(CAO) Sáng 1-12, hơn 2.000 người tham dự buổi mít tinh và diễu hành cấp quốc gia kêu gọi phòng chống HIV/AIDS tại công viên Văn Lang, Q.5, TP.HCM. Chương trình do Bộ Y tế và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS.
Hiện có hơn 131 ngàn bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 54 ngàn người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những con số ấn tượng này là những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, tình hình bệnh HIV ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Mỗi năm vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, cướp đi từ 3.000 – 4.000 sinh mạng. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Và vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ mít tinh
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh thành phố, các tổ chức xã hội, ngành y tế và mỗi người dân cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV.
Đồng thời hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV, người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm. Hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay có chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp.
Các hoạt động cụ thể sẽ được tổ chức như truyền thông về Luật Phòng, chống HIV/AIDS, về các chính sách quy định pháp luật có liên quan; tổ chức tư vấn xét nghiệm sớm HIV, vận động những người có hành vi nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV định kỳ.
Ngay sau lễ mít tinh, các đại biểu đã tham quan triển lãm hoạt động phòng chống HIV/AIDS; thăm và tặng quà cho bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và các gian hàng giới thiệu hoạt động phòng chống HIV/AIDS của các đơn vị.
Hơn 2.000 người tham dự mít tinh kêu gọi phòng chống HIV/AIDS
Đại dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đến tháng 12-2017, thế giới đã có hơn 36,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống và khoảng 35,4 triệu người đã tử vong vì AIDS kể từ đầu vụ dịch đến nay. Mỗi năm thế giới vẫn có khoảng gần 2 triệu người mới được phát hiện nhiễm HIV.
(CAO) Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình, do đó, họ có thể 'vô tình' là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.