Theo "đạo lạ”, đóng đinh vào đầu mẹ ruột để trị bệnh

Thứ Năm, 29/11/2018 10:32

|

(CAO) Thời gian gần đây, tại xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, Long An có một số hộ tham gia "đạo lạ” với tên gọi "Pháp lý vô vi khoa học huyền bí Phật pháp" (PLVV).

Tổ chức này hoạt động trái pháp luật, không phù hợp với sinh hoạt cộng đồng, sặc mùi mê tín dị đoan như ngồi thiền "soi hồn", "tự chữa bệnh"... Trong đó có một trường hợp hoang tưởng rằng mẹ mình bị ma nhập nên người này chữa trị bằng cách đóng đinh vào đầu, làm bà bị thương nặng.

Theo hồ sơ, 13 giờ ngày 2-11-2018, Công an xã Phước Lợi kiểm tra căn nhà ở ấp 3B thì phát hiện một phụ nữ bị trói tay chân, đầu trùm kín bằng vải mùng và băng keo, có cây đinh sắt đâm ngang đầu, trong tình trạng nguy kịch. Công an nhanh chóng đưa người này đến cấp cứu tại Bệnh viện Bến Lức, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM điều trị.

Căn nhà trên là của vợ chồng Lê Dũng Tâm - Tô Thụy Ngọc Hằng. Người phụ nữ bị trói và đóng đinh vào đầu là mẹ ruột của Tâm, tên Lê Thị Trương (58 tuổi). Trong lúc kiểm tra căn nhà, công an còn phát hiện một số tài liệu có liên quan nhóm "đạo lạ” PLVV, gồm 79 quyển sách, 23 đĩa CD, 1 ảnh chân dung Thiền sư Lương Sĩ Hằng cùng 2 thẻ đi dự Đại hội Vô vi quốc tế tại Campuchia và Thái Lan.

Khi công an mời lên trụ sở làm việc, vợ chồng Tâm - Hằng trình bày, năm 2014, cả hai chuyển từ TPHCM về xã Phước Lợi sinh sống, làm công nhân. Sau đó, vợ chồng Hằng được ông Tiền Kim Phát (ngụ ấp 3B) cho quyển sách hướng dẫn ngồi thiền để tập công phu theo trường phái "Vô vi", cụ thể người theo phái này phải cạo trọc đầu, trong lúc ngồi thiền chỉ uống nước, ăn rau, không ăn cơm. Năm 2016, cả hai còn được đi qua Campuchia dự Đại hội Vô vi quốc tế.

Công an thu hồi tài liệu "Pháp lý vô vi khoa học huyền bí Phật pháp" tại nhà Tâm - Hằng

Từ tháng 8-2018, vợ chồng Hằng xin nghỉ việc để ở nhà có thời gian tập luyện và rủ bà Trương (đang sống ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) lên ở cùng, sau đó cạo đầu cùng tham gia tập luyện. Sau khi ngồi thiền liên tục 3 ngày 3 đêm, không ăn cơm, chỉ uống nước, đến ngày 31-10-2018 Tâm có biểu hiện bất thường, cho rằng mẹ bị ma nhập nên đưa lên gác trị bệnh, bằng phương pháp nêu trên.

Nghe tiếng kêu đau của mẹ chồng, lo sợ ảnh hưởng sức khỏe nên ngày 1-11-2018, Hằng nhắn tin cho hàng xóm nhờ đến nhà giải cứu bà Trương, nhưng Tâm khóa cửa không cho vào.

Đến chiều cùng ngày, nghe chồng nói nhà có nhiều ma, hai vợ chồng khóa cửa, để bà Trương lại một mình rồi bỏ về nhà mẹ ruột của Hằng ở TPHCM. Đến hôm sau thì bà Trương được người hàng xóm báo công an đến phá cửa đưa đi cấp cứu.

Khi được hỏi vì sao có hành động đóng đinh vào đầu mẹ ruột, cả hai vợ chồng không giải thích được, nhưng tỏ ra hối hận vì đã tham gia "đạo lạ” trên, làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và bản thân.

Từ người con có hiếu với cha mẹ, sau khi tham gia PLVV, Tâm trở thành con người khác hẳn, có nhiều hành động kỳ quặc. Chiếc xe máy duy nhất của hai vợ chồng là phương tiện đi làm kiếm sống, cũng phải bán lấy tiền trị bệnh cho mẹ. Giờ đây cả hai bị mất công ăn việc làm, gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

Làm việc với công an, ông Tiền Kim Phát thừa nhận tham gia PLVV từ năm 2006 đến nay, đã từng xuất cảnh đi các nước Campuchia, Lào, Thái Lan nhiều lần để tham dự Đại hội Vô vi quốc tế. Ngoài cuốn sách cho vợ chồng Tâm nghiên cứu tập luyện, ông Phát còn giao nộp nhiều tài liệu liên quan phái "đạo lạ”.

Theo ông Nguyễn Văn Mưng - Phó trưởng ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ tỉnh Long An - thì tổ chức PLVV không được Nhà nước công nhận, đề nghị bà con không nên tin và tham gia tổ chức này. Nếu có nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo, bà con nên tham gia vào các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận.

Bà Trương bị đóng đinh vào đầu, được đưa đi cấp cứu kịp thời

Để tránh những hậu quả đau lòng từ việc tham gia "đạo lạ” trên, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền người dân không tham gia PLVV, đồng thời xử lý nghiêm những người lôi kéo quần chúng gia nhập tổ chức hoạt động phi pháp này.

PLVV hình thành và phát triển tại Việt Nam vào năm 1971, từ nhóm thương gia công chức cũ do Lương Sỹ Hằng và nhiều người khác khởi xướng, lãnh đạo. Sau 30-4-1975, tổ chức này tự giải tán. Năm 1980, Lương Sỹ Hằng vượt biên ra nước ngoài, tiếp tục củng cố tổ chức này ở hải ngoại; đồng thời chỉ đạo một số người trong nước khôi phục và phát triển lại tổ chức trên tại một số nơi như TPHCM, Đồng Nai, Long An...

Qua cách thức sinh hoạt cho thấy PLVV không có giáo lý, giáo luật kinh sách riêng, mà chủ yếu dựa vào kinh sách, giáo lý Phật giáo kết hợp ngồi thiền để tuyên truyền, tán phát cho các "hội viên", thông qua hoạt động du lịch, tổ chức ca nhạc từ thiện để quy tụ, lôi kéo phát triển "hội viên".

Bình luận (0)

Lên đầu trang