Lâm Đồng: Thông “khóc” giữa đại ngàn!

Thứ Sáu, 30/11/2018 12:43

|

(CAO) Những năm gần đây, tình trạng những cánh rừng thông ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục bị bức hại, bằng nhiều thủ đoạn: chặt hạ, đầu độc gốc thông bằng thuốc trừ sâu... nhằm lấy gỗ, chiếm đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, môi trường, mỹ quan của xứ ngàn thông.

Tình trạng này diễn ra khá thường xuyên, gây bức xúc với nhiều người, nhiều lực lượng. Đâu là nguyên nhân?

Đủ chiêu triệt hạ rừng thông

Do khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, thông trở thành loài cây đặc hữu, chiếm khoảng trên 200.000 héc-ta trên tổng diện tích gần 600.000 héc-ta rừng ở tỉnh Lâm Đồng; gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ, bao quanh nội, ngoại ô TP.Đà Lạt và các vùng dân cư.

Tình trạng phá rừng xảy ra ở Lâm Đồng chủ yếu do các đối tượng chặt phá, đầu độc thông để chiếm dụng đất canh tác, mua đi bán lại kiếm lời bất chính, khai thác lâm sản...

Cánh rừng thông tự nhiên 30 tuổi nằm sát tỉnh lộ 725, cách trụ sở Trạm quản lý rừng Lâm Viên chỉ 500m bị 'đầu độc' bằng thuốc diệt cỏ nhưng chưa tìm ra thủ phạm.

Nhiều năm qua, các ngành chức năng và phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện nhiều vụ phá rừng thông quy mô. Nhiều vụ được phát hiện nhờ nguồn tin của người dân cung cấp.

Thật xót xa, bất bình khi nhiều vạt rừng thông, gốc thông 20 đến 40, 50 năm tuổi bị “lâm tặc” đầu độc, cưa phá; chỉ đến khi thông chết đứng, đổ rạp hoặc bị cắt xẻ thành từng lóng, chất đống mới bị phát hiện. Cũng có khi rừng thông vừa bị tàn phá, nhựa còn ứa trên thân cây, lá xanh chưa kịp ngả màu hoặc vạt rừng nồng nặc mùi thuốc sâu vì cây vừa bị “ken” gốc, hạ độc...

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, 10 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 742 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, giảm 133 vụ so với cùng kỳ; diện tích thiệt hại hơn 53 héc-ta, lâm sản thiệt hại hơn 3.000m3. Cơ quan chức năng đã xử lý 629 vụ, tịch thu trên 1.000m3 gỗ, thu nộp ngân sách trên 4,3 tỷ đồng.

Trong đó, riêng phá rừng thông là 9 vụ, xảy ra tại 6 địa bàn chủ yếu: TP.Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông; diện tích thiệt hại trên 23 héc-ta, 3.664 gốc thông (tương đương gần 23.000m3 gỗ).

Có khi chỉ trong 1 tháng (tháng 8-2018), tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương. Đam Rông... đồng loạt xảy ra 4 vụ phá rừng thông quy mô. Nhiều vụ thiệt hại cả ngàn gốc thông. Điển hình như vụ phá rừng thông xảy ra tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, vào đầu tháng 8-2018; trong thời gian dài, đối tượng chặt phá đến trên 1.000 gốc thông mới bị phát hiện.

Công an huyện Đam Rông sau đó đã bắt giam đối tượng Lê Văn Tuấn (30 tuổi), trú thôn Thanh Bình về hành vi huỷ hoại rừng. Đối tượng Tuấn khai nhận đã dùng cưa máy, hạ hàng loạt cây thông hoặc khoan lỗ, bơm thuốc độc vào thân để cây chết dần. Tại các khu vực đất trống, Tuấn trồng cây dổi, lát hoa với diện tích hơn 24.000 m2 để chờ dịp bán gỗ tạp.

Đáng nói, đối tượng đưa cả máy múc, máy gạt vào san gạt đất mà không bị phát hiện. Người dân nhiều lần báo cán bộ xã nhưng sự việc không được ngăn chặn, xử lý. Liên quan đến sự việc, ông Hoàng Trần Phú Hưng - Phó chủ tịch xã Phi Liêng, kiêm Trưởng ban lâm nghiệp xã là và ông Dương Văn Huy - cán bộ tiểu khu 216 bị đình chỉ công tác để xem xét trách nhiệm.

Những kẻ phá rừng vạt thông, khoan lỗ đổ thuốc trừ sâu hoặc cưa cho cây... gần đứt để diệt thông chiếm đất

Hay như vụ phá rừng thông tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng vào tháng 4-2018, tại tiểu khu 273, đối tượng đầu độc 842 gốc thông ba lá, trữ lượng gần 30.000m3 gỗ. Tháng 8-2018, cũng tại tiểu khu này, Hạt kiểm lâm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, phát hiện thêm đến 743 cây thông 3 lá khác tiếp tục bị đầu độc.

Giữa tháng 11-2018, dư luận lại một phen “dậy sóng” trước thông tin, gần 700 gốc thông trên diện tích gần 1,7 héc-ta tại thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà chết đứng vì bị đầu độc bởi hóa chất. Đây là vạt rừng thông 3 lá, có đường kính từ 25- 40cm, khoảng trên 20 năm tuổi.

Tại hiện trường, cả một khoảng rừng thông đã ngả sang màu đỏ sậm; phần thân cây, gần gốc bị khoan lỗ chi chít. Lực lượng chức năng sau đó đã dùng dầu nhớt đổ vào lỗ khoan (theo phương pháp truyền thống) để cứu cây. Tuy nhiên, xác suất cứu cây từ phương pháp này là rất thấp.

Nhiều vạt rừng ở ngay sát bên trụ sở BQL rừng mà hàng ngày cán bộ vẫn đến ở và làm việc bị tàn phá, gây nhức nhối với nhiều người. Ngành chức năng cho biết, các đối tượng thường lợi dụng trời mưa gió, đêm tối hoặc tờ mờ sáng để thực hiện hành vi phá rừng nên rất khó phát hiện, bắt quả tang, xử lý.

Cần mạnh tay, quyết liệt, triệt để

Hầu hết các vụ phá rừng thông, đến nay, các cơ quan chức năng chưa bắt được thủ phạm. Vụ phá rừng tại Bảo Lâm, sau cả tháng trời mật phục, Công an địa phương phối hợp lực lượng kiểm lâm và BQL rừng đã bắt giữ được 2 đối tượng Nguyễn Văn Long (24 tuổi), trú huyện Bảo Lâm và Nguyễn Quốc Vương (17 tuổi), trú TP. Bảo Lộc. Cả 2 khai nhận hành vi “ken” cây đổ hóa chất nhằm mục đích lấy đất sản xuất nông nghiệp.

Nhiều vụ phá rừng, đối tượng manh động, tấn công lại lực lượng chức năng. Có vụ, đối tượng thuê người hạ độc thông để chiếm đất trồng cà phê lại chính là nhân viên bảo vệ rừng, như vụ tên Vũ Văn Thanh (44 tuổi) thuê người phá 2,6 ha rừng thông tại huyện Bảo Lâm. Y đã bị bắt giữ cùng 4 tên đồng phạm.

Hơn 1.000 gốc thông trên diện tích gần 4 héc-ta do BQL rừng phòng hộ Phi Liêng (huyện Đam Rông) và một Tổ đồng bào nhận khoán bị triệt phá suốt nhiều ngày dài mà không ai hay biết 

Khi các vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đều trực tiếp có mặt tại hiện trường để nắm tình hình, chỉ đạo, động viên lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ, truy bắt các đối tượng phá rừng để xử lý, có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ rừng.

Thủ đoạn hầu hết của những kẻ phá rừng thông là chúng dùng rìu vạt lớp vỏ cây thông ở phần gốc để nhựa không lên nuôi thân hoặc dùng cưa máy, cưa sâu vào thân cây để khi có gió bão mạnh, cây ngã gục trong lúc chúng không có ở hiện trường.

Phổ biến là thủ đoạn các đối tượng khoan vào thân cây, sâu từ 10-15cm rồi bơm thuốc diệt cỏ để cây chết từ từ. Sau đó, sẽ xuất hiện những kẻ đến dọn dẹp hiện trường, “xí phần” đất canh tác, trồng cà phê, hoa màu hoặc mua, bán đất. Phần việc khá khó khăn của cơ quan Công an sau đó là truy tìm kẻ phá rừng thông, chứng minh mối quan hệ của kẻ hủy hoại rừng với kẻ chiếm đất để xử lý chúng.

Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bảo vệ và phát triển rừng, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được phân công trách nhiệm cụ thể, bao gồm: chủ rừng (các BQL rừng thuộc nhà nước và các BQL rừng tư nhân), chính quyền địa phương, kiểm lâm.

Hệ thống chính quyền cấp huyện (thị, thành), xã, có sự tham gia của hầu hết các lực lượng phòng, ban, cán bộ cơ sở; trong đó kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng là lực lượng chuyên trách. Họ có chức năng, nhiệm vụ, kinh phí hoạt động rõ ràng; mục tiêu nhằm bảo vệ, phát triển rừng. Lực lượng hùng hậu, nhưng rừng vẫn mất... đều!

Theo lãnh đạo ngành kiểm lâm Lâm Đồng: Khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương còn do vấn đề di dân tự do, thành phần dân cư phức tạp... Một số vùng như Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, dân di cư có nhu cầu đất để canh tác nên phá rừng hoặc phá rừng thuê (để lấy đất, lâm sản) cho kẻ khác.

Đối với các hộ, tổ được giao khoán rừng, để mất rừng mới chỉ có biện pháp... thu hồi lại rừng. Biện pháp chế tài xử lý đối với những kẻ phá rừng hiện nay chưa đủ mạnh. Theo quy định, khai thác rừng trên 20m³ mới khởi tố. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng chỉ làm tới... gần 20m3 rồi dừng lại, nếu bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính. Một số vụ án phá rừng, tòa xử án treo nên không đảm bảo tính răn đe...

Những khó khăn, sự không đảm bảo trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng rất cần những bài toán hóa giải.

Lực lượng kiểm lâm gần như bất lực vì những kẻ phá rừng tinh vi
Vùng rừng giáp ranh khu dân cư trở thành những "điểm nóng" của nạn phá rừng

Ông Võ Danh Tuyên – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng, phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp, cho biết: "Để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn, thời gian qua, Sở đã đề xuất UBND tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, như: Xác định, dự kiến hình thành những “điểm nóng”, như: khu vực đất tốt, vùng rừng giáp ranh khu dân cư, suối, thác... để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra; tại các khu vực rừng bị phá, lập tức triển khai giải tỏa, trồng lại rừng, không để đất trống cho các đối tượng tranh chấp, canh tác.

Đặc biệt, chúng tôi vừa cho triển khai mẫu sổ nhật ký tuần tra trang bị đến tất cả các lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và sẽ tiến hành kiểm tra thường kỳ hoặc đột xuấ. Việc này sẽ kiểm soát được công tác của cán bộ. Nếu để xảy ra mất rừng sẽ làm rõ trách nhiệm cán bộ...

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất với ngành tòa án xét xử lưu động với các đối tượng có hành vi hủy hoại rừng, qua đó làm công tác tuyên truyền, nâng cao tính răn đe với tội phạm; thực hiện đúng quy chế thưởng 10%/tổng giá trị vật chất thu được cho bất kỳ người nào có tin báo phát hiện các vụ phá rừng...".

Rất cần sự chung tay, trách nhiệm của các lực lượng, ban ngành chức năng để rừng thôi ‘chảy máu’!

Yêu cầu công bố ‘đường dây nóng’ xử lý vi phạm lâm luật

Ngày 2-11, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản về việc tiếp tục tăng cường thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đến các sở, ngành liên quan: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, Công an tỉnh, UBND các huyện/thành phố, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn.

Nội dung: yêu cầu giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và người đứng đầu các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo và tập trung thực hiện quyết liệt, đầy đủ, kịp thời các Chỉ thị, chỉ đạo, thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành; thường xuyên bám sát địa bàn, cơ sở để kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng vi phạm liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; Công an tỉnh, Chi cục kiểm lâm, UBND các huyện/thành phố công bố số điện thoại ‘đường dây nóng’ để tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh, tố giác của nhân dân về các hành vi phá rừng, khai thác gỗ trái phép... .

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, lấn chiếm – san ủi – sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép...

Bình luận (0)

Lên đầu trang