Những chợ “độc" mùa nước nổi (kỳ 2):

Độc đáo chợ bò vùng biên

Thứ Tư, 21/11/2018 14:17  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Để tạo điều kiện cho người dân biên giới và nước bạn có nơi buôn bán, tỉnh An Giang đã thành lập chợ bò Tà Ngáo. Mùa nước nổi, chợ bò vùng biên hoạt động hết sức nhộn nhịp. Từ đây, bò được kiểm dịch rồi lên xe tỏa khắp các tỉnh tiêu thụ.

Chợ bò bên kênh Vĩnh Tế

Trước đây, xuất phát từ việc nuôi bò vỗ béo và sử dụng làm sức kéo ở vùng Bảy Núi, nên đến ngày mùa hoặc lễ hội người dân tộc lại sang Campuchia mua bò tốt. Dần dà trâu, bò được chuyển sang giao dịch tại khu vực biên giới.

Người dân biên giới đến chợ bò giao dịch,

Ban đầu, việc mua bán bò ở đây cũng ít, sau đó những lái bò chọn khu đất trống ở ấp Phú Tâm (xã An Phú, H.Tịnh Biên) để làm điểm giao dịch. Từ đó đã hình thành phiên chợ bò nổi tiếng khắp vùng mang tên Tà Ngáo.

Ông Chau Thon (54 tuổi), một hộ nuôi bò đồng thời cũng là dân lái bò có tiếng ở xứ này cho biết: “Hồi ấy, trong phum, sóc ở vùng Bảy Núi nhu cầu chăn nuôi bò rất lớn. Trong khi đó nguồn giống bò tốt ở nơi đây khá hiếm đành phải sang tận tỉnh Tà Keo mua.

Đặc biệt đến khi lễ hội đua bò mừng ngày mùa, để được ông Lục trong chùa khen người dân còn sang tậm Nam Vang, có khi cả Lào hoặc Thái Lan tìm bò tốt về huấn luyện. Từ việc mua bán chỉ đôi ba cặp thì đến nay lên đến hàng trăm con”.

Một góc chợ bò Tà Ngáo.

Thế là phiên chợ bò buôn bán ngày lớn mạnh, với cả trăm con bò được các mối lái nước bạn chuyển qua biên giới. Năm 2006, chợ bò Tà Ngáo hay còn gọi là “sàn giao dịch bò” được thành lập.

Từ đây, chợ bò Tà Ngáo hoạt động theo phương thức chuyên doanh. Hiện tại mỗi ngày có hàng trăm con được trao đổi, mua bán.

Bò bán không hết thuê chuồng rọng lại.

Ngoài việc mua bán, chợ bò Tà Ngáo còn kéo theo các dịch vụ như: cắt cỏ, chăn dắt bò, thuê chuồng “rọng” bò… đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài huyện.

Đang giao dịch bò tại chợ, ông Trần Văn Phi (60 tuổi) cho biết: “Đã nhiều năm trong nghề buôn bán bò nên tôi rất rành về chợ này. Nếu ai có nhu cầu mua bò mổ thịt hoặc vỗ béo thì có thể xuống tận bến tập kết để chon mua.

Bò vỗ béo 3 – 4 tháng có thể xuất chuồng bán kiếm lời vài triệu đồng/con. Số lượng đến chợ bò rất nhiều nên mặc sức lựa chọn, mà giá cũng thấp hơn những chỗ khác”.

“Sàn giao dịch bò” Tà Ngáo nằm tiếp giáp Quốc lộ 91, rất thuận tiện cho việc vận chuyển bò về khắp các tỉnh, thành trong cản nước. Trao đổi mua bán bò với lái nước bạn nên hầu hết người làm nghề đều biết tiếng Campuchia.

Gông bò qua kênh Vĩnh Tế.

Kiếm sống nhờ dắt bò thuê

Trước đây, các lái bò ở Việt Nam vượt biên giới cả chục cây số, vào lùng sục tận nhà dân nước bạn kiếm mua từng con bò, cầm dây mũi dẫn chúng đi tắt trên bờ đê về kênh Vĩnh Tế. Đến bờ kênh, người dân sẽ cột bò vào chiếc đò rồi kéo phì phò theo sau. Người ta gọi đó là gông bò qua kênh. Tuy nhiên bây giờ việc này đa phần do lái và người dân Campuchia đảm nhận.

