Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng: Tiếp tục “lỗi hẹn” ngày về đích?

Thứ Năm, 02/07/2020 10:06

|

(CATP) Dù lãnh đạo TPHCM đã ra “tối hậu thư” cho các quận huyện trong tháng 6-2020 phải hoàn tất công tác giải toả, bàn giao mặt bằng cho Trung Nam Group đẩy nhanh tiến độ dự án ngăn triều chống ngập để kịp vận hành vào tháng 10-2020 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP. Tuy nhiên đến đầu tháng 7-2020, “nút thắt” về giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ xong khiến dự án này thêm một lần nữa có nguy cơ lỗi hẹn ngày về đích.

Dân mong chờ dự án sớm hoàn thành!

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1” với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Đây là dự án ngăn triều chống ngập với tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng nhận được sự kỳ vọng rất lớn của người dân thành phố để chấm dứt nỗi khổ ngập lụt mỗi khi triều cường dâng cao.

Dự án ngăn triều chống ngập có nguy cơ tiếp tục lỗi hẹn ngày về đích

Là người dân sống trong khu vực chịu tác động lớn mỗi khi triều cường lên, ông Nguyễn Văn Hai (65 tuổi, ngụ P15, Q.8) nhớ như in đợt triều cường lập đỉnh kỷ lục vào cuối tháng 9-2019. Theo đó vào tối 29-9, triều cường dâng cao khiến một đoạn bờ bao gần cầu Kênh Ngang số 3 bị vỡ. Trong tích tắc, nước triều từ kênh Tàu Hũ chảy xối xả tràn vào như thác nhấn chìm cả một khu vực rộng lớn. Một số người dân không kịp trở tay nên nhiều tài sản bị nhấn chìm trong nước gây thiệt hại nặng nề.

Tương tự, mỗi khi triều cường xuất hiện là cuộc sống, sinh hoạt của người dân sống ở đường Trần Xuân Soạn đoạn gần cầu Tân Thuận 2 (P. Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) lại đảo lộn vì ngập nước. Do khu vực này địa hình thấp, lại nằm ngay sát bên dòng Kênh Tẻ nên cứ mỗi khi triều cường dâng lên là cả tuyến đường biến thành “một dòng sông” khiến việc đi lại và sinh hoạt của người dân rất khổ sở.

“Nhất là vào dịp cuối năm, thời điểm này triều cường thường xuất hiện và dâng cao. Nghe nói thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng làm dự án ngăn triều chống ngập nhưng suốt mấy năm qua rồi vẫn chưa thấy xong. Người dân chúng tôi rất mong đợi dự án sớm hoàn thành để thoát được cảnh ngập nước, chứ “đến hẹn lại lên”, cứ bì bõm miết trong nước ngập như thế này khổ quá”, một người dân sống ở đây chia sẻ.

Người dân ở phường 15, quận 8 chưa hết ám ảnh về đợt triều cường đạt đỉnh hồi tháng 9-2019

Cùng chung cảnh ngập lụt và thấm thía nỗi khổ mỗi khi triều cường lên là người dân ở khu phố nhà giàu P. Thảo Điền, Q.2. Đã nhiều năm qua, người dân ở đây phải sống chung với cảnh hễ triều cường lên là các tuyến đường trong khu vực này như Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương, Nguyễn Bá Lân… bị nhấn chìm trong nước.

Bà Trần Thị Giang cho biết cứ đầu tháng và giữa tháng là thủy triều lại dâng cao, nước từ sông Sài Gòn men theo các con lạch và cống nước tràn vào khiến khu vực này bị ngập nặng. “Chúng tôi chỉ mong thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập để dân được nhờ. Năm ngoái cũng nghe cuối năm dự án ngăn triều chống ngập gần 10.000 tỷ hoàn thành nhưng rồi lại hoãn. Năm nay nghe nói tháng 10 xong nhưng không biết có còn bị hoãn nữa không. Dân chúng tôi mong chờ dự án này từng ngày để bớt khổ”, bà Giang nói.

Dự án đợi… mặt bằng!

