(CATP) Hiện nay, các địa phương bắt đầu thực hiện bình thường mới, doanh nghiệp (DN) vui mừng khi công nhân (CN) được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo các lãnh đạo công ty, CN được tiêm đủ liều cộng với thực hiện tốt 5K sẽ giảm bớt chi phí test nhanh Covid-19 dày đặc. Thế nhưng, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu, khiến các DN đang gặp khó khăn lại tiếp tục gánh chi phí test nhanh Covid-19, vừa lãng phí lợi ích của việc tiêm vắc-xin vừa tạo thêm gánh nặng kinh phí không đáng có.
Mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu
Khi địa phương thực hiện bình thường mới, một số DN lại tỏ ra băn khoăn. Anh T.T. - Giám đốc một công ty thủy sản ở Cà Mau - cho biết, cuối tháng 4-2021, dịch Covid-19 bùng phát, công ty thực hiện chủ trương của tỉnh theo phương án "Ba tại chỗ". Thời gian đầu, 3 ngày 1 lần, cán bộ y tế (YT) cùng Sở Công thương tỉnh đến test nhanh Covid-19 đối với CN.
"Đến nay, tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin Covid-19 của công ty đạt 100% nhưng chúng tôi vẫn phải test nhanh Covid-19, 3 ngày 1 lần cho 30% CN, khiến mỗi tháng công ty tốn 150 triệu đồng. Mấy tháng nay, chính quyền địa phương đang tìm cách gỡ vướng mắc, giảm bớt chi phí cho DN, nhưng tiêm vắc-xin vẫn thực hiện test nhanh 3 ngày 1 lần thì liệu có cần thiết? DN chúng tôi yêu cầu 7-10 ngày test 1 lần, tỷ lệ 20% CN là hợp lý”, anh T. tâm sự.
Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, cả nước có khoảng 800.000 lái xe vận tải, mỗi người phải XN 12 -15 lần/tháng thì đang tiêu tốn nguồn lực khủng của DN và của chính nền kinh tế. Một DN vận tải nhẩm tính: "Nếu DN có 60 lái xe đang chạy, với 3 ngày XN 1 lần PCR, 1 tháng chi phí đội lên hàng trăm triệu đồng. Với khoản chi phí này, nhiều DN đành giao hàng chậm hoặc giảm 50% hoạt động chạy xe. Nếu tồn tại lâu dài theo cách làm của từng tỉnh thế này, DN sẽ phá sản, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó phục hồi sản xuất (SX) sau khi dịch lắng xuống".
Doanh nghiệp gặp khó khăn, CN càng khổ sở gấp bội. Tại những nơi tập trung nhiều CN như: Long An, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai..., việc di chuyển khá thoải mái nhưng phải có giấy XN Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ và tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Nhiều CN cho biết, quy định trên gây khó khăn cho họ và yêu cầu chính quyền địa phương nới lỏng giãn cách nhưng đồng thời cũng phải nới lỏng quy định XN để đỡ gánh nặng cho DN và người lao động (NLĐ) nhằm khôi phục SX.
Lấy mẫu test nhanh Covid-19
Trong khi đó, giá test nhanh mỗi nơi mỗi kiểu. Năm 2020, Bộ YT đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá test nhanh là 238.000 đồng/mẫu, test PCR là 734.000 đồng/mẫu, được áp dụng tới trước ngày 1-7-2021. Từ ngày 1-7-2021, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã SX được nên giá test rất khác nhau, có nơi test PCR lên đến hơn 1,5 triệu đồng. Khi báo chí phản ánh, giá test nhanh giảm đáng kể.
Cần sự thống nhất
Thực tế, việc test nhanh Covid-19 dày đặc một phần do chỉ đạo không thống nhất từ cơ quan quản lý. Ngày 30-9, Bộ YT đã gửi Công văn khẩn 8228/BYT- MT tới các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh (SX-KD), trong đó nhấn mạnh NLĐ đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 qua 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, thì không cần XN, nếu có thì chỉ khuyến khích. Bộ YT lưu ý không thực hiện XN đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).
Văn bản trên được triển khai, DN mừng vì giảm một phần gánh nặng chi phí trong hoạt động. Ngày 3-10, Bộ YT ban hành Văn bản 8318 về XN, cách ly phòng chống (PC) dịch Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ khiến nhiều DN băn khoăn trước yêu cầu "người di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ phải XN, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày" dù đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã điều trị khỏi Covid-19.
Quy định này gây ngạc nhiên trong cộng đồng DN, bởi mới trước đó vài ngày, bộ này có hướng dẫn XN SARS-CoV-2 với cơ sở SX-KD, cho phép NLĐ đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin không phải XN định kỳ.
Một số DN khẳng định, quy định của các văn bản trên thiếu thống nhất và không rõ ràng. Nhiều trường hợp NLĐ làm việc ngoại tỉnh, phải di chuyển giữa các địa phương, nếu yêu cầu phải XN sẽ gặp không ít khó khăn. Văn bản ngày 30-9 yêu cầu XN định kỳ hàng tuần với vùng nguy cơ rất cao, hoặc 2 tuần/lần với vùng nguy cơ cao, có nguy cơ thì văn bản ngày 3-10 quy định khi di chuyển giữa các vùng buộc phải có giấy XN có hiệu lực trong 72 giờ, nên DN phải tăng tần suất XN với những trường hợp NLĐ ở vùng nguy cơ cao, vùng ngoại tỉnh. Xét nghiệm như vậy làm mất nhiều thời gian, chi phí của DN.
Trong khi Chính phủ thực hiện tiêm vắc-xin cho CN để khôi phục SX thì việc test nhanh Covid-19 dày đặc liệu có cần thiết?
Bộ YT đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra bộ phụ trách đi kiểm tra các tỉnhđể phát hiện trường hợp vi phạm, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu đến công tác PC dịch. Đến nay, bộ đã cấp phép cho 97 test XN, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test XN kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test Covid-19 phục vụ các DN và địa phương. Bộ YT cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm XN hàng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng thông tin giá của bộ để đảm bảo công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo ra sự lành mạnh.
Trước đó, 14 hiệp hội của một số lĩnh vực, ngành hàng đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng đưa kit XN Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá; đồng thời đề nghị Chính phủ cho các tổ chức YT được bán kit XN theo giá cạnh tranh. Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm giảm giá XN. Ngoài ra, cộng đồng các DN này mong được khấu trừ chi phí XN và PC dịch vào chi phí DN hoặc kinh phí Công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; bảo hiểm YT chi trả chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng sẽ do ngân sách chi trả; các bệnh viện, tổ chức YT tư nhân được phép thu phí XN và điều trị.