(CAO) Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã khởi động chương trình “Hành trình đỏ – Kết nối dòng máu Việt”. Chương trình sẽ diễn ra xuyên suốt 22 tỉnh, thành của cả nước để vận động người dân hiến máu tình nguyện.
TỪ ĐẤT LIỀN ĐẾN HẢI ĐẢO
Hành trình Đỏ hướng không chỉ nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về hiến máu tình nguyện mà còn tuyên truyền phòng chống căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.
Tại Việt Nam, tình trạng thiếu máu cấp cứu và điều trị rất phổ biến. Cả nước mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu máu cần có, bệnh Tan máu bẩm sinh với hơn 5 triệu người mang gen và mắc bệnh, 2.000 trẻ em sinh ra đời hàng năm cần truyền máu liên tục để duy trì sự sống...
Gíao sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Trí- Viện trường Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: “Hai nhóm máu thiếu nhất là máu A và máu O. Nguyên nhân do máu A là máu có tỉ lệ người mang ít (trên dướI 17%), máu nhóm O là máu có thể truyền cho tất cả các nhóm nên được sử dụng thay thế nhiều. Hiện nay, nguồn máu hiến chính vẫn là sinh viên, học sinh, vào dịp hè là dịp ôn thi nên lượng người hiến giảm hẳn”.
Hiến máu là cứu người và giúp mình khi cần - Ảnh: Hồng Đăng
Năm 2015 là năm thứ ba Hành trình Đỏ được thực hiện, để tiếp tục sứ mệnh ý nghĩa là tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo. Chương trình năm nay có nét mới là sẽ tổ chức ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Thạc sỹ Ngô Mạnh Quân – Phó trưởng ban tổ chức chương trình cho biết thêm: “Chưa có năm nào hành trình đỏ tổ chức trên đảo. Năm nay, ban tổ chức sẽ đưa chương trình ra xã đảo Lý Sơn. Ngoài việc tuyên truyền hiến máu, chương trình sẽ xây dựng cho người dân đảo một ngân hàng máu di động. Ngân hàng máu này nằm trong cơ thể của những người dân khoẻ mạnh. Khi có trường hợp khẩn cấp cần máu, những người này sẽ cho máu. Đây là là một chương trình hết sức ý nghĩa vì nó hỗ trợ rất lớn cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh trên đảo”.
Ngoài ra, xuyên suốt chương trình, ban tổ chức sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có nhiều người hiến máu.
Được biết, Năm 2013, Hành trình đỏ thực hiện trên 15 tỉnh thành phố trong 30 ngày và thu gần 20.000 đơn vị máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị. Năm 2014, chương trình được tổ chức tại 25 tỉnh thành phố trong vòng 34 ngày và thu được gần 50.000 đơn vị máu.
HIẾN MÁU CỨU NGƯỜI VÀ HOÀN THIỆN MÌNH
Để thực hiện chuyến xuyên Việt từ ngày 3-7 đến 26-7, ban tổ chức Hành trình đỏ đã tổ chức tuyển tình nguyện viên khắp cả nước. Hàng ngàn bạn trẻ đã đăng ký tham gia nhưng chỉ 120 người trúng tuyển. Đội ngũ này sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tổ chức chương trình, vận động người dân hiến máu.
Tham gia cùng các tình nguyện viên là các ca sỹ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng như: ca sỹ Tố Nga, Sỹ Luân, Tạ Quang Thắng, diễn viên Cao Thiên Kim, Ngọc Lan...
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Trí tặng quà cho một gia đình bị bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia - Ảnh: Hồng Đăng
Họ là những đại sứ cổ động cho chương trình này. Ca sỹ Sỹ Luân là người đã 3 năm liên tục làm đại sứ cho chương trình bày tỏ: “Từ lúc sinh viên tôi đã tham gia hiến máu, đến nay thì không nhớ được đã hiến bao nhiêu lần. Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa nên tham gia hỗ trợ ban tổ chức công tác văn nghệ. Với giới trẻ, các bạn nên tham gia hiến máu vì đó là sự chia sẻ và cứu người”.
Chữ Nhất Hợp - một tình nguyện viên tham gia chương trình này chia sẻ: “Tôi tham gia vào chương trình này vì đây là chương trình đầy tính nhân văn, giáo dục cho giới trẻ và nhiều người về lòng nhân ái, nâng cao nhận thức sẻ chia với khó khăn của cộng đồng. Tôi hy vọng năm nay sẽ có nhiều người tình nguyện hiến máu hơn mọi năm”.
Tuy nhiên, hiện không ít bạn trẻ hiện nay còn ngại ngần hiến máu. Nhiều người so đo được mất. Có trường hợp đặt vấn đề: “Mình cho máu nhưng sao bệnh nhân phải trả tiền máu”.
Về vấn đề này, Gíáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Trí giải thích: “Máu nhận được từ hiến chỉ mới là nguyên liệu thô. Để có máu sạch truyền cho bệnh nhân phải trải qua hơn 10 công đoạn sàng lọc, lưu trữ. Mỗi lần tổ chức vận động hiến máu, chi phi cũng không ít. Tổng chi phí để hoàn chỉnh một bịch máu sản phẩm không dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ phải trả từ 400- 800 ngàn đồng, chi phí còn lại nhà nước phải bù lỗ.
Nhiều bạn trẻ tình nguyện tham gia hỗ trợ chương trình - Ảnh: Hồng Đăng
Ngoài ra với người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, máu truyền hiện được miễn phí. Về mặt quyền lợi cho người đã hiến máu, khi người hiến máu (hoặc người thân) cần máu, ngành y tế phải hoàn trả lại tối thiểu bằng lượng máu họ đã cho. Điều này là quy định trong ngành Y tế nhiều năm nay”.