90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (trong đó có Việt Nam).
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 3 triệu người khiếm thị và người có thị lực kém, 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người.
Đó là những con số vừa được chia sẻ tại buổi lễ 'Ra mắt Dự án Khát vọng sáng hỗ trợ người khiếm thị, mù lòa' tại TP.HCM sáng 30-11.
83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được. Ảnh minh họa
Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có trên 35.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời thuộc 15 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách chờ ghép giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay có tới hơn 1.000 người và tăng 300 người mỗi năm.
Và theo thống kê, chỉ có khoảng 200 ca nhận được cơ hội phẫu thuật ghép giác mạc vì số thực tế giác mạc lấy được rất ít ỏi. Số người thực sự hiểu và quan tâm đến việc hiến giác mạc còn quá ít, định kiến về việc mất đi không nguyên vẹn còn quá nặng nề.
Trước đó, câu chuyện về bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Tân Mỹ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không may qua đời vì căn bệnh ung thư đã hiến tặng lại giác mạc của mình gây xúc động mạnh mẽ với cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp của bé đã đem lại ánh sáng cho 2 người khác.
Người trực tiếp lấy giác mạc của bé là BS Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. BS Hoàng chia sẻ, trong 10 năm gắn bó với nghề, đây là trường hợp để lại cho anh cảm xúc mạnh mẽ và đặc biệt nhất.
“Con muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác”, câu nói gây xúc động của Hải An trước khi mất đã làm thức tỉnh hàng triệu người.
Mẹ của bé Hải An, chị Nguyễn Trần Thùy Dương chia sẻ, bé Hải An tuy chỉ mới 7 tuổi nhưng bé có những suy nghĩ rất sâu sắc, bé đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì trọng bệnh.
Chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An (ngồi giữa) xúc động khi kể lại câu chuyện của con mình. Ảnh: NĐ
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương mong muốn câu chuyện về bé Hải An sẽ giúp mọi người thay đổi cái nhìn về việc hiến giác mạc.Từ đó, mọi người chung tay hơn nữa để giúp đỡ những bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn. Vì với chị Thùy Dương: “Hãy ban tặng sự sống sau cái chết để chính mình vẫn 'còn sống', vẫn có thể 'tồn tại' theo một cách đặc biệt”.
Chị Lê Dương Thể Hạnh, một ngườ bị mất đi ánh sáng vĩnh viễn sau bệnh hiểm nghèo chia sẻ, căn bệnh u não đã khiến chị trở thành người khiếm thị. Sau 3 ca phẫu thuật với tổng cộng 27 tia xạ trị, chị may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nhưng cũng từ đây chị trở thành một người khuyết tật và vĩnh viễn mất đi ánh sáng.
Từ một người con gái đang có tương lai rất tươi đẹp và nhìn thấy mọi thứ nên khi mất đi ánh sáng, chị mới thấu hiểu được những khó khăn phải đối mặt trong cuộc sống, nhưng không vì vậy mà chị đầu hàng số phận.
Hiện chị Hạnh là giáo viên dạy máy tính miễn phí cho người khuyết tật, chị cũng là tác giả của quyển sách "Có một mặt trời không bao giờ tắt". Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, chị Hạnh vinh dự nhận được giải thưởng trong cuộc thi viết của quỹ Bill & Melinda Gates.
Chị Thể Hạnh chia sẻ về những khó khăn mà người khiếm thị phải đối mặt và truyền cảm hứng về nghị lực sống. Ảnh: NĐ
Mục tiêu trước mắt của dự án này là tuyên truyền trực tiếp và tư vấn cho 1.000.000 lượt người về chăm sóc mắt và hiến tặng giác mạc. Vận động khoảng 100.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc...
Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc khi chẳng may qua đời
Theo BS Nguyễn Hữu Hoàng, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay kể cả những người mắc bệnh như ung thư, đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Tuy nhiên, những trường hợp bị nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C… nên tránh nguy cơ rủi ro cho người ghép.
Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời, trong khoảng từ 6-8 tiếng sau khi dừng thở.
BS Hoàng cho biết, giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, giúp cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật. Nên khi hiến giác mạc, các kỹ thuật viên chỉ bóc tách lớp màng mỏng. Kỹ thuật bóc tách giác mạc cũng không gây chảy máu. Thời gian thực hiện từ 20-30 phút, tùy từng vào từng trường hợp.
Sau đó, kỹ thuật viên sẽ đậy lại mi mắt cho người hiến kín như đang ngủ và lấy mẫu máu để tiến hành xét nghiệm.
Ra mắt Dự án Khát vọng sáng hỗ trợ người khiếm thị, mù lòa
Sáng 30-11, tại TP.HCM, Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam phối hợp với các đơn vị ra mắt Dự án Chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiếm thị mang tên Khát vọng sáng (gọi tắt là Dự án Khát vọng sáng).
Dự án ra đời với mong muốn hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và tuyên truyền về việc hiến ghép giác mạc đến cộng đồng.
Dự án ra đời với mong muốn hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị