Nguy kịch tính mạng vì nằm lò than sau sinh

Thứ Năm, 09/07/2015 13:11  | Nam Anh

|

(CAO) Nhiều gia đình vẫn còn cho sản phụ và em bé nằm than sau khi sanh nở, nhưng trường hợp một bà mẹ mới sinh con nguy kịch phải nhập viện tại TP.HCM một lần nữa cảnh báo thói quen xa xưa này rất dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc khí CO (cacbon monoxide).

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (31 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhập viện ngày 29-6 trong tình trạng hậu sản ngày thứ 8, bị nhiễm trùng nặng, sốt cao, sản dịch vẫn còn nhiều, phải thở máy.

Sản phụ Thu lúc còn nằm điều trị tại khoa nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Nam Anh

Nằm phòng kín, không dám mở cửa

Trước đó, chị Th. sinh con gái đầu lòng nặng 2,9 kg tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Chị sinh thường, nên sau khi sinh 5 ngày, tình hình sức khoẻ ổn định, bệnh viện cho xuất viện về nhà.

Quan niệm “đẻ con so” phải chăm sóc kỹ nên gia đình để hai mẹ con nằm trong phòng kín, không dám mở cửa. “Cẩn thận” hơn, gia đình còn yêu cầu chị và em bé nằm trên lò than củi, không dùng quạt máy.

Theo người nhà, sau 1 ngày nằm bếp than, chị Th. kêu rằng nóng. Qua hôm sau nữa, chị bắt đầu sốt cao dần, nôn ói, tri giác giảm, người lơ mơ. Gia đình liền đưa vào Bệnh viện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cấp cứu và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Từ Dũ. Tại đây ghi nhận bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp, đi vào hôn mê. Kiểm tra tử cung cho thấy còn dịch hậu sản sau sinh. Bệnh nhân được cho thở máy. Do nghi vấn ngộ độc khí CO trên bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, nghi ngờ tổn thương não và xuất huyết não nên tiếp tục chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại đây, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa hồi sức cấp cứu - cho biết, kết quả chụp CT, MRI không phát hiện tổn thương não nhưng khi kiểm tra sản dịch tử cung phát hiện có vi trùng, nên chị Thu được điều trị thuốc kháng sinh tích cực liều cao, thở máy để điều trị tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao, sản dịch vẫn nhiều, diễn tiến nguy kịch.

Theo bác sĩ Linh, việc nằm than là yếu tố tác động lớn, nhất là khi sản phụ mới sinh xong lại nằm trong phòng kín, nhỏ, thiếu không khí.

Cả thành phố cũng quan niệm nằm than… tốt

Hiện chị Th. đã bớt sốt, huyết áp ổn định hơn nhưng vẫn phải thở máy, duy trì kháng sinh liều cao, thuốc an thần.

“Sắp tới chúng tôi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương để có hướng điều trị tiếp theo. Vẫn tiếp tục cho dùng kháng sinh liều cao nhưng sẽ bớt thuốc an thần dần để đánh giá lại tình trạng tri giác của bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch”, bác sĩ Linh nói.

Bác sĩ Linh cảnh báo, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp sản phụ bị ngộ độc khí CO, thậm chí có ca cả mẹ lẫn con cùng bị ngộ độc. Tình trạng ngộ độc ở sản phụ đều xuất phát từ thói quen nằm lò than sau khi sinh nở. Một số trường hợp khác bị ngộ độc khí CO do mở máy phát điện trong nhà, ngủ trong xe hơi nổ máy…

Bác sĩ khuyên khi phát hiện người bị ngộ độc khí CO, phải lập tức đưa nạn nhân ra nơi có nhiều oxy, sau đó sơ cứu ngay. Người bị nhiễm độc khí CO quá nặng phải được đưa đến cơ sở y tế có hồi sức oxy cao áp để điều trị.

Trường hợp chị Th. rất may mắn khi bé gái sơ sinh con chị không bị ảnh hưởng, nhưng bé đã hoàn toàn không nhận được sự chăm sóc, cho bú mớm trực tiếp từ mẹ. Tuy chị là công nhân, được BHYT chi trả một phần, nhưng hiện gia đình vẫn phải gánh khoản viện phí xấp xỉ 1 triệu đồng/ngày.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Ngọc Hải - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ - cho rằng, trường hợp trên lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về thói quen xa xưa này. Việc cho sản phụ nằm than vẫn còn khá phổ biến ở nông thôn, thế nhưng, tại các thành phố lớn vẫn xảy ra các ca ngộ độc CO.

Bình luận (0)

Lên đầu trang