chứa một nội tiết tố có khả năng gia tăng chuyển hóa các chất béo, công hiệu với những người béo phì do thiếu Thyroxin. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại chất này là gia tăng nguy cơ tổn hại tim, ức chế chức năng tuyến giáp dẫn tới dễ bị bướu cổ.

Loại thứ hai có chức năng làm "no" ống tiêu hóa. Chất này không được hấp thụ vào máu, chỉ nằm trong lòng ruột, hút nước gây trương nở, làm đầy bụng, khiến người uống thuốc luôn có cảm giác không đói.

Loại thứ ba gây chán ăn. Đây là chất tác động lên hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, làm mất cảm giác đói, ăn không ngon, không muốn ăn, khiến người sử dụng giảm cân vì thiếu dinh dưỡng. Thế nhưng loại này được nhiều người lựa chọn cho mục đích giảm cân.

Tác dụng phụ của loại này là có thể gây nghiện. Khi ngưng sử dụng, người dùng dễ có tâm trạng chán nản. Đặc biệt, người dùng loại chất này có thể bị suy tim, đột quỵ. Loại chất được nhiều người sử dụng nhiều nhất hiện nay là loại chứa chất gây lợi tiểu, nhuận trường. Hầu hết người sử dụng chất này đều bị ảnh hưởng đến tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.

Bà Nguyễn Thị Thu (SN 1975, ngụ Q.Gò Vấp) từng hối hận vì suýt lãnh hậu quả từ việc làm đẹp. Khi đến một thẩm mỹ viện trên đường Trần Hưng Đạo (Q1), bà được bác sĩ chỉ định dùng viên giảm cân. Tin lời bác sĩ, bà sử dụng hơn một tháng thì giảm cân rõ rệt.

Tuy nhiên bà thường xuất hiện triệu chứng đau dạ dày, rối loạn nhịp tim. Khi nhịn ăn không được nữa, bà Thu ăn lại bình thường thì trọng lượng gia tăng trở lại. Nhiều trường hợp khác cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Hậu quả một trường hợp bác sĩ "tay ngang" lấy mỡ bụng

Do bị ngành Y tế quản lý chặt chẽ nên các loại viên làm giảm cân thường được tiếp thị đến người dùng dưới dạng thực phẩm chức năng (TPCN). Ngoài những lời quảng bá "có cánh" về việc mang lại hiệu quả tức thì, hoàn hảo, không sản phẩm nào dám ghi cụ thể thành phần sản phẩm trên nhãn hàng, mà chỉ ghi công hiệu chung chung.

Khi được chúng tôi hỏi cách giảm cân cho con gái học lớp 10, một nhân viên spa trên đường Lý Tự Trọng nhanh nhảu giới thiệu hộp viên giảm cân nhãn hiệu M., trong chứa 50 viên nhộng, giá 3 triệu đồng với lời quả quyết: "Anh, chị cứ mang về cho cháu uống, đảm bảo sau 30 ngày sẽ xuống cân rõ rệt. Đây là TPCN, không phải thuốc nên không có tác dụng phụ”.

Tuy nhiên, khi đọc thành phần sử dụng ghi trong tờ hướng dẫn, chúng tôi phát hiện sản phẩm này được sản xuất ở Trung Quốc, với thành phần có chứa hoạt chất gây tích nước, chuyển hóa mỡ trong cơ thể. Dòng chú thích về tác dụng phụ được ghi bằng tiếng Anh rất nhỏ.

Theo khuyến cáo của giới chuyên môn, giải pháp tối ưu nhất cho việc giảm cân, chống béo phì, tạo vòng eo thon gọn, săn chắc tốt nhất là luyện tập thể dục, thể thao, tập thể hình, gym... Phụ nữ không nên dùng thuốc giảm cân khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Đừng đặt niềm tin vào những viên giảm cân để rồi rước họa vào thân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang