(CAO) Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được cứu sống, nhưng 18 y, bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV. Họ đang phải uống thuốc dự phòng kháng virus. Hiện tất cả phải chờ 3 tháng để có kết quả xét nghiệm.
Trước thông tin này, chiều 9-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư khen 18 y, bác sĩ đã mổ cấp cứu cho bệnh nhân N.T.H (Quảng Ninh) trong tình trạng nguy cấp mà không kịp thực hiện các biện pháp phòng vệ tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội.
Toàn văn Thư khen của Bộ trưởng Bộ Y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình chữa bệnh cứu người, cán bộ y tế luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm những căn bệnh hiểm nghèo từ bệnh nhân. Hành động của 18 y, bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một ví dụ về tinh thần hết lòng vì người bệnh, thực hiện đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ y tế “Cán bộ y tế phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Bên cạnh đó, còn nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng khác của các cán bộ y tế mà không phải lúc nào mọi người cũng biết đến.
Theo đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh đối với 18 thầy thuốc này. Xin chúc 18 cán bộ y tế sức khoẻ, tiếp tục công tác và cống hiến hơn nữa cho người bệnh.
Trước đó, ngày 4-7, bệnh nhân N.T.H. xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu. Gia đình đưa ngay chị H. vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi vào viện, bệnh nhân H. đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo. Lập tức, 18 y, bác sĩ được huy động cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân.
BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội thăm hỏi bệnh nhân NTH sau khi phẫu thuật. Ảnh (Sức khỏe & Đời sống - Bộ Y tế)
Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh, tình trạng bệnh nhân N.T.H. khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Nếu chỉ chậm 1 - 2 phút là bệnh nhân sẽ không qua khỏi.
Ngay lập tức, bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu. Tử cung đã bị hoại tử, không thể bảo tồn. Nếu không cắt bỏ, khả năng bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết và tử vong là không tránh khỏi. Lượng máu trong người bệnh nhân đã kiệt. Trong quá trình phẫu thuật phải truyền tổng cộng 4 lít máu cho bệnh nhân.
Sau cấp cứu, họ mới biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Khi đó, 18 y bác sĩ mới biết rằng mình có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV.
“Để cứu sống người bệnh trong cơn nguy cấp, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân mình. Các bác sĩ đã làm đúng lương tâm người thầy thuốc”, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ.