Không những phụ huynh, cán bộ nhà trường mà đông đảo người dân cũng như các nhà chuyên môn nhìn thấy cảnh tượng ngôi trường xuống cấp họ vô cùng bức xúc, cho rằng quá trình xây dựng công trình này là có vấn đề.
Trường THCS Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Sau khi Báo CATP có bài viết “Tiếng kêu cứu từ ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia”, phản ánh mức độ xuống cấp trầm trọng và từng ngày của Trường THCS Phước Thái, không còn đảm bảo cho mùa khai giảng năm học mới đang đến gần. Hiện tại người dân ở khu vực này đã lo lắng thật sự. Mặc dù nhà trường và chính quyền địa phương đã đưa ra những giải pháp tạm thời cho năm học 2018 - 2019, nhưng các phụ huynh vẫn chưa yên tâm.
Ngoài việc lo lớp học cho học sinh, phụ huynh cho rằng ngồi trường được xây hàng tỷ đồng, nhưng chỉ sau 14 năm sử dụng đã có nguy cơ không thể tái sử dụng mà phải đập bỏ là sự lãng phí rất lớn. Để làm rõ những mối nghi ngờ chính đáng của bà con, phóng viên đã tìm gặp những nhà chuyên môn, những người đại diện cho các cơ quan chức năng trong quá trình đầu tư, quản lý và sử dụng.
Dấu hiệu xuống cấp của công trình có thể do nhà thầu sử dụng cát bị nhiễm mặn
Được biết, khi xây dựng, Trường THCS Phước Thái có kết cấu kiên cố, Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai. Nhưng hiện tại, toàn bộ ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng, dễ dàng thấy rõ bằng mắt thường khắp tất cả các phòng học, hành lang, ban công... hầu như đều bị hư hỏng nặng.
Theo đó, các đà chịu lực, sàn bê tông đã bị ngấm nước, bong tróc, có nơi đà chịu lực bị võng xuống, dễ dàng nhìn thấy cốt sắt trần bê tông lộ ra ngoài và bị hoen rỉ, oxy hóa nặng, sắt sàn có cây bị mục ruỗng, sàn bê tông võng xuống, khả năng chống đỡ chịu lực không còn, nặng nhất là lớp vữa trát trần nhà rớt từng mảng khắp nơi.
Những hiện tượng trên cho thấy ngôi trường đã có dấu hiệu mục nát, có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào, đe dọa trầm trọng đến tính mạng và sức khỏe con người.
Quan sát các lõi sắt lộ thiên sau khi lớp trát trần bị rơi xuống, kỹ sư Trần Thanh Nam – Giám đốc Công ty TNHH Đại Khương nhận định: “Trong quá trình thi công, công nhân không kê thép khi đổ bê tông nên phần thép không có lớp bảo vệ. Về kỹ thuật thì phần dĩ thép phải có lớp bảo vệ bê tông 2cm, nhưng ở đây lớp trát trần rơi ra đã lộ lớp thép là thi công không đúng kỹ thuật. Hơn nữa, vữa tô non, không đúng mác (M). Dấu hiệu xuống cấp của công trình này cũng có thể do nhà thầu sử dụng cát bị nhiễm mặn. Đó là những chi tiết quan sát bên ngoài, cần phải làm rõ thêm về kết cấu bên trong, vấn đề này cần có đơn vị chuyên môn tham gia”.
Tại buổi họp “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018”, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 31-7-2018, trả lời thắc mắc của phóng viên Báo CATP về sự xuống cấp của Trường THCS Phước Thái, bà Huỳnh Lê Giang – Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Vào tháng 10-2017, Phòng GDĐT Long Thành có đề nghị sửa chữa trường do xuống cấp. Sau đó Ban quản lý dự án huyện Long Thành đã khảo sát và cho biết chi phí sửa khoảng 3,5 tỷ đồng.
