Đó là trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Thu T., giáo viên trường mầm non chất lượng cao Bình Minh, Thanh Trì, Hà Nội.
Sốc với những lời miệt thị học sinh
"Tổ sư, học sinh mất dạy như chó ý. Chỉ muốn tát vào mặt chúng nó thôi, nó còn dọa mình về mách mẹ, sợ quá", một trong những dòng trạng thái mà cô giáo này viết.
Mặc dù đã nhận được lời khuyên của bạn bè nên bình tĩnh và nên khuyên dạy các học sinh thì cô giáo mầm non này vẫn sẵng giọng: "Gớm, nịnh chúng nó có mà đè đầu mình ngay. Nhìn trời sáng không muốn đi làm".
Chia sẻ của cô giáo đã gây một cơn bão trên mạng
Có lẽ vì nghĩ rằng phụ huynh học sinh không có facebook của mình nên rất nhiều bức xúc của cô trong lúc dạy ở trường được cô đăng tải hết lên trang cá nhân. Tuy nhiên, những status, đoạn hội thoại của cô với bạn bè nhanh chóng bị một vị phụ huynh có tên H.A bắt gặp.
Quá bức xúc, người này đã chụp lại màn hình giao diện facebook của cô T. và post lên một diễn đàn mạng xã hội với hàng chục ngàn người theo dõi, ngay lập tức nó được chia sẻ nhanh chóng và tạo thành một cơn bão trên mạng. Chính những dòng chia sẻ của nữ giáo viên này khiến các phụ huynh đang có con cảm thấy bức xúc và khó chịu.
Một phụ huynh bình luận: “Thật không thể chấp nhận được, rõ ràng là giáo viên này cũng có con rồi. Con mình cũng như con người ta thôi. Sao lại có cách suy nghĩ nhìn nhận như thế được chứ. Không xứng đáng làm giáo viên”.
Ngay sau khi sự việc lan truyền trên mạng, Ban giám hiệu trường mầm non chất lượng cao Bình Minh đã gửi lời xin lỗi tới các bậc phụ huynh và các em học sinh, đồng thời quyết định cho cô T. nghỉ việc.
"Cô Nguyễn Thị Thu T. là giáo viên mầm non, hiện trong quá trình thử việc tại trường. Những ngày lên lớp, cô giáo đều giảng dạy tốt và nhiệt tình nên nhiều phụ huynh rất quý. Không hiểu sao cô T. lại có những lời lẽ không chuẩn mực như vậy trên facebook. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường cũng như hình ảnh của giáo viên mầm non. Sau khi tìm hiểu sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định cho cô T. nghỉ việc", một đoạn thư xin lỗi của trường này viết.
Ban giám hiệu trường này cũng cam đoan sẽ không để xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự và mong các bậc phụ huynh thông cảm và tin tưởng ở nhà trường.
Cần lắm những tấm lòng vì lợi ích trăm năm trồng người
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên được từng câu trong bài thơ về một ngày của "Cô giáo mầm non" gây sốt thời gian gần đây.
"...Đầu giờ đón trẻ liền tay
Đứa khóc đứa mếu, đứa gây đứa hờn
Ổn định và ăn sáng luôn
Lại ho sặc sụa, lại nôn ào ào
Một cô dọn dẹp quét lau
Một cô dỗ cháu, “ăn mau, ngoan nào”
Đứa nuốt, đứa ngậm, đứa lè…
Thôi thì quần quật cũng ê ẩm lòng
Sau khi ăn sáng đã xong
Cô cho sinh hoạt ngồi vòng đọc thơ
Lưng tròng nước mắt chực chờ
Chỉ một đứa khóc, lớp òa khóc theo
Mầm non lắm cảnh trớ trêu
Tối về nghe điện thoại reo…giật mình...".
Một ngày của cô giáo mầm non khiến ai đọc cũng phải chóng mặt. Hưởng mức lương ít ỏi từ 2-6 triệu đồng tùy từng trường, thế nhưng các cô giáo mầm non gần như không ngừng nghỉ miệng, tay chân từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều với các ngày trong tuần. Bắt đầu từ việc đón học sinh, cho ăn sáng, dọn lớp vì học sinh nôn trớ, cho đi vệ sinh, khóc, tranh giành nhau đồ... những việc mà chỉ cần kể sơ qua thôi cũng đủ cho các bậc phụ huynh "hoa mắt chóng mặt".
Nhưng rồi gánh nặng công việc của một ngày vẫn chưa kết thúc khi tối về các cô lại phải làm đồ thủ công, soạn giáo án... Con cái xao nhãng, ít có thời gian chăm lo hay suy nghĩ đến chuyện gia đình là những nỗi lòng của giáo viên mầm non mà không phải người thân nào có thể thông cảm, sẻ chia được.
Thế nhưng, bên cạnh câu chuyện "cái khó, cái khổ" của giáo viên mầm non lại là câu chuyện về cái Tâm của nghề.
Không thật sự yêu trẻ thì đừng chọn công việc bảo mẫu
“Là những người đi ươm mầm tương lai, dạy cho học sinh những điều hay lẽ phải, uốn nắn cho các em từng lời ăn tiếng nói, nhưng cô giáo này đã có thái độ lăng mạ học sinh và dùng những lời lẽ phi sư phạm ảnh hưởng đến sự nghiệp “trồng người”. Thật đáng lo ngại cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước”, một phụ huynh chia sẻ.
Cũng có thể cảm thông rằng các cô làm việc quá áp lực. Nhưng trước khi bắt phải làm gì thì hãy tự hỏi mình đang muốn gì. Nhiều ý kiến cho rằng, một khi đã không yêu trẻ thì đừng làm cô giáo, còn chỉ đi làm để kiếm tiền thì có rất nhiều việc khác có thể kiếm ra tiền...
Nhưng dù làm việc gì thì cũng cần có đạo đức. Nó cũng giống như một bác sĩ không thể đổ lỗi cho quá đông bệnh nhân mà khám chữa bệnh qua loa, hay một tài xế không thể đổ lỗi cho việc lái xe nhiều giờ, mệt mỏi mà có vài giây... ngủ gật. Sự bất cẩn trong bất kì nghề nghiệp nào cũng là sự bất lương. Bất cẩn trong ngành y có thể mất mạng người. Bất cẩn trong xây dựng gây tai nạn lao động. Bất cẩn trong ngành giáo có thể hủy hoại tương lai của trẻ.
Cho nên có một điều mà có lẽ không chỉ các bậc phụ huynh có con em nhỏ mà cả xã hội mong mỏi đó là những người đã không thật sự yêu trẻ thì đừng chọn công việc bảo mẫu. Đừng để những sự việc đau lòng với trẻ mầm non lại xảy ra, cũng đừng để với những đứa trẻ vô tội, chuỗi ngày ở trường mầm non trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi những trận đòn tàn bạo của các “cô giáo”.
Không ai dám chắc với những cô giáo có tư tưởng thế này sẽ không có những vụ bạo hành học sinh. Dư âm của những trận đòn của các cô bảo mẫu, cô giáo mầm non vừa quâ vẫn còn ngập tràn ở các trang báo mạng và ở những vết thương trên da thịt, sâu tận trong lòng mỗi đứa trẻ.
Đây không phải là hiện tượng phổ biến của giáo viên mầm non vì hầu hết các cô giáo mầm non đều rất yêu thương trẻ nhỏ. Các em chỉ là những đứa trẻ đáng yêu, tinh nghịch mà thôi.
Cần lắm những nhà giáo yêu thương học sinh. Cần lắm những tấm lòng vì lợi ích trăm năm trồng người. Cần lắm những người thầy, người cô dạy học bằng lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp.