(CAO) Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm mô hình xe cấp cứu 2 bánh giai đoạn 2 mở rộng thêm tại một số quận như: quận 1, quận 2, quận 4 và quận Thủ Đức.
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau hơn 2 tuần triển khai thí điểm thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh trên địa bàn quận 1, trong tổng số 67 cuộc gọi cấp cứu 115 của người dân được tổng đài chuyển đến Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, đã có 26 lần trạm cấp cứu của BV điều xe cấp cứu 2 bánh đi cấp cứu.
Trong đó, tùy theo nội dung của các cuộc gọi cấp cứu, có 9 lần bệnh viện chỉ cần điều xe cấp cứu 2 bánh đến nhà người dân và các bác sĩ đã sơ cứu, khám bệnh, kê đơn và tư vấn người bệnh mà không cần hỗ trợ của xe cứu thương; có 17 lần bệnh viện điều động cùng lúc vừa xe cấp cứu 2 bánh và xe cứu thương vì các trường hợp này là tai nạn giao thông và các bệnh lý cần phải nhập viện khẩn cấp, bác sĩ đi xe cấp cứu 2 bánh đến trước để kịp thời sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến để chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị.
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết: “Cấp cứu bằng xe hai bánh bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh và được người dân hưởng ứng vì tính tiện lợi và nhanh chóng.
Đây là mô hình cần thiết và tiện lợi cho những trường hợp khẩn cấp, phù hợp với đường phố đông đúc, nhiều ngóc ngách, ngõ hẻm như TP.HCM; giúp người dân được tiếp cận với y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất.
Đặc biệt là những người bệnh ở hẻm sâu, hẻm nhỏ, kẹt xe… Trong vòng từ 3-5 phút xe cấp cứu bằng xe hai bánh có thể tiếp cận được với người bệnh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất mà xe cấp cứu truyền thống có những hạn chế nhất định không thể làm được".
Theo đó, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn xin được tiếp tục thử nghiệm loại hình xe cấp cứu 2 bánh trong thời gian tới vì tính hiệu quả, nhất là cả nhân viên và người bệnh đều hài lòng.
Mô hình xe cấp cứu bằng xe hai bánh đem lại sự hài lòng cho người dân
Bệnh viện quận 1, quận 2, quận 4, quận Thủ Đức và cả Trung tâm Cấp cứu 115 cũng đều mong muốn được tham gia thử nghiệm bổ sung loại hình xe cấp cứu 2 bánh cho các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện này.
Lý do mà các bệnh viện muốn được triển khai thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh là do địa bàn của các quận 1, quận 2, quận 4 và quận Thủ Đức đều giống nhau về mật độ giao thông, nhiều hẻm nhỏ, xe cứu thương khó vào được.
Mặt khác, theo quy định, các bệnh viện đều chỉ có 2 xe cứu thương không đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân trên địa bàn (trung bình từ 4-10 cuộc gọi cấp cứu, cao nhất là quận Thủ Đức có đến 30 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày), nhiều trường hợp do xe cứu thương bận đi chuyển bệnh nên đến chậm và người dân phải gọi xe taxi chở đi cấp cứu.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM giao phòng Nghiệp vụ Y, phòng Kế hoạch tài chính và Trung tâm Cấp cứu 115 hướng dẫn và hỗ trợ cho các đơn vị trên chuẩn bị về nguồn nhân lực, xe cấp cứu 2 bánh với đầy đủ các trang thiết bị và thuốc cấp cứu cần thiết và nhất là thống nhất quy trình vận hành các loại xe khi có cuộc gọi cấp cứu, đảm bảo mục tiêu tiếp cận người bệnh nhanh nhất để kịp thời sơ cấp cứu, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa xe cấp cứu 2 bánh và xe cứu thương khi có bệnh nhân nặng cần chuyển về bệnh viện để điều trị.
Dự kiến thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong 3 tháng, sau đó sẽ sơ kết đánh giá hiệu quả và Sở Y tế sẽ trình UBND TP và Bộ Y tế được chính thức triển khai.
(CAO) Đây là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân trên địa bàn quận 1, địa bàn đông dân cư, nhiều khách du lịch và nhiều lễ hội.