Xôm tụ nơi phum, sóc
Trước đây, khi người dân vùng Bảy Núi phát triển nuôi bò và trâu, nguồn thức ăn tự nhiên dần khan hiếm, đặc biệt mùa nước nổi. Lúc này, họ bắt đầu lấy xuồng, ghe đi các vùng lân cận để tìm cỏ cho các loài vật nuôi.
Người dân đi cắt cỏ chở về chợ.
Do số lượng cỏ cắt được nhiều nên họ bán lại cho các hộ dân có nhu cầu. Thấy việc cắt có bán cho nguồn thu nhập ổn định nên nhiều người rủ nhau làm nghề. Từ đó, chợ cỏ được hình thành và duy trì cho đến hôm nay. Nhiều gia đình gắn bó với nghề này cũng đã 3 thế hệ.
Chợ cỏ Ô Lâm có vị trí thuận lợi vì nối liền tuyến kênh Ninh Phước nên không chỉ thuận lợi cắt cỏ trong tỉnh mà còn vô ra thông thương với các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang). Chợ họp quanh năm suốt tháng nhưng xôm tụ nhất là vào mùa nước nổi, giúp đồng bào dân tộc Khơ-me có nguồn thu nhập khá ổn định.
Cứ 11 giờ trưa, từng chuyến ghe vỏ lãi bắt đầu về chợ tấp nập. Trên bờ thì nào là xe gắn máy, ba bánh, xe bò, xe ngựa…đến mua cỏ và chở về.
Lúc này toàn bộ cỏ được chuyển hết lên bờ và chất đầy bãi đất trống, từng tốp người mua bắt đầu lựa cỏ, từng bó cỏ được mang ra so nặng nhẹ, cỏ non, cỏ già, với giá bán là 3 bó 10 ngàn và giao dịch bằng tiếng Khơ-me.
Người dân đưa cỏ lên chợ.
Đến chợ mua cỏ cho 2 con bò ăn, chị Nèang Au Sa (31 tuổi) cho biết: “Bà con Khơ-me nuôi bò như người Kinh nuôi heo vậy. Nhà có bò để lấy sức kéo, đẻ con bán nên nhà nào cũng bỏ vốn nuôi vài con. Việc ai không có thời gian đi cắt cỏ thì đến đây mua. Giá cả đã có quy ước chung rồi, cỏ nào về sớm thì mua trước.
Mỗi ngày tôi dành 30 ngàn để mua cỏ về cho bò ăn, bởi nếu chỉ cho ăn rơm chúng ốm yếu hay bệnh tật, kéo cày bừa không nổi. Những hộ nuôi trâu bò quanh vùng đều trông nhờ vào cái chợ này”.
Sau một ngày cắt cỏ cật lực, gia đình ông Mách bán cho bà con nuôi bò trong vùng thu được 200 ngàn đồng. Đang chở những bó cỏ để lại cho bò nhà, ông Mách nói: “Hôm nào bán hết thì về sớm, còn trễ phải đợi đến 5 giờ chiều và phải tự hạ xuống 20 ngàn 7- 8 bó. Mỗi bữa chợ này có hơn 100 người”.
Là người chứng kiến sự hình thành của ngôi chợ có “một không hai”, ông Chau Chul (80 tuổi) nhà gần đó cho biết: “Chợ cỏ tồn tại khoảng 50 năm rồi. Trước đây việc mua bán được chỉ được thực hiện tại nhà và sau đó mới mở rộng và họp thành chợ như hiện tại”.
Theo ông Chau Rắk, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ô Lâm cho hay: “Toàn xã có 973 hộ dân tộc Khơ-me. Làm nghề cắt cỏ chủ yếu là những người già, không có nghề nghiệp ổn định và tập trung ở ấp Phước Lộc. Thường mỗi gia đình nuôi từ 1 – 3 con bò”.
Làm nghề cắt cỏ người dân kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Đã hàng chục năm nay, chợ cỏ Ô Lâm đã trở thành một trong những phiên chợ độc đáo của bà con Khơ-me. Chợ không lời mặc cả, chỉ toàn tiếng cười của những con người nông dân chân chất, thiệt thà, không giành khách hoặc phá giá lẫn nhau.
Từ loài được xem nguy hại nhưng chính nó đã trở thành “nồi cơm” nuôi sống hàng chục gia đình ở vùng đất Ô Lâm đầy khó khăn.
Kiếm sống từ cỏ dại
Đa phần người làm nghề cắt cỏ là những hộ nghèo, không nghề nghiệp ổn định hoặc thiếu vốn sản xuất. Công việc cắt cỏ rất khỏ khăn và cực khổ. Mỗi ngày từ 4 giờ sáng đã chuẩn bị dụng cụ để đi cắt cỏ ở đồng xa.
Ngoài ra, vợ chồng phải chuẩn bị cơm nước mang theo. Ông Chau Đốc (50 tuổi, ngụ tại địa phương) cho biết: “Trước đây cỏ mọc nhiều chỉ cần rảo quanh trong xóm là có để bán. Tuy nhiên giờ phải đi mấy chục cây số, sang tỉnh bạn mới có cỏ cắt đem về”.
Trời chưa sáng mà phum Au-tưng đã nhộn nhịp hẳn lên, bởi phụ nữ đồng bào Khơ-me thổi lửa nấu cơm; còn những người đàn ông thì chuẩn bị nước uống, dây buộc, bao nilon để chuẩn bị cho một chuyến đi thu hoạch cỏ đồng xa.
Số cỏ dư ngoài các mối đặt trước người dân phải ngồi bán lẻ.
Cùng đứa con trai khiêng máy xuống vỏ lãi, ông Chau Si Na (42 tuổi, ngụ ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) cho hay: Mỗi ngày cứ 5 giờ sáng là ông và vợ cùng đứa con trai 17 tuổi xuống vỏ lãi chạy khắp các cánh đồng của An Giang và Kiên Giang kiếm cỏ cắt để nuôi 7 con bò, còn dư đem ra chợ bán. Công việc này đã gắn bỏ với gia đình ông 5 năm nay.
Theo lời ông Na, nhà ông chỉ có 2 công đất trồng lúa nhưng bị thất bát đành cắt cỏ kiếm tiền ăn gạo hàng ngày. Trước khi chuyển qua cắt cỏ, ông từng làm nghề đập đá mướn với nguồn thu nhập từ 100 – 200 ngàn đồng. Tuy nhiên do làm việc nặng nhọc khiến sức khỏe giảm sút nên chuyển qua công việc cắt cỏ nuôi bò như bao người dân trong xóm.
Giai đoạn ban đầu vì cuộc sống quá khó khăn nên con trai út của ông mới học xong lớp 7 đành nghỉ ngang để phụ giúp việc cắt cỏ bán cũng như chăn bò.
“Do nguồn cỏ ngày một khan hiếm nên giờ đây phải đi xa và cũng về muộn hơn trước do diện tích đất ruộng được sản xuất liên tục. Ngày nào đi đúng chỗ có cỏ thì cắt được 110 – 120 bó, còn thất chỉ kiếm 30 – 40 bó đủ bò ăn. Tuy nhiên dù trúng hay thất cũng phải bỏ ra 50 – 60 ngàn đồng tiền xăng do chạy mấy chục cây số bất kể là trời nắng hay mưa”, ông Na nói.
Cỏ được bán theo bó.
Cũng đang lúi húi chuẩn bị đồ nghề đi “kiếm cơm”, ông Chau Mách (40 tuổi) cắt cỏ 6 năm nay cho biết: “Mỗi ngày trong xóm có gần 20 vỏ lãi tham gia công việc cắt cỏ. Vào thời điểm mùa khô không chỉ ít cỏ mà phải vác nặng, mất nhiều thời gian; còn tháng nước đẩy vỏ vô ruộng được nên việc thu hoạch diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên nhiều nơi nước sâu phải trầm mình ngập ngang ngực, chịu cái lạnh buốt xương, bị bù mắt cắn sưng cả mặt, mắt. Bữa nào thu hoạch nhiều thì 1 giờ lên chợ, còn ít đến 3 giờ”.
Người dân đến mua cỏ cho bò ăn.
Theo lời ông Mách, trước đây cứ 20 giờ tối là có các mối điện đặt mua cỏ, nhưng giờ bà con chỉ trực tiếp ra chợ mua do những mối quen đã bán bò hết và giải nghệ cũng như giờ người nuôi thích lựa chọn. Do vậy phải đi xa để tìm cỏ mọc tự nhiên đẹp để bỏ ăn khỏe mạnh, mau lớn, dễ bán. Làm nghề này phải tranh thủ cắt sớm và nhanh để bán được nhiều mối cũng như còn thời gian làm được việc khác.
(Còn tiếp...)