Những chuyến xe nghĩa tình năm 2019:

“Chở Tết” cho người xa quê

Thứ Bảy, 26/01/2019 21:13

|

(CAO) Tháng Chạp đã thấy Tết không còn xa! Nhưng đâu đó ở Sài Gòn, trong chiều cuối năm vẫn còn thấy những mẹ, những dì xa quê trên vai oằn đôi quang gánh. Họ là những người tha hương để tảo tần kiếm sống tại thành phố bằng trái cóc, bịch đậu, tờ vé số…

Nửa đời kiếm sống nơi phồn hoa, bước chân vạn dặm, những người phụ nữ quê đã đi nửa vòng trái đất. Những mong cuộc sống quê nhà bớt chút cơ cực, những mong mấy đứa con có cái chữ nên người. Với họ, Tết hãy còn xa lắm…!

Đã 3 năm qua, Báo Công an TP.HCM và các Mạnh thường quân nỗ lực “kéo” quê nhà gần lại trong cái Tết với những con người như vậy. Và năm nay, với sự chung tay của Công ty Tài chính FE Credit cùng Công an tỉnh Phú Yên, 15 chuyến xe sẽ đưa gần 1.000 bà con về quê sum họp với gia đình, xóm giềng. Bớt một lo toan trong những ngày cuối năm cho những người xa xứ. Đó là những “Chuyến xe nghĩa tình”.

Vé số, chiều xổ, ai mua…?

Ông Đỏ (SN 1975, ngụ huyện Tây Hoà, Phú Yên) vốn bị tật bẩm sinh. Với ông, ngoài những người bạn đồng hương chung xóm trọ khu ở Cá Sấu Hoa Cà, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức thì chiếc xe lăn cũ nát là một người bạn không thể thiếu.

Tính chừng, nhờ chiếc xe lăn mà một ngày ông lão có thể di chuyển độ 20 cây số - hành trình không đơn giản với một người chịu thiệt thòi thân thể như ông. Vì cuộc sống mưu sinh, cuộc hành trình ấy cứ thế lặp đi lặp lại như một bản nhạc buồn.

Xe đâu về Tết? Câu hỏi khiến nhiều bà con miền Trung đau đáu

Chiều ráng nắng, vòng xoay Phù Đổng chật ních dòng xe. Nếu trời thương, hôm nay tiếp tục bán hết số vé lãnh lại từ đại lý, ông Đỏ sẽ dành dụm thêm một khoản tiền nhỏ để mua vé xe về quê đón Tết. Câu chuyện về những chuyến xe về Tết, với bao nỗi nhọc nhằn lại hiện lên rõ nét trên đôi mắt của người quê.

Cả năm trời rời làng biệt xứ mưu sinh, thời gian này có lẽ là lúc người đàn ông “xứ Nẫu” nhớ quê nhiều nhất. Không nhớ sao được, khi ngày nào trên phố cũng réo rắt những bản nhạc xuân.

Ông Huỳnh Văn Đỏ và xấp vé số trên tay

“Vé số sắp sổ, bà con thương quẹo mua giúp tui tờ số. Sao “nẫu” không ai mua hết vậy!” – ông Đỏ lại tiếp tục van lơn. Vậy mà dòng xe cứ trôi qua như thể ông vô hình. Mắt ông lão quyện buồn theo ánh chiều tà héo hắt.

“Hôm nay chắc ông trời ổng hết thương” – ông Đỏ nói một cách hài hước để tự động viên mình, rồi lủi thủi bước đi về phía một nhóm đông khác. Cứ thế, ông đi cho đến sập tối mới quay về gác trọ.

Giấc mộng đoàn viên

Chuyện ông Đỏ nghe đã buồn, chuyện hàng chục bà con hành nghề bán vé số ở trong khu xóm trọ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q3) lại càng hiu hắt. Bà Sáu (65 tuổi) cũng ở “xứ Nẫu” và hành nghề bán vé số dạo suốt 10 năm ròng.

Người quê nào vô đất Sài Gòn bươn chải cũng mang theo một nỗi niềm khó nói. Như bao phận đời tha hương khác, dù già cả nhưng do gia cảnh nghèo túng, bà Sáu vẫn quyết đánh liều với số phận, một mình rong ruổi vào Nam kiếm kế sinh nhai.

Đằng sau sự nhọc nhằn ấy của bà cụ là gánh nặng mà ít ai biết đến. Giấc mơ tới trường của 2 đứa cháu nhỏ nơi quê nhà vẫn còn thênh thang trước mắt, khi cha mẹ của chúng đã kiệt quệ vì bệnh đau.

Bà Sáu với công việc đang nuôi sống chính mình 

Những ngày giáp Tết, lòng thay vì rộn ràng vì sắp được hồi hương, bà lại thường trực nỗi lo. Bao nhiêu thứ cần phải trang trải và một cái Tết đủ đầy, chắc có lẽ người với bà cụ là chuyện vượt quá tầm tay. Bà Sáu nói: “Từ hũ mứt, chai dầu ăn, cân gạo nếp đến mấy bộ quần áo mới cho “sắp nhỏ”. Đấy con thấy đấy! Mới nhẩm miệng mà ngót đi cả mấy triệu bạc rồi. Nếu mà tính luôn cái vé xe về quê thì tiền đâu mà đủ”.

Vé xe, với những người quê li hương này, không đơn thuần tấm giấy thông hành cho một chặng hành trình, mà đó còn là câu chuyện “cơm – áo – gạo tiền” đầy cân nhắc. “Đêm nào về tui cũng tranh thủ mở ti vi lên xem bản tin thời sự để theo dõi tình hình xe cộ về Tết. Mới hôm qua thấy đài báo vé xe về Phú Yên bị “thổi giá” lên đến cả nửa triệu bạc. Ai cũng thẫn thờ” – chú Huỳnh Tấn Lộc (60 tuổi – quê huyện Tây Hoà, Phú Yên – hành nghề bán đậu phộng), tâm sự với vẻ lo âu

Nghe ông Lộc nhắc chuyện, ông Tư (quê 55 tuổi Khánh Hoà – hành nghề bán tăm bông) chẳng ai hỏi cũng thở dài. Cả năm trời đằng đẵng xa nhà, ba ngày này, nỗi nhớ vợ con lại dồn nén hơn bao giờ hết. Ấy vậy, lần nào tìm đến nhà xe hỏi giá vé, ông cũng lẳng lặng rời đi.

Ông Tư than thở: “Cả ngày tui bán lời lắm cũng được 200 ngàn. Trừ các khoản chi tiêu ra, dư được 100 ngàn. Tháng nào cũng gửi về để vợ con trang trải. Mấy tháng gần Tết tui bán ngày, bán đêm để mong dư được ít về lo Tết cho gia đình. Vé giờ mắc quá. Nhà xe cứ canh Tết để nâng giá lên. Cả xóm trọ này mấy hôm nay dường như không ai dám nhắc đến chuyện về quê”.

Bà Sáu cùng người bạn đồng hành trước giờ tất tả với cuộc mưu sinh nơi phố thị

Không muốn cũng phải nhớ, khi ngày nào ở xóm trọ này cũng có nhà bật nhạc Tết. Đến anh Bi (40 tuổi - bị mù mắt) đêm về lại lôi chiếc radio của mình ra nằm nghe tin tức. Màn đêm khi ấy lại dài vô tận. Đâu đó lại vang lên những bản nhạc xuân réo rắt lòng người. “Thôi, vé mắc quá thì ra Giêng về quê vẫn còn kịp” – câu nói của bà Sáu khiến cả căn phòng lặng thinh.

Hôm chúng tôi ghé căn nhà trọ là đêm 15 tháng Chạp. Phía ngoài khung cửa sổ, những ánh điện chớp nháy theo âm điệu vui tươi gọi Tết về. Phố xá không thôi tấp nập và lắm kẻ vẫn còn bôn ba xuôi ngược. Hương xuân dường như đã tràn về khắp nẻo phố phường. Sâu bên trong những khu chợ chiều, hình như Tết đến vội hơn trên những bông mai nở sớm. Nhưng ở căn nhà trọ ọp ẹp này, giấc mộng đoàn viên có lẽ vẫn còn rất xa.

Rồi ai cũng có Tết!

Có lẽ chúng tôi – những người thực hiện bài viết này – sẽ giữ bí mật đến phút cuối để làm món quà bất ngờ cho bà con xóm trọ nghèo, nếu không gặp chị Nguyễn Thị Dư trước khi cất bước ra về. Với bạn đọc Báo CATP, chị Dư là một nhân vật không xa lạ. Câu chuyện về người phụ nữ bị tật nguyền bẩm sinh, có hoàn cảnh bất hạnh nhưng cực kỳ nghị lực này đã từng để lại rất nhiều dấu ấn.

Chị Nguyễn Thị Dư

Còn với chúng tôi, chị là một nhịp cầu rất quan trọng, hiệu quả trong các chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” vào năm 2017 và 2018 trước đó. Sự xuất hiện của những phóng viên “quen mặt” thông qua lời giới thiệu của chị Dư, đã khiến nhiều người trong căn nhà trọ vui mừng. “Vậy là năm nay Báo CATP sẽ tiếp tục làm “Chuyến xe nghĩa tình” nữa chứ?” – bà Lanh (70 tuổi), cầm tay phóng viên, lập cập hỏi.

 
Tha hương cầu thực xứ người, điều mà bà con xứ “nẫu” không bao giờ quên đó là luôn cống hiến sự lao động nhiệt thành và tử tế

Biết được nỗi niềm của hàng trăm người dân miền Trung xa quê vào TPHCM chạy đua với cuộc mưu sinh khắc nghiệt, từ giữa năm 2018, một kế hoạch đã được đưa ra, với mục tiêu mang lại một hành trình về Tết an toàn, hạnh phúc cho nhiều bà con xa xứ. Từ vận động của báo, Công ty tài chính FE Credit đã chung tay đồng hành cùng chúng tôi, tài trợ 600 triệu đồng (bao gồm thuế và kinh phí tổ chức).

Như vậy, 15 chuyến xe miễn phí dành cho bà con, sinh viên nghèo ở 3 tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Quảng Nam đang lao động, học tập ở TPHCM đã được hình thành. Chương trình “Chuyến xe nghĩa tình 2019” nhờ thế, tiếp tục mang lại niềm vui lớn trước Tết cho nhiều người xa xứ.

Những tấm vé xe về Tết đầy ắp tình người được các bạn tình nguyện viên của “Chuyến xe nghĩa tình 2019” trao gửi cho bà con “xứ Nẫu” xa quê, tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Ông Lý Tuấn Anh và chiếc vé nghĩa tình trao tay bà con nghèo miền Trung

Được chúng tôi công bố tin này, cả xóm trọ vé số như vỡ oà. Cái Tết, trước đó tưởng chừng là gánh nặng hoặc thậm chí là điều cố quê với những bà Sáu, ông Đỏ, ông Tư…, nay lại trở nên gần gũi hơn bao giờ.

Tại buổi gặp gỡ bà con tiếp theo, đại diện Công ty FE Credit, ông Lý Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm An ninh) và bà Vũ Hà My (Trưởng phòng Quản lý thương hiệu & Tiếp thị chiến lược) đã được bà con đón tiếp như người nhà với sự xúc động khó tả thành lời.

“Biết nói gì hơn ngoài lòng biết ơn vô hạn. Với người quê chúng tôi, một chuyến xe miễn phí về Tết là quý giá lắm. Ai cũng có gia đình và hầu như ở đây ai cũng mong được đoàn viên” – chị Dư bùi ngùi.

Sài Gòn dễ thương từ những hành động ý nghĩa...
CSGT Cát Lái hướng dẫn những "chuyến xe nghĩa tình" rời khỏi trung tâm thành phố

Để chương trình “Chuyến xe nghĩa tình 2019” có đủ điều kiện vận hành, Báo CATP nhận được sự tiếp sức của một số đơn vị như Công ty Tài chính FE Credit,Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Công ty TNHH Đông Luật, Công ty Cổ phần Hazza và Sân khấu kịch Lê Hay, CLB Ảo thuật TPHCM. Đây là những đơn vị đã hỗ trợ chúng tôi có được sân bãi, thêm quà tặng và tiết mục để đem đến một chương trình ý nghĩa và nhân văn hơn.

Ngoài ra còn có các bạn tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng. Chính sức trẻ và lòng nhiệt thành của các bạn đã hỗ trợ rất đắc lực cho chúng tôi có thêm sức mạnh để cụ thể hoá được một chương trình từ thiện bài bản và chặt chẽ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang