Những chợ “độc” mùa nước nổi (kỳ 4):

Chợ "đồ đồng" họp lúc gà chưa gáy

Thứ Hai, 26/11/2018 16:58  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Để cá bán được giá sau chuyến “ra khơi”, nhiều gia đình liền chạy đến chợ khi trời chưa sáng. Tại đây, hàng tấn cá đồng cùng nhiều thứ rau đồng được thu gom về chợ, sau đó các thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh tiêu thụ.

Đặt xà di mùa nước nổi.

Chợ họp lúc 0 giờ sáng

Chợ đêm ở ấp Mỹ Phú (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) bắt đầu họp từ lúc 0 giờ và kết thúc vào lúc 4 giờ sáng. Điểm đặc biệt của chợ quê này là chuyên mua bán các loài đặc sản như: Rắn, ếch, chuột, cóc… và cả rắn lục đuôi đỏ.

Một góc chợ đêm Mỹ Phú.

Theo ghi nhận, 0 giờ đường xá ở Hòa Mỹ vắng tanh. Dưới ánh sáng lờ mờ của những chiếc đèn gắn trên trán, người dân chân lấm tay bùn đang cho xuồng vào bến chợ.

Trên bến khách hàng cũng tụ họp khá đông. Người nào cũng đi xe gắn máy và mang theo nhiều giỏ, bội để đựng cá. Trong chốc lát, khu chợ trở nên náo nhiệt, người mua kẻ bán khiến không khí đêm càng thêm hối hả.

Theo các bậc cao niên, chợ đêm Mỹ Phú hình thành cách nay hơn 20 năm. Tuy nhiên trở nên nhộn nhịp và đông đúc khoảng 10 năm nay.

Điểm mua bán rắn tại chợ họp lúc 0 giờ sáng.

Vào mùa khô sản vật chủ yếu là các loài rắn, ếch, chuột, còn khi nước tràn đồng sẽ bổ sung vào thực đơn nhiều loại cá đồng, rau. Từ sự phong phú và đa dạng của một cái chợ nông thôn đã thu hút hàng chục thương lái từ Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ tụ họp về cân hàng và đưa đi các nơi tiêu thụ.

Bà Phan Thị Lan chuyên bán cá tại chợ cho biết: “Nguyên nhân khiến chợ đêm ở đây ngày một đông đúc là do giá bán các loài săn bắt đều ở mức cao so với nơi khác. Vì lẽ đó, người dân đem “chiến lợi phẩm” về đây bán thay vì bán ở các chợ Kinh Cùng, Cây Dương, số 10”.

Hình thức mua bán dựa trên sự ngã giá của đôi bên, sau đó xem theo trọng lượng sản phẩm mà tính tiền. Riêng biệt chỉ có rắn lục và lục đuôi đỏ được mua theo con với giá từ 7 – 15 ngàn đồng.

Con cóc cũng được mua bán tại chợ.

Điều thú vị ở chợ này là các thương lái không mua tất cả sản phẩm đánh bắt mà chia ra từng người như anh Chúc mua rắn, ếch, chuột; chị Diễm mua cóc, cá; anh Hiền mua tép, lươn, rau. Tất cả sau đó được sắp xếp theo nhóm trong giỏ xách hoặc can nhựa rồi vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng là xe gắn máy.

Không vắng bóng thu mua đêm nào, anh Nguyễn Danh Hào - chuyên mua chuột, rắn, ếch ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Mỗi đêm, riêng tôi không là mua trên dưới 20 ký rắn các loại như: hổ hành, hổ lãi, hổ ngựa…mấy chục rắn lục xanh, đuôi đỏ và một hai chục ký chuột, ếch về một phần giao lại cho các quán, phần bán lẻ”.

Bạn hàng chở cá và rau đồng đi tiêu thụ.

Ban quản lý chợ đêm cho biết: “Sản lượng đánh bắt ít thì khoảng hơn chục thương lái, nhiều lên đến hơn ba mươi đến gom hàng; còn dân đánh bắt từ vài chục đến vài trăm mỗi đêm.

Từ ngày chợ đêm nhóm họp đã giúp bà con đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, không qua trung gian, nên người bán và người mua đều có lợi. Thủy sản mua bán vào lúc nửa đêm sẽ giúp thương lái có nhiều thời gian chuyển hàng đi xa”.

Đi chợ “ma” Tha La

Chợ Tha La nằm ở xã Vĩnh Tế (TP.Châu Đốc, An Giang) được người dân xứ này gọi là chợ “ma” vì nhóm họp lúc 3 giờ sáng và tan trong đêm. Chợ này là nơi mua bán cá đồng lớn nhất tỉnh.

Chị Hồng, một thương lái cho biết: “Mấy năm lũ thấp chợ vắng, còn năm nay lớn nên tháng 9 ngư dân bắt được nhiều cá khiến không khí nơi đây náo nhiệt vô cùng”.

Ngư dân mang sản phẩm đánh bắt được lên nhà gỡ.

Những ngày trung tuần tháng 11, đứng trên bờ kênh Tha La nhìn về cánh đồng nước Tịnh Biên trong không gian mờ mịt. Xuất hiện trước mắt chúng tôi là những vệt sáng đèn soi, nhá nhem trong đêm của biết bao phận nghèo mưu sinh trong mùa nước nổi.

Anh Huỳnh Bửu Hiệp (41 tuổi, ngụ huyện Châu Phú) rong ruổi về cánh đồng Tịnh Biên từ khi lũ mới mấp mé cánh đồng. Đến nay đã gần 3 tháng xa nhà mưu sinh bằng nghề đặt đú nhưng vợ chồng chưa về. Hàng ngày, hai người “đóng đô” tại mé kênh để khai thác cá, tôm.

Ngồi cùng vợ lựa cá trên xuồng sau một đêm lênh đênh trên đồng lũ, anh Hồ Văn Thể (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang) có thâm niên hơn 20 năm làm nghề lưới cho biết: “Mấy năm rồi dân mình mới có dịp tha hồ bắt như năm nay.

Người nào giăng dở gì cũng kiếm được 100 – 200 ngàn đồng/ngày. Dân nghèo như tụi tui không đất canh tác mà có được khoản thu nhập như vậy là khá lắm rồi. Trước đây, còn nhỏ tui đi cùng cha, đến khi có vợ thì cùng vợ hành nghề”.

Đến hẹn lại lên, cứ 4 giờ chiều hàng ngày, vợ chồng anh Thể tất bật chuẩn bị đồ nghề đến cánh đồng giáp với nước bạn để đánh bắt. Do gia đình đôi bên đều nghèo nên vợ chồng anh ra riêng chỉ với hai bàn tay trắng.

Mùa khô vợ chồng đi làm mướn, còn mùa nước thì sắm lưới thả. Không ruộng đất nên cả hai vợ chồng xin tá túc trên chiếc trẹt của người quen. Theo lời anh chị, nghề “đâm hà bá” làm ngày nào là hết ngày nấy chứ không có dư.

Anh Tuấn mang số cá lóc đẩy côn được đem ra chợ bán.

Được biết, chợ “ma” có tuổi đời hơn 20 năm. Ngày trước, hàng đêm có hàng trăm ghe, xuồng đến cân cá. Bây giờ, các loài cá, tôm không nhiều như ngày xưa nên hoạt động mua bán cũng giảm đi. Tuy nhiên, chợ này là một phần không thể thiếu đối với người dân vào mùa nước nổi.

Một góc chợ đêm Tha La.

Cứ đến mùa, nó thu hút những người chủ quán đến đây thu mua phục vụ khách du lịch. Anh Trương Quốc Hải nói: “Trước khi trời sáng ra chợ để mua được cá đồng “chính hiệu” nướng phục vụ đoàn khách sang trọng. Mua cá xong phải đem về rộng để khách ghé cho xem tận mắt, bắt tận tay mới đem đi chế biến”.

Theo nhiều người dân gắn bó với chợ này cho biết, việc chợ nhóm họp sớm là để bạn hàng lựa các loại cá như: lóc đồng, rô, chốt, kết… vừa ý. Người dân mua bán đều sử dụng đèn pin rọi xuyên cắt màn đêm lạnh giá. Việc mua bán ở đây diễn ra êm đẹp chứ không có mất lòng hay cãi vã.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang