TP.HCM - Đồng Tháp 'bắt tay' sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch

Thứ Bảy, 26/01/2019 08:06  | Ngô Đồng

|

(CAO) "Trái cây Việt của chúng ta rất ngon và phong phú, tuy nhiên, người dân vẫn chấp nhận các loại trái cây ngoại nhập, mà đôi khi chúng cũng không ngon bằng. Do đó, chúng ta phải làm sao cho nông sản Việt thắng trên sân nhà".

Chiều 25-1-2019, tại Đồng Tháp, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã ký kết phối hợp sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019 – 2020.

Mục tiêu hợp tác nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa tỉnh Đồng Tháp và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, sẽ từng bước nâng thị phần, sản lượng nông sản, thủy sản an toàn của Đồng Tháp về tiêu thụ tại TP.HCM; tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, thủy sản đặc biệt là gạo, trái cây (xoài, nhãn, quýt đường) và trứng vịt, cá diêu hồng,... an toàn từ cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (sản xuất theo quy trỉnh VietGAP, GlobalGAP,...) của tỉnh Đồng Tháp được tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn...) của TP.HCM.

Phấn đấu trong năm 2019, các nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ tại TP.HCM được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Chiều 25-1-2019, tại Đồng Tháp, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã ký kết phối hợp sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019 – 2020.

TP.HCM cũng sẽ tạo điều kiện tìm đầu ra cho các sản phẩm an toàn, được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn VietGAP, GAP, GlobalGAP,... của tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ tại TP.HCM thông qua các phiên chợ, hội chợ nông sản tại TP.HCM để giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị,... của thành phố đến khảo sát vùng sản xuất nông sản, thủy sản của toàn tỉnh Đồng Tháp để ký kết, bao tiêu sản phẩm.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng khỏang 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, rau, củ, quả sản xuất tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 30%, động vật sống: 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản: 15-20%.

TP.HCM có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm và 236 chợ truyền thống. Sảm phẩm nông sản của tỉnh Đồng Tháp nhập về 3 chợ đầu mối chủ yếu là rau, trái cây, thủy sản và các sản phẩm thủy sản với sản lượng trung bình 580 tấn/đêm.

Trong đó, sản lượng thủy sản của tỉnh Đồng Tháp vào chợ đầu mối Bình Điền chiếm khoảng 66 tấn (chủ yếu là các loại cá nuôi và khô các loại), rau, trái cây khoảng 14 tấn/đêm; sản lượng rau, trái cây của Đồng Tháp vào chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn chiếm khoảng 500 tấn/đêm.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay: “Bên cạnh việc tăng cường chống thực phẩm bẩn, công tác xây dựng các chuỗi cung cấp nông sản an toàn là vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng vào chuỗi thực phẩm an toàn từ các trang trại cho đến các khâu chế biến, kinh doanh, phân phối và đi đến sử dụng. Tất cả phải bảo đảm an toàn”.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM do bà Phạm Khánh Phong Lan dẫn đoàn cũng đã có buổi đi khảo sát cơ sở sản xuất trái cây tại tỉnh Đồng Tháp

Bà Lan chia sẻ, chúng ta có đa dạng các loại trái cây, và thực tế thì trái cây Việt của chúng ta rất ngon, tuy nhiên, người dân vẫn chấp nhận các loại trái cây ngoại nhập, mà đôi khi chúng cũng không ngon bằng. Điều đó có nghĩa là tự chúng ta làm hại nông dân của chúng ta. Mặt khác, chúng ta thường có quan điểm cái gì tốt chúng ta ưu tiên xuất khẩu mà xem nhẹ thị trường trong nước. Do đó, chúng ta phải làm sao cho nông sản Việt thắng trên sân nhà.

"Thực tế chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất thực phẩm sạch, bằng chứng là nước ta luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của những thị trường khó tính nhất. Vậy tại sao lại để người dân trong nước dùng thực phẩm không an toàn? Do đó, phải kiểm soát chất lượng thực phẩm nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe dân mình, để người dân tin tưởng, người Việt dùng hàng Việt", Bà Lan chia sẻ.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ, chúng ta phải làm sao cho nông sản Việt thắng trên sân nhà.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng nhìn nhận: "Khách đến tỉnh Đồng Tháp thường được chủ mời dùng trái cây nhà trồng. Tuy nhiên, không ít khách mời để chủ nhà ăn trước, khoảng 30 phút sau xem thế nào rồi mới dám dùng.

Nhiều khi tôi cũng thấy tự ái nhưng sự ngần ngại của khách khi dùng trái cây cũng có lý do, bởi lẽ vẫn còn tình trạng trái cây bị phun hóa chất trước khi đưa ra thị trường. Do vậy cần phải xây dựng mô hình nông sản sạch để trái cây đến tay người tiêu dùng luôn đảm bảo an toàn".

Quýt sạch của tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị đưa về TP.HCM tiêu thụ
Trái cây Việt rất đa dạng và rất ngon, do đó phải quyết liệt kiểm soát sự an toàn để người dân tin dùng
Nông dân chăm sóc quýt tại Đồng Tháp.

Bà Lan cho hay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng sẽ tổ chức tập huấn kiến thức quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh Đồng Tháp cho TP.HCM.

Trong Hội nghị ký kết, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng trao giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" cho Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới đối với sản phẩm cam, quýt, với sản lượng 400 tấn/năm.

Đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" và cung cấp sản phẩm cho một số hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM, góp phần khẳng định việc phối hợp kiểm soát quản lý chất lượng thực phẩm từ nguồn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng trao giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" cho Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới

Trong 2 ngày, 25 và 26-1-2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM do bà Phạm Khánh Phong Lan dẫn đoàn cũng đã có buổi đi khảo sát cơ sở sản xuất trái cây tại tỉnh Đồng Tháp đưa sản phẩm về TP.HCM tiêu thụ.

Đi tìm nguồn nông sản sạch cho 10 triệu dân TP.HCM
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang