TPHCM: Sắp khởi công 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia tại quận Tân Bình

Thứ Bảy, 11/11/2023 11:12

|

(CAO) Đó là Trường mầm non Sơn Ca, Trường tiểu học Hùng Vương và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, được xây dựng trên phần đất hơn 5 héc-ta tại Phường 6, quận Tân Bình, TPHCM.

Đây là cụm trường đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia, được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm, bố trí hơn 1.156 tỉ đồng để xây dựng, người dân khu vực rất trông chờ. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 30/4/2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

NHU CẦU CẦN THIẾT, CẤP BÁCH

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, trên địa bàn hiện có 53.598 học sinh (HS) từ mầm non đến THCS. Cụ thể: Khối mầm non có 24 trường (9 trường đạt chuẩn quốc gia), 278 phòng học, 7.318 HS; khối tiểu học có 26 trường (1 trường đạt chuẩn quốc gia - tiểu học Đống Đa), 707 phòng học, 25.924 HS; khối THCS có 13 trường, 372 phòng học, 20.356 HS.

Đến nay, toàn quận chỉ có duy nhất một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; riêng khối THCS không có trường nào. Theo Thông tư 13, những năm tới Trường tiểu học Đống Đa sẽ không đạt chuẩn quốc gia vì không đủ diện tích.

So với quy định, quận Tân Bình chưa đáp ứng chỉ tiêu 300 phòng học/1.000 dân trong độ tuổi đi học giai đoạn 2017 - 2025. Thực tế hiện nay, sĩ số HS trong mỗi lớp học còn cao, chưa đảm bảo việc học 2 buổi/ngày. Căn cứ kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục hệ thống công lập giai đoạn 2022 - 2025, quận còn thiếu 4 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 10 trường THCS. Do đó, xây thêm trường học trên địa bàn Tân Bình là cần thiết và cấp bách.

3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia sắp được khởi công xây dựng tại Phường 6, quận Tân Bình

Việc đầu tư xây dựng trường học theo quy hoạch trên địa bàn quận đã được UBND TPHCM phê duyệt. Năm 2008, UBND TP đã ban hành quyết định xây dựng 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia cho Tân Bình. Trong đó, Trường mầm non Sơn Ca được xây trên phần đất 6.300m2, kết cấu 1 trệt, 3 lầu với 20 phòng học, có thể tiếp nhận 700 HS; Trường tiểu học Hùng Vương xây trên phần đất 9.400m2, quy mô 30 phòng học, hơn 1.000 HS; Trường THCS Mạc Đĩnh Chi xây trên phần đất 12.200m2, 45 phòng học, trên 2.000 HS.

Cả 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia này được xây dựng trên khu đất công trình công cộng, tọa lạc phường 6, quận Tân Bình với diện tích 50.308,7m2 (đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 18/4/2023 của HĐND TPHCM). Khu đất này trước đây do chính quyền Pháp thuộc sử dụng làm bãi ăng-ten, là đất công. Sau khi đất nước thống nhất ngày 30/4/1975, Nhà nước trực tiếp quản lý khu đất này, sau đó giao cho ngành Bưu điện tiếp quản, quản lý.

Năm 2008, UBND TP giao cho UBND quận Tân Bình trực tiếp quản lý toàn bộ khu đất để đầu tư xây dựng công trình công cộng. Thực tế có một số hộ dân trồng rau trên một phần diện tích của khu đất này và tự ý xây dựng công trình trái pháp luật. Để lập lại kỷ cương trật tự xây dựng trả lại nguyên trạng mặt bằng, tháng 1/2019, toàn bộ các công trình vi phạm đã được tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định pháp luật.

Theo quy hoạch, bên cạnh 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, TP còn dành 10.991,5m2 tại khu vực này làm công viên cây xanh và 11.250m2 xây dựng mới các tuyến đường nội bộ, gồm đường số 1, số 2, số 3 và hẻm 783 Cách Mạng Tháng Tám (CMT8).

Ngoài ra, thành phố còn tiến hành cải tạo các tuyến đường và các con hẻm hiện hữu. Trong đó, đường Hưng Hóa dự kiến mở rộng thành 16m (hiện trạng 4,89m - 7,69m); đường Chấn Hưng (đoạn từ Hưng Hóa đến CMT8) dự kiến mở rộng 12m (hiện trạng từ 5,3m - 8,11m)…

Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án là 1.156,939 tỉ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ là 572,986 tỉ đồng, chi phí xây dựng 583,953 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quận Tân Bình cho biết, dự án xây dựng 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia và công viên cây xanh, đường sá mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân. Dự án thực hiện, không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội khu vực này, chỉnh trang đô thị mà trong tương lai, con em người dân trong khu vực có một hệ thống trường lớp chất lượng cao.…

 Mặt bằng tổng thể dự án đầu tư xây dựng 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Do thực tế có một số hộ dân canh tác rau trên một phần diện tích của khu đất công; trên cơ sở đề xuất của UBND quận Tân Bình và ý kiến của sở, ngành thành phố, tháng 1/2019, UBND thành phố đồng ý phương án hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2. Hiện nay, có 45/124 trường hợp đồng thuận chủ trương thực hiện dự án và nhận tạm ứng hỗ trợ với số tiền là 63,69 tỷ đồng.

Đối với các trường hợp chưa đồng thuận chủ trương và có ý kiến đề xuất kiến nghị, thì từ tháng 01/2019, UBND quận, Hội đồng hỗ trợ của dự án quận đã tổ chức cho người dân có quyền lợi liên quan đến khu đất liên hệ kê khai quá trình canh tác trước đây để làm cơ sở nhận tiền hỗ trợ.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, UBND quận Tân Bình đã chủ trì, phối hợp sở, ngành thành phố tổ chức tiếp công dân thành công vào ngày 18/8/2022 và đã có ban hành thông báo kết luận của người chủ trì buổi tiếp công dân theo đúng quy định. Sau buổi tiếp công dân, UBND quận đã tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân để báo cáo UBND TP. Trên cơ sở đề xuất của quận Tân Bình và ý kiến của sở, ngành, thành phố, tháng 12/2022, UBND TP chấp thuận điều chỉnh tăng phương án hỗ trợ lên 11.250.000 đồng/m2.

 Một góc khu đất triển khai dự án, hiện cỏ dại mọc um tùm, hoang vu, nhiều muỗi và côn trùng phát sinh, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực

Để có cơ sở tiếp tục chi tiền hỗ trợ cho người dân, UBND  quận Tân Bình đã thành lập một số Tổ công tác đi thông báo thời gian và địa điểm niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ và mời bà con liên hệ UBND P.6 để kê khai, kê khai bổ sung và cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình canh tác tại khu đất. Đồng thời, tiến hành đăng báo và đăng tải trên trang thông tin điện tử của quận và phường để thông tin việc tổ chức niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ này.

Tổ công tác của Hội đồng hỗ trợ của dự án quận sẽ làm việc tại trụ sở UBND P.6 để tiếp nhận kê khai của người dân, giải thích về chủ trương, chính sách, dự thảo phương án hỗ trợ và các vấn đề liên quan đến dự án.

Có 2 địa điểm niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ. Một là tại trụ sở UBND Phường 6 (địa chỉ số 356A đường Bắc Hải), hai là tại điểm sinh hoạt khu phố Phường 6 (địa chỉ số 771 đường CMT8).

Hiện nay, thủ tục pháp lý để triển khai khởi công xây dựng các công trình tại khu đất bằng vốn ngân sách thành phố đã được chuẩn bị đầy đủ. UBND quận Tân Bình sẽ tổ chức niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ, phê duyệt phương án hỗ trợ và chỉ hỗ trợ theo quy định để đảm bảo quyền và lợi ích của các trường hợp trước đây có canh tác.

Theo kế hoạch, 3 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nói trên được khởi công xây dựng trong tháng 12/2023 và dự kiến hoàn thành đưa công trình vào sử dụng vào ngày 30/04/2025, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi chỉnh trang khu vực, tuyến đường này sẽ được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

NÓNG LÒNG CHỜ NHỮNG NGÔI TRƯỜNG MỚI…

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Chu Giảng (SN 1952, Tổ trưởng TDP71, KP8, P.6, quận Tân Bình) cho biết, gia đình ông có hơn 850m2 đất trong vườn rau Lộc Hưng. Khi thành phố có chủ trương thu hồi đất để xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia, công viên, đường sá, gia đình ông nghiêm túc chấp hành giao đất để phục vụ dự án công trình công cộng. Ông đã nhận 80% số tiền hỗ trợ cho diện tích đất của mình với mức giá 7.055.000 đồng/m2. Sắp tới, thành phố điều chỉnh giá, ông tiếp tục được hỗ trợ thêm.

Người Tổ trưởng dân phố thâm niêm hàng chục năm, bày tỏ: “Tôi thấy việc thành phố thu hồi đất ở vườn rau để xây dựng các công trình công cộng và cụm trường học đạt chuẩn quốc gia là hợp lý. Nếu không quy hoạch, cải tạo, khu đất sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tìm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Bà con trồng rau bắt buộc phải sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất… Những thứ này sử dụng nhiều, chắc chắn sẽ gây hại cho đất đai và môi trường sống của người dân xung quanh. Mảnh đất trồng rau có địa hình thấp trũng, hễ mưa lớn là nước ngập sâu, có hôm ngập quá đầu gối, xe cộ chết máy, giao thông ùn tắc.

Xung quanh khu trồng rau, cây cối mọc um tùm, chuột bọ, côn trùng, muỗi mòng phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh và tệ nạn xã hội, lỡ có chuyện gì xấu xảy ra thì hậu quả khó mà lường. Nếu thành phố không chuyển đổi công năng của khu đất thì vườn rau vẫn mãi chỉ là vườn rau. Trong khi con em chúng ta đang thiếu các ngôi trường khang trang, hiện đại, môi trường giáo dục tiên tiến, thiếu công viên cho người dân vui chơi giải trí, mà chục ngàn mét vuông đất nằm giữa lòng thành phố chỉ để trồng rau, cây cối mọc um tùm thì quá lãng phí​!”.

 Ông Khuất Cao Tùng (bên trái) và ông Tạ Đắc Bình trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM

Ông Khuất Cao Tùng (SN 1956, ngụ P.6) cho biết thêm: “Gia đình tôi có hơn 400m2 giáp mặt tiền đường Hưng Hoá, trước sử dụng trồng rau, sau này cho thuê mở quán cà phê. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng cụm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia trên khu đất để phục vụ cho sự nghiệp “trồng người”, tôi rất đồng tình, nên đã giao đất và nhận 50% số tiền hỗ trợ. Thời điểm năm 2019, tôi nhận hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất, nay nghe thông tin lãnh đạo thành phố quan tâm, xem xét nâng lên 11.250.000 đồng/m2 làm tôi rất phấn khởi. Tôi mong dự án sớm được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, để các cháu có cơ hội học tập, rèn luyện dưới những mái trường đạt chuẩn quốc gia…”.

Còn Tạ Đắc Bình (SN 1956, ngụ P.6) phấn khởi: “Gia đình tôi có 245m2 đất, đã nhận 80% hỗ trợ. Tôi rất đồng tình và ủng hộ dự án. Đây là công trình mang lại lợi ích toàn dân, vì tương lai lâu dài của con em chúng ta được thụ hưởng một môi trường giáo dục tốt, đạt chuẩn quốc gia từ bậc mầm non đến THCS. Chưa hết, dự án thành còn làm thay đổi bộ mặt Phường 6, quận Tân Bình và khu vực lân cận…”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang