(CAO) Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình, do đó, họ có thể 'vô tình' là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Đó là thông tin vừa được các chuyên gia cung cấp cho báo chí tại chương trình "Tập huấn báo chí về HIV/AIDS" diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày 29 và 30-11-2018.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV hiện còn sống, tuy nhiên chỉ có khoảng gần 200.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình.
Như vậy, vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị nhiễm bệnh. Do đó, họ có thể 'vô tình' là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.
Ths.BS Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảnh báo, trong 6 tháng đầu năm 2018 số người nhiễm HIV mới phát hiện ghi nhận khoảng 3.500 người, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người có ma túy có xu hướng tăng trở lại, cộng thêm sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay, do đó cần cảnh báo nguy cơ đợt dịch mới xuất hiện trong nhóm người trẻ.
Bên cạnh đó, lây truyền HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm MSM trẻ tuổi, ước tính cả nước có khoảng 170.000 MSM.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay cả nước có hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sàng lọc ở 100% các huyện, cả nước có 138 phòng xét nghiệm khẳng định HIV ở tất cả các tỉnh thành và một số huyện vùng sâu, vùng xa.
Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua các cán bộ y tế thực hiện hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng (là những người không chuyên) được tập huấn hướng dẫn cũng có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV.
Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, xét nghiệm HIV ngày nay có thể thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay hoặc xét nghiệm bằng dịch miệng.
Việc điều trị ARV hiện nay cũng đã được mở rộng tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, với 470 cơ sở điều trị ARV, và có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã trên cả nước.
Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua Bảo hiểm y tế trong những năm tới. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng gần 130.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 65% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Như vậy vẫn còn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV.
Hiện Việt Nam vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị nhiễm bệnh. Ảnh minh họa
Theo Ths.BS Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, vì ngại đi xét nghiệm hoặc sợ lộ danh tính nên phần lớn người HIV được phát hiện muộn trong quá trình khám chữa bệnh. Trong khi đó, lợi ích của việc điều trị ARV là giữ cho cơ thể khỏe, giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ hội, giảm lây truyền HIV sang bạn tình hoặc giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Theo TS. John Blandford, Giám đốc Tổ chức Kiểm soát và Dự phòng dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam, "Không phát hiện - Không lây truyền" (K = K) được dịch từ tiếng Anh "Undetectable = Untransmittable" (U = U) là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus ARV với người nhiễm HIV.
Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ.
Thông điệp này cũng làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người có HIV tuân thủ điều trị.
TS. John Blandford, Giám đốc Tổ chức Kiểm soát và Dự phòng dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam cho biết, khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu, hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
Qua 3 nghiên cứu trên hàng ngàn cặp bạn tình trái dấu với hàng ngàn lần quan hệ tình dục mà không cần sử dụng bao cao su hay thuốc Dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho thấy, không có bạn tình HIV âm tính bị lây HIV từ bạn tình HIV dương tính khi họ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của bản thân - 90% người nhiễm HIV được chẩn đoán, được điều trị AVR - 90% người điều trị AVR có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế).
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hiệp quốc đề ra.
Do đó, để đạt được mục tiêu 90-90-90 cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS.
Trong bối cảnh HIV tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế. Và điều quan trọng, đó là tiền đề để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
(CAO) Người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị sẽ sinh con khỏe mạnh bình thường và có thể sống thực sự an toàn với bạn tình.