Trong khi người dân thành phố đang mong chờ từng ngày thì dự án ngăn triều chống ngập thời gian qua liên tiếp “lỗi hẹn” về đích vì nhiều lý do khác nhau. Theo đó, dự án được khởi công từ giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2018. Tuy nhiên do có những khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên sau đó tiến độ hoàn thành được lùi đến tháng 6-2019, rồi đến cuối năm 2019. Nhưng một lần nữa, những “nút thắt” của dự án vẫn chưa được tháo gỡ xong nên ngày về đích tiếp tục bị trễ hẹn và được lùi đến tháng 10-2020.

"Nút tắt" về giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ xong, khiến công trình khôgn biết khi nào hoàn thành

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vào cuối tháng 5-2020 vừa qua, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group cam kết nếu được thành phố bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2020, chủ đầu tư sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án bằng việc thi công 3 ca liên tục, xuyên suốt trong các dịp lễ nhằm đưa dự án đi vào hoạt động trong tháng 10-2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.

Cũng trong buổi làm việc này, ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu, các quận huyện nơi dự án đi qua chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng cần khẩn trương việc giải toả, bàn giao mặt bằng vì đây là công trình được sự quan tâm rất lớn của người dân TP.HCM.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Công an TP.HCM thì đến ngày 1-7, “nút thắt” về giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ khiến cho dự án ngăn triều chống ngập này thêm một lần nữa có nguy cơ lỗi hẹn ngày về đích. Cụ thể, đến nay vẫn còn 59 hộ dân và 2 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án chưa bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công. Trong đó, hầu hết đều nằm trên địa phận của huyện Nhà Bè.

Đặc biệt, vướng mắc liên quan đến công trình cầu cảng xây dựng không phép cho tàu chở dầu cập cảng của Công ty xăng dầu Hàng Không đè lấn lên đê kè dự án chống ngập dù được lãnh đạo TPHCM yêu cầu cưỡng chế tháo dỡ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, đầu tháng 7-2020, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp để nghe các địa phương, đơn vị có liên quan báo cáo những khó khăn, vướng mắc nhằm tìm giải pháp xử lý dứt điểm nhằm đưa dự án đi vào vận hành đúng tiến độ đã đề ra.

Công nhân đang tích cực thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP.HCM, đại diện Trungnam Group cho biết, đến cuối tháng 6-2020, tổng giá trị xây lắp của dự án đạt 78%. Hiện nay nhân sự, công nhân được huy động trên công trường lên tới 1.500 người. Trong đó có 1.200 người làm việc trực tiếp trên các công trường và 300 người là cán bộ quản lý, kỹ sư làm việc gián tiếp.

Hiện cống Tân Thuận đang thi công bê tông buồng bơm, cọc tường hướng thuyền và thi công tháp van; cống Phú Xuân đang thi công kè – mang cống, nạo vét, thảm rọ đá gia cố lòng sông, bơm cát sau kè và thi công nhà quản lý; cống Mương Chuối đang được thi công nhiều phần như kè bảo vệ bờ, thi công sản xuất dầm mũ và đóng cọc, thi công thảm rọ đá cho phần sân cống và gia cố lòng sông, đồng thời thi công cọc bến thuyền và cầu công tác…

Các hạng mục lớn khác của dự án như cống Bến Nghé, cống Phú Xuân, cống Cây Khô, cống Phú Định, kè xung yếu cũng đang được Trungnam Group đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trước đó phát biểu trong những buổi thị sát thực địa của lãnh đạo TPHCM, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết để kịp đẩy nhanh tiến độ, khi địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà đầu tư lập tức triển khai thi công ngay đến đó. Tuy nhiên, với việc chậm trễ bàn giao mặt bằng để thi công như hiện nay, nguy cơ khiến dự án bị lùi thời gian về đích là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra nếu “nút thắt” này không sớm được giải quyết.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đỉnh triều cường ghi nhận tại khu vực TP.HCM liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo đó, năm 2013 đỉnh triều cường cao nhất là 1,68 m. Đến năm 2017, triều cường vọt lên 1,71m và duy trì đỉnh triều cường này trong năm 2018. Năm 2019, đỉnh triều cường tiếp tục lập kỷ lục mới khi vọt lên đến 1,73m rồi đến 1,77m vào ngày 30-9...

Trong khi đỉnh triều cường liên tục tăng cao thì tình trạng lún nền đất ở TP.HCM đang có chiều hướng xấu đi khi mỗi năm lại lún trung bình 40mm, có nơi nặng nhất lên đến 67mm/năm khiến tình hình ngập nước càng thêm phức tạp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang