TPHCM: Chuẩn bị khởi công 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

Thứ Tư, 06/12/2023 08:38

|

(CATP) Thông tin từ Ủy ban nhân dân (UBND) Q.Tân Bình cho biết, chỉ trong buổi sáng 05/12/2023 đã có 25 trường hợp đến trụ sở UBND phường 6, Q.Tân Bình (P6QTB) làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ liên quan đến khu đất công trình công cộng (KĐCTCC) ở P6QTB với diện tích 50.308,7m2 (đã được điều chỉnh theo Nghị quyết 12/NQ-HĐND ngày 18/4/2023 của Hội đồng nhân dân TPHCM).

Người dân trong khu vực đang trông chờ 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia được khởi công, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh (HS), mang lại diện mạo mới cho P6 nói riêng và QTB nói chung...

Nhiều trường hợp nhận tiền hỗ trợ trong ngày đầu tiên

Như Chuyên đề Công an TPHCM đã phản ánh, từ năm 2008, UBND TPHCM (UBNDTP) đã ban hành quyết định xây dựng (XD) 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia cho QTB, tại KĐCTCC. Đó là Trường mầm non Sơn Ca được xây trên phần đất 6.300m2, kết cấu 1 trệt 3 lầu, 20 phòng học, có thể tiếp nhận 700 HS; Trường tiểu học Hùng Vương, xây trên phần đất 9.400m2, quy mô 30 phòng học, tiếp nhận hơn 1.000 HS; Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, xây trên phần đất 12.200m2, với 45 phòng học, tiếp nhận hơn 2.000 HS.

Ngoài 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, phần diện tích còn lại của KĐCTCC này, thành phố (TP) còn dành 10.991,5m2 làm công viên cây xanh và 11.250m2 xây mới các tuyến đường nội bộ, gồm: đường số 1, số 2, số 3 và hẻm 783 Cách Mạng Tháng Tám. Đây là dự án (DA) được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm, bố trí hơn 1.156 tỷ đồng đầu tư XD.

Liên quan đến khu đất 50.308,7m2 được xác định rõ là đất công, trước đây do chính quyền Pháp thuộc sử dụng làm bãi ăng-ten. Sau khi đất nước thống nhất ngày 30/4/1975, Nhà nước trực tiếp quản lý khu đất này, sau đó giao cho ngành Bưu điện tiếp quản, quản lý. Năm 2008, UBNDTP giao UBND QTB trực tiếp quản lý toàn bộ khu đất để đầu tư XD công trình công cộng.

Thực tế có một số hộ dân trồng rau trên một phần diện tích của khu đất công, trên cơ sở đề xuất của UBND QTB và ý kiến của các sở, ban ngành TP, tháng 01/2019 UBNDTP đồng ý phương án hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2. Ủy ban nhân dân QTB và Hội đồng hỗ trợ của DA quận đã tổ chức cho người dân có quyền lợi liên quan đến khu đất liên hệ kê khai quá trình canh tác trước đây để làm cơ sở nhận tiền hỗ trợ. Đã có 45/124 trường hợp đồng thuận chủ trương thực hiện DA và nhận tạm ứng hỗ trợ với số tiền 63,69 tỷ đồng.

Người dân đến trụ sở UBND P6Q.Tân Bình làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ

Thực hiện chỉ đạo của UBNDTP, UBND QTB đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành TP tổ chức tiếp công dân ngày 18/8/2022 và đã ban hành thông báo kết luận của người chủ trì buổi tiếp trên theo quy định pháp luật. Sau buổi tiếp, UBND quận đã tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân để báo cáo UBNDTP. Trên cơ sở đề xuất của QTB và ý kiến của các sở, ban ngành, TP, tháng 12/2022 UBNDTP chấp thuận điều chỉnh tăng phương án hỗ trợ lên 11.250.000 đồng/m2. Đây được xem là mức hỗ trợ cao nhất hiện nay (mức hỗ trợ trung bình đối với đất nông nghiệp tại TPHCM hiện là 8.000.000 đồng/m2).

Từ ngày 11 đến 30/11/2023, UBND QTB tổ chức niêm yết công khai dự thảo phương án hỗ trợ, tiếp xúc ghi nhận ý kiến các hộ dân có liên quan đến khu đất. Đến nay đã có 106 trường hợp nhận dự thảo phương án hỗ trợ và liên hệ Hội đồng hỗ trợ của dự án QTB để kê khai, kê khai bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ nhận hỗ trợ.

Ngày 04/12/2023, UBND QTB ban hành quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ đối với các trường hợp đồng thuận và đang tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho các trường hợp đã hoàn chỉnh hồ sơ. Trong ngày 05/12/2023 chi trả cho khoảng 40 trường hợp; ngày 06/12/2023 chi trả cho 28 trường hợp. Bên cạnh đó, Hội đồng hỗ trợ của DA vẫn tiếp tục nhận hồ sơ bổ sung tại trụ sở UBND P6QTB (số 356A đường Bắc Hải, P6QTB) để hoàn chỉnh pháp lý chi hỗ trợ cho những trường hợp còn lại.

Hiện UBND QTB đã bàn giao toàn bộ mặt bằng KĐCTCC cho Ban quản lý DA đầu tư XD khu vực QTB (chủ đầu tư) để khởi công XD các công trình từ ngày 12/12/2023, dự kiến hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng ngày 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bà con trong khu vực đến xem thông tin thực hiện dự án

Người dân rất đồng tình

Người dân QTB, đặc biệt là các gia đình xung quanh khu đất, đang trông chờ 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia được khởi công, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, mang lại diện mạo mới cho P6 nói riêng và QTB nói chung. Chủ một quán cà phê trên đường Chấn Hưng phấn khởi bày tỏ: "Việc thành phố XD cụm trường học và các công trình công cộng là rất hợp tình. Rồi đây con em chúng tôi và của bà con trong khu vực sẽ được học trong hệ thống trường lớp chất lượng cao, gần nhà, vô cùng thuận tiện! Chưa hết, khi DA được thực hiện sẽ giúp giải quyết hàng loạt vấn đề "nóng" tồn tại nhiều năm nay, trong đó có tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường...".

Hiện khu đất 50.308,7m2 đang bị bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm, cây cối ken dày, nhìn chẳng khác "rừng hoang" nằm lọt thỏm giữa lòng TP. Trên đó, mặc dù địa phương đã cắm biển "cấm đổ rác", nhưng tại khu vực giáp với đường Hưng Hóa có tới 3 - 4 điểm tập kết xà bần, rác tự phát với đủ loại gạch đá, túi nylon, thùng xốp, ghế sô pha, chăn màn, chiếu gối... Một số nơi trên khu đất còn bị tận dụng để làm bãi đậu xe, phóng uế rất nhếch nhác và bốc mùi hôi. Tại khu vực giáp với đường Chấn Hưng, nhiều chỗ bị chiếm dụng để trút xà bần, đổ rác, phóng uế và nhiều người chiếm dụng để kinh doanh buôn bán, tập kết đồ đạc, để xe cộ..., trông rất mất mỹ quan!

Cỏ mọc um tùm, rác vứt bừa bãi và nhiều nơi trên khu đất bị chiếm dụng để chất đồ đạc, làm chỗ để xe...

Nhiều người dân sống xung quanh khu đất cho biết, trước đây nơi này có nhiều hộ đến trồng rau. Lúc đầu, họ sử dụng nhiều loại phân hữu cơ để bón, khi trời nắng bốc mùi hôi nồng nặc rất khó chịu; lúc mưa xuống, phân tro theo dòng nước chảy lan ra các hộ xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, các hộ này sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu bón cho rau và trừ sâu bệnh, tuy mùi hôi có giảm nhưng do sử dụng hàm lượng khá nhiều suốt thời gian dài nên đất đai nhanh chóng hoang hóa, chai cứng; các thành phần trong thuốc trừ sâu, phân hóa học gây hại cho người dân xung quanh, nhất là với người già và trẻ nhỏ.

Mặt khác, khu vực trồng rau có địa hình thấp trũng, mỗi khi mưa lớn là nước ngập lênh láng, có hôm lên quá đầu gối, xe cộ chết máy, giao thông ùn tắc thường xuyên. Nhiều năm nay, khu đất trồng rau bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, côn trùng, chuột bọ hoành hành, muỗi mòng phát triển, rất dễ phát sinh dịch bệnh và tệ nạn xã hội...

Ông Cao Chu Giảng (SN 1952, ngụ KP8, P6QTB) nêu ý kiến: "Nếu không quy hoạch, cải tạo, giá trị của khu "đất vàng" nằm ở vị trí đắc địa mà chỉ dùng để trồng rau là quá lãng phí! Đó là chưa kể khu vực trồng rau hiện cây cối um tùm, cỏ mọc quá đầu người, âm u, tiềm ẩn nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Do đó, tôi thấy việc TP thu hồi đất ở vườn rau để XD các công trình công cộng và cụm trường học đạt chuẩn quốc gia là hợp lý, hợp lòng dân".

Bình luận (0)

Lên đầu trang