Trong giai đoạn chờ làm các thủ tục hồ sơ thì đến đầu mùa mưa vừa rồi trường xuống cấp nặng hơn, nên UBND huyện Long Thành đã quyết định ngừng việc sửa chữa và đề nghị Trung tâm kiểm định (thuộc Sở xây dựng) khảo sát lại để xác định nên sửa hay đập bỏ hoàn toàn xây mới.
Lớp trát trần rơi xuống, đã lòi sắt trong bê tông là không đúng kỹ thuật
Trong năm học mới, phương án của huyện là cách đó khoảng 1km có trường tiểu học bỏ trống, có 12 lớp, sửa sang lại vẫn còn sử dụng được. Nên tạm thời dời 12 phòng học sang trường tiểu học, còn 10 lớp học sẽ sử dụng một dãy còn tương đối an toàn để các em vào học.
Còn thắc mắc của phóng viên về việc trường xây như vậy có đảm bảo chất lượng hay không thì Sở giáo dục không rõ, phải chờ kết quả làm việc của Trung tâm kiểm định Sở xây dựng”.
Ông Nguyễn Minh Hoàng – Phó giám đốc Sở xây dựng cho hay: “Vừa qua Sở xây dựng có nhận được văn bản của Chủ tịch UBND huyện Long Thành đề nghị kiểm tra chất lượng công trình Trường THCS Phước Thái. Chúng tôi sẽ cử đoàn công tác xuống kiểm định chất lượng công trình và kiểm tra hồ sơ thiết kế tuổi thọ công trình là như thế nào, bao nhiêu năm.
Theo quy định tại Khoảng 15, Điều 3, Nghị định 46 về quản lý chất lượng công trình, quy định thời gian sử dụng theo thiết kế của công trình, do chủ đầu tư quyết định lúc ban đầu, nhưng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, thời gian, tiêu chuẩn áp dụng của công trình đó.
Chúng tôi sẽ kiểm định, xem việc thiết kế và tuổi thọ của công trình theo hồ sơ thiết kế là bao lâu. Nếu đối chiếu kết quả kiểm định và hồ sơ thiết kế công trình ra kết quả như thế nào thì chúng tôi sẽ có báo cáo kết quả cho UBND huyện Long Thành và UBND tỉnh Đồng Nai để xử lý các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo giới, ông Võ Đình Việt – Trưởng Ban quản lý dự án huyện Long Thành cũng nhìn nhận “nhiều khả năng trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã sử dụng cát nhiễm mặn””.
Dở lớp gạch ở bục giảng, bên dưới toàn là cát
Từng mảng bê tông rơi xuống gây nguy hiểm tính mạng cho thầy cô và học sinh
Ngôi trường được xây dựng kiên cố, đạt chuẩn Quốc gia, khi mới hình thành không ít phụ huynh hằng mơ ước con em của mình sẽ được vào học ở trường. Nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng chỉ sau 14 năm sử dụng, nhiều khả năng phải đập bỏ, khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về quá trình thi công kém chất lượng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Nhiều câu hỏi đặt ra là có hay không vấn nạn “rút ruột” công trình đã xảy ra ở Trường THCS Phước Thái? Đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo sát sao nhằm làm sáng tỏ vụ việc để người dân an tâm hơn với những công trình tương tự.
Tuổi thọ công trình xây dựng được xác định trên cơ sở độ bền vững của công trình. Tuổi thọ công trình xây dựng do chủ đầu tư quyết định khi xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình. Tuổi thọ công trình xây dựng được xác định trên cơ sở độ bền vững của công trình quy định tại Mục 2.2.1.8 của QCVN 03:2012/BXD, cụ thể: - Bậc I: Niên hạn sử dụng trên 100 năm. - Bậc II: Niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm. - Bậc III: Niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm. - Bậc IV: Niên hạn sử dụng dưới 20 năm. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 80; Điểm b, Khoản 2, Điều 85 Luật Xây dựng, Khoản 15, Điều 3 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì tuổi thọ công trình do chủ đầu tư quyết định khi xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình. |