Tờ mờ sáng, chúng tôi thấy từng tốp bò lũ lượt nối đuôi nhau vượt kênh Vĩnh Tế đến chợ Tà Ngáo. Đường ruộng từ huyện Kirivong (Tà Keo) sang Tà Ngáo chỉ ngăn bởi con kênh Vĩnh Tế và cách vài cây số.

Dắt bò sang chợ để tiến hành giao dịch.

Vừa dắt đôi bò lên chợ với bộ quần áo ướt sũng, anh Chau Chang (30 tuổi, ngụ huyện Kirivong) cho biết: “Khi thương lái mua xong bò thì họ thuê mình dắt từ Campuchia về chợ Tà Ngáo. Mỗi chuyến đi một người dắt được từ 2 – 3 con và được chủ trả từ 150 - 170 ngàn đồng. Tuy nhiên do mối quen biết nên nếu bò không bán được mình phải dắt về sẽ không công.

Thấy vậy chứ nghề này cực hơn làm ruộng, do ngày ngày lội sình, trầm mình dưới nước, đứt chân khi đạp phải ốc, gặp những con bò lì phải mất nhiều thời gian xỏ mũi, cột chân, dắt hoài chẳng đi, thậm chí tấn công lại mình. Dù vậy nghề này có nguồn thu nhập ổn định do được thuê làm quanh năm”.

Cứ 4 giờ sáng là anh Chang cùng hàng chục người khác phải dắt bò lội bộ với đoạn đường 6 cây số từ bên kia biên giới đến chợ Tà Ngáo. Anh đến với nghề này bởi nhà có 10 công ruộng nhưng làm chẳng có dư. Vì thế tận dụng thời gian rảnh rỗi dắt bò để kiếm thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Cảnh mua bán ở chợ bò Tà Ngáo sôi động nhất là khi mùa lũ về và kéo dài đến Tết Nguyên đán, với hàng trăm con bò được mua bán mỗi phiên. Số này chủ yếu được các chủ nậu chuyển về giết mổ cung ứng cho thị trường nội địa. Số còn lại nông dân mua về vỗ béo hoặc làm giống sinh sản.

Bò bán tại chợ bò có nhiều loại.

Theo quan sát cách giao dịch ở “sàn bò” có nhiều điều độc đáo. Bò đến chợ đủ loại to nhỏ, béo gầy, trắng vàng. Người bán, kẻ mua, đặc biệt là lái buôn đến đây giao dịch từ rất sớm. Xem xét ngã giá từng con xong, người mua dắt về chuồng hoặc dùng xe tải chở đi.

Hiện giá mỗi con bò có giá dao động từ 8 - 30 triệu đồng, tùy thuộc vào yếu tố gầy hay béo, đực hay cái, đẹp mã hay không, để cày hay lấy thịt… Mặc dù việc mua bán bò thường diễn ra bằng cách “nhìn mặt bắt hình dong”, ước trọng lượng là xỉa tiền. Tuy nhiên đối với những con bò được mua về làm sức kéo người ta phải xem tướng mạo, xoáy, đuôi.

Người mua xem đuôi, xoáy, lưng trước khi mua.

Đứng ở chợ bò giữa cái nắng gắt, anh Trần Công Linh, cho biết: “Vừa đảm nhận việc dắt bò chúng tôi phải đứng giữ bò, khi nào có người mua thì điện báo chủ đến. Những con bò không bán được một dắt về, hai là gửi lại các trại gần đó nhưng phải trả phí. Mùa nước lớn những người làm nghề dắt bò mướn đỡ vất vả hơn vì bò được chở bằng trẹt. Việc giao dịch qua lại chỉ duy nhất là tiền Ria”.

Tiền giao dịch chủ yếu là Ria - Campuchia.

Từ một xóm heo hút, người dân sống bằng nghề hái trái và làm đường thốt nốt giờ sóc Tà Ngáo đã “thay da đổi thịt”, bởi có nhiều đường giao thông cho xe tải ra vào mua bán trâu bò ì xèo, đời sống người khấm khá hơn.

Ngoài bò trâu cũng được mua bán.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang