Vụ gần 700 cây thông bị đầu độc: Kỷ luật nhiều cá nhân, tập thể

Thứ Tư, 05/12/2018 11:58

|

(CAO) Ngày 5-12, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã thông tin về nội dung vi phạm cụ thể của các tập thể, cá nhân trong vụ gần 700 gốc thông tại tiểu khu 274, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà bị đầu độc, chết khô.

Theo đó, vụ việc đã được Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Đến nay, cơ quan điều tra đang phối hợp với các ngành chức năng tiến hành xác minh, truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm theo luật định.

Trong khi vụ án đang được điều tra, làm rõ, ngành chức năng đã xác định trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, thống nhất các mức xử lý kỷ luật như sau:

Phê bình, rút kinh nghiệm UBND xã Gia Lâm và 4 cá nhân, gồm: ông Nguyễn Phúc Thái - Chủ tịch UBND xã, Lê Văn Danh - kiểm lâm địa bàn xã, Chử Minh Hiếu - cán bộ tiểu khu 274 – Ban QLRPH Nam Ban, ông Trần Văn Tri - Đội trưởng đội bảo vệ rừng chuyên trách số 4 – Ban QLRPH Nam Ban (ông Tri còn bị cho thôi giữ chức Đội trưởng).

Thông bị đầu độc bằng hóa chất đang chết dần (Ảnh: Khánh Hương)

Theo đánh giá của nhiều người, mức xử lý kỷ luật với ông Trần Văn Tri khá nghiêm minh, những người khác còn quá nhẹ. Bởi việc trồng lại rừng thông gần 700 cây, 20 năm tuổi tốn cả trăm triệu đồng, phải mất nhiêu năm.

Vụ phá vạt rừng thông lớn này do Hạt kiểm lâm Lâm Hà phối hợp với Ban QLRPH Nam Ban kiểm tra, phát hiện vào ngày 7-9-2018, tại tiểu khu 274, thuộc xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tại 2 vị trí, thời điểm bị phá cách nhau khoảng nửa tháng. Thủ đoạn của các đối tượng là dùng khoan điện khoan cây, đổ hóa chất vào khiến cây nhiễm độc, chết đứng.

Thông bị khoan lỗ, đổ thuốc trừ sâu đậm đặc khiến chất độc lưu dẫn trong cây rất khó cứu vãn

Thời gian qua, tình trạng hàng loạt gốc thông, vạt rừng thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị “đất tặc”, “lâm tặc” đầu độc, triệt hạ, chủ yếu để chiếm đất canh tác, mua bán đất, lâm sản kiếm lời bất chính... gây bức xúc xã hội.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với những diện tích rừng thông bị tàn phá, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã tổ chức cho trồng thông ngay sau đó, cây trồng lớn 2, 3 đến 7 tuổi để đảm bảo sự sinh trưởng của cây, tránh tình trạng để đất trống và vẫn đang khẩn trương, quyết liệt phối hợp với ngành công an các cấp truy bắt những kẻ phá rừng để xử lý nghiêm theo luật định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang