Ngộ độc rượu tăng đột biến
Ngày 7-10, BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, số bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol tăng đột biến trong những ngày gần đây, trong khi trước đây rất hiếm khi gặp. Cụ thể, chỉ trong 4 ngày (từ 4 đến ngày 7-10), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 5 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó riêng ngày 4-10 có tới 3 ca, chưa kể 2 ca ngộ độc rượu tử vong trước đó.
Trong 5 ca ngộ độc rượu nhập viện, có 2 ca ở TPHCM và 3 ca ở tỉnh Vĩnh Long. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng như mờ mắt, hôn mê, khó thở... phải điều trị tích cực, chạy thận, lọc máu. Trong 2 ca ở TPHCM có bệnh nhân L.Q.T (45 tuổi, ngụ H.Bình Chánh), nhập viện ngày 6-10 trong tình trạng huyết áp cao, mờ hai mắt, nhức đầu... Bệnh nhân kể trước đó cùng 3 người bạn mua rượu không rõ nguồn gốc về uống, sau đó thì 2 người đã tử vong.
TS.BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Thống Nhất
Vào ngày 30-9, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) thông tin cảnh báo trong 2 tuần vừa qua liên tục có bệnh nhân nhập viện sau khi uống rượu và bị ngộ độc cồn công nghiệp, trong đó nhiều người đã tử vong, nhiều người nguy kịch.
Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chỉ trong tháng 9-2021, bệnh viện đã tiếp nhận 12 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Hiện có 6 người tử vong, một số ca đang nguy kịch. Bác sĩ xác định, rượu pha chế từ cồn công nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Hiện chưa ghi nhận mối liên quan giữa các bệnh nhân, tình trạng ngộ độc xảy ra theo nhóm hoặc lẻ tẻ một vài trường hợp ở từng vụ việc. TS-BS Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) Bệnh viện Thống Nhất cho biết các ca bệnh chủ yếu tập trung trong 2 tuần qua, trong đó hôm 29-9 có liên tục 3 ca.
Điều đáng nói, có trường hợp cả hai cha con cùng uống rượu từ cồn công nghiệp dẫn đến ngộ độc và rơi vào tình trạng nguy kịch. Đó là ông V.N (SN 1952) và con trai A.P (SN 1980) bị ngộ độc rượu phải nhập viện cuối tháng 9-2021.
Tuy nhiên, anh A.P nhanh chóng rơi và nguy kịch, ngưng tim sau 1 giờ lọc máu và đã tử vong. Còn ông V.N trong tình trạng nồng độ methanol lên tới 160 mg/dL, gấp 8 lần mức gây ngộ độc, gấp đôi mức tiên lượng tử vong và đến nay không có dấu hiệu tiến triển, bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng...
Các ca ngộ độc rượu nặng được cấp cứu
Một vụ việc đau lòng khác diễn ra tại huyện Bình Chánh, đang trong thời gian giãn cách xã hội bị thất nghiệp cộng với việc lo lắng vì dịch bệnh và buồn chán vì không làm ra tiền, 4 người đã rủ nhau mua rượu về phòng nhậu. Sau khi uống khoảng 2 lít thì 2 người gục tại chỗ, tử vong, 2 người còn lại được đưa đến bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.
Cũng tại bệnh viện Thống Nhất, 1 cụ ông 71 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nồng độ methanol lên tới 120 mg/dL, do tiên lượng nặng khó qua khỏi nên người nhà đã xin đưa cụ về. Một người đàn ông tên B. (38 tuổi) cũng nhập viện điều trị ngộ độc rượu nhưng vẫn hôn mê sâu do nhập viện trễ sau khi uống rượu trước đó đã lâu.
Trong ngày 28-9, Công an quận Bình Tân ghi nhận 2 ca tử vong xảy ra tại căn nhà trọ trên đường Hồ Văn Long, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Đó là L.T.Q (SN 1973, quê Quảng Ngãi) và N.V.V (SN 1979, quê An Giang). Theo điều tra ban đầu, trưa 27-9, Q. và V. mời một số người làm phụ hồ chung về nhà trọ uống rượu. Sau đó, ông Q. có biểu hiện mệt mỏi, bất tỉnh được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Trong lúc bạn đi cấp cứu, ông V. ở lại đóng cửa phòng trọ ngủ và đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu xác định cả hai tử vong do ngộ độc rượu.
Hậu quả từ việc dùng rượu pha cồn công nghiệp
Tại Cần Thơ, trong những ngày giãn cách cũng ghi nhận ca ngộ độc rượu trên nền bệnh u não. Ngày 24-9, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết đã cứu sống một bệnh nhân u màng não chèn ép mô não, phù não nặng.
Điều đáng nói, trước đó 3 ngày, bệnh nhân này đã uống rượu, sau đó lơ mơ và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng phản xạ ánh sáng không rõ, yếu chi. Bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, đồng tử dãn, tri giác xấu... Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân được bảo tồn các mạch máu não và được cứu sống.
Trước đó, đầu tháng 8-2021, tại Khánh Hòa, trong thời điểm giãn cách xã hội, một nhóm thanh niên lưu trú ở đảo Hòn Tằm (phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang) đã sử dụng cồn tự mua chưa rõ nguồn gốc, chủng loại rồi tự pha chế thành rượu để uống. Đến trưa 3-8 thì 7 người có triệu chứng nôn ói, đau bụng, trạng thái lơ mơ... nên được đưa vào bờ đi cấp cứu. Trong đó, 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị.
Hồi chuông báo động
Trước tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol nhập viện tăng đột biến trong thời gian gần đây tại TPHCM, các bệnh viện như Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất đã gửi báo cáo với Sở Y tế TPHCM và các cơ quan liên quan để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, để hạn chế những hậu quả đau lòng có thể xảy ra liên quan đến vấn đề ngộ độc rượu methanol, các chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo về mặt y học để người dân có thể thấy được mức độ độc hại, nguy hiểm của loại rượu pha cồn công nghiệp, tránh sử dụng kẻo ảnh hưởng đến tính mạng.
PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ: các trường hợp nhập viện trên đều được xác định ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol. Họ đều xuất phát từ nhóm người lao động nghèo. Một số người có thói quen uống bia rượu hoặc tâm lý bị ảnh hưởng trong giai đoạn giãn cách, ở nhà rảnh rỗi có thể là nguyên nhân khiến những người này thường xuyên sử dụng rượu.
Rượu bị pha chế bằng cồn công nghiệp methanol có giá rẻ hơn nhiều rượu nấu bằng gạo (ethanol) và có thể dễ mua hơn nên họ đã sử dụng. Ngộ độc methanol nhẹ, nhập viện sớm vẫn cứu được nhưng uống quá nhiều, uống thường xuyên, thì tác hại vô cùng.
Loại rượu này sẽ tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương và các cơ quan, gây tổn thương và để lại hậu quả nặng nề. Nhiều nạn nhân khi được đưa tới bệnh viện, nội tạng lẫn hệ thần kinh đã bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu và dẫn đến tử vong.
Một trong hai ca ngộ độc rượu nặng cấp cứu tại Nha Trang
Theo TS, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì những trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, loại rượu có nồng độ methanol rất cao. Rượu nếu được nấu truyền thống từ ngũ cốc, quá trình ủ và lên men, chưng cất thì không chứa lượng methanol gây ngộ độc.
Methanol là một hóa chất độc hại và người dân không tự sản xuất được. Tất cả lượng methanol lưu hành trên thị trường hiện nay là từ sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu phục vụ cho các mục đích không phải để uống hay sát trùng, mà sử dụng trong công nghiệp và pha với xăng tạo ra xăng E5. Thế nhưng hóa chất này đã bị "tuồn từ trong ra ngoài" vào tay kẻ xấu, được pha thành các loại rượu rởm, các loại cồn sát trùng rởm gây ngộ độc cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến cả hệ thống y tế.
Còn TS.BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, rượu cồn công nghiệp chứa methanol rất nguy hại. Khi uống vào gây tổn hại nhiều đến tim mạch, hệ hô hấp, gây suy thận cấp, não, trụy mạch, co thắt võng mạc làm mù mắt và nhiều biến chứng nguy hiểm khác...
Dấu hiệu ngộ độc rượu cồn công nghiệp thường xuất hiện các triệu chứng như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê. Các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn (phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau) nên để lại hậu quả rất đáng tiếc khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng đã bị tổn thương các cơ quan nội tạng, mắt, não... và có thể tử vong.
Để phòng ngộ độc rượu methanol, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng rượu làm từ cồn công nghiệp methanol, không sử dụng các loại rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan để chấn chỉnh việc quản lý các lò rượu thủ công.
Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ 15-11-2020) đã quy định chi tiết trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý, thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia trong phạm vi địa bàn quản lý. Muốn bán rượu thủ công, người sản xuất phải đăng ký kinh doanh và địa phương phải nắm rõ việc này nhằm hạn chế các loại rượu giả, rượu trôi nổi trên thị trường.
(Còn tiếp...)