(CAO) Chứng kiến cảnh cô trò vùng cao ở bản Tai Giác, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, miền núi tỉnh Thanh Hóa run rẩy trong lớp học tranh tre nứa lá, thông thốc gió lùa khiến cái lạnh đầu mùa đông càng thêm tê tái.
Tai Giác là một trong những bản nghèo, khó khăn của xã Phú Sơn. Vào Tai Giác theo con đường từ tỉnh lộ 15A, băng qua cây cầu treo vắt vẻo qua dòng sông Mã, chạy sâu vào rừng xanh heo hút, bản Tai Giác nằm nguyên sơ bên cạnh sông. Bản có hơn 100 hộ dân thì có tới 73 hộ thuộc diện hộ nghèo, còn lại hầu hết là diện cận nghèo. Tai Giác nằm biệt lập nên đời sống người dân vô cùng khó khăn, kinh tế hầu như dựa hoàn toàn vào quỹ đất nông nghiệp ít ỏi.
Trong điều kiện đó, việc học hành của con em dân bản vẫn được người dân duy trì trong những khó khăn chồng chất. Khu lớp học mầm non của trẻ em trong bản nép mình trên khu đất hẹp, hai phòng học dựng tạm, không tường xây che chắn. Nói là phòng học cho sang nhưng thực chất phòng học như hai chiếc lều tranh. Mái lợp là những chiếc lá kè, lá cọ bện lại với nhau. Cột chống là thân cây gỗ nhỏ, thân cây luồng chôn thẳng đứng. Phòng học không có tường xây bao quanh mà chỉ được che chắn bằng những tấm phên nứa.
Lớp học tranh tre vách nứa tại Tai Giác - Ảnh: Thanh Hoàng
Trong những căn phòng học tạm bợ ở Tai Giác, cô và trò trải chiếu sinh hoạt trên nền đất. Hai phòng học tạm với hơn 30 trẻ ê a đọc, hát. Cái lạnh đầu mùa kèm theo những hạt mưa phùn cứ thổi dồn dập vào căn phòng trong cái lạnh tê tái của cả giáo viên và học sinh. Mỗi khi có cơn gió lạnh ùa tới, lũ trẻ trong căn phòng trống lại dúm người lại, dựa vào nhau tránh rét. Hai phòng học tạm ấy thật mong manh trước những cơn mưa rừng, gió núi.
Cô giáo Phạm Thị Đương cho biết: “Hai phòng học tạm ở Tai Giác được dựng lên từ năm 2013. Dù biết cơ sở vật chất chưa đáp ứng được 100% yêu cầu giảng dạy, chăm sóc trẻ song cả cô và trẻ đều phải cố gắng khắc phục. Trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế địa phương còn nghèo thì chưa thể tránh việc phải dựng phòng học tranh tre để dạy học.”
Cô trò trong lớp học tạm bợ
Dù là lớp học tạm song hai phòng học tạm ở Tai Giác lại đang là hai lớp ghép, đảm nhận việc chăm sóc 38 trẻ mầm non trong bản. Hai phòng học tạm với những giáo viên cắm bản đang đảm nhiệm công tác giáo dục, xóa mù chữ nơi vùng cao huyện Quan Hóa.
Bà con dân bản và giáo viên nơi đây chỉ mong một điều là những lớp học tạm kia sớm được thay thế bằng những phòng học kiên cố, để những đứa trẻ nghèo vùng cao không phải run rẩy trong những cơn gió lạnh mùa đông.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cô trò ở bản Tai Giác vẫn kiên trì bám lớp
Gian phòng học tạm bợ thông thốc gió lạnh lùa vào