Chị Mai Thanh H. (35 tuổi, giáo viên cấp 3 tại tỉnh Tiền Giang) cho biết, chị tnh cờ phát hiện nhân giáp thùy phải cách đây 5 năm. Kích thước bướu ngày càng to dần khoảng 4cm, bướu to gây mất thẩm mỹ, khó nuốt.
Chị H đã đi khám tại nhiều bệnh viện và được chỉ định mổ mở để lấy khối u. Chị rất lo lắng vì với cơ địa sẹo lồi, chị sợ sau điều trị sẽ để lại một vết sẹo lớn ngay cổ gây mất thẩm mỹ.
(CAO) Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 115.000 người đi khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ.
Bên cạnh đó, chị còn tìm hiểu biến chứng sau phẫu thuật có thể gây khàn tiếng, mất tiếng, thay đổi giọng nói ảnh hưởng đến nghề nghiệp giáo viên của mình.
Sau đó, chị đã đến khám và được các bác sĩ Khoa Lồng ngực mạch máu BV Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn và thực hiện can thiệp bằng bằng sóng cao tần không cần phẫu thuật. Chị được gây tê tại chỗ vùng cổ, định vị nhân giáp dưới hướng dẫn của siêu âm.
Trong suốt quá trình can thiệp, chị hoàn toàn tỉnh táo và nói chuyện với bác sĩ, không cảm giác đau. Kết thúc điều trị, chị được nằm nghỉ tại phòng hồi tỉnh và xuất viện sau 1 giờ, không cần sử dụng kháng sinh hay giảm đau khi về nhà. Sau hơn 1 tháng điều trị, chị đến siêu âm và tái khám lại, khối u đã giảm được 60% so với kích thước ban đầu.
Ứng dụng RFA điều trị bướu giáp nhân cho bệnh nhân
Tương tự là trường hợp chị Đào Thị T. (SN 1968, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM). Chị T. bị bướu giáp đa nhân 2 thùy, đã phẫu thuật cắt trọn thùy phải và bán phần thùy trái 20 năm về trước.
Cách đây 5 năm, người bệnh phát hiện bị bướu giáp tái phát thùy trái (phần mô tuyến giáp chừa lại để không bị suy giáp sau mổ). Gần đây bướu lớn nhanh khoảng 4cm, kiểm tra chọc sinh thiết (FNA) cho kết quả lành tính.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh ca phẫu thuật trước đây làm chị rất sợ hãi nên chần chừ điều trị. Bên cạnh đó, theo bác sĩ tư vấn nếu tiếp tục phẫu thuật chị sẽ gặp rất nhiều nguy cơ như vết mổ cũ viêm xơ dính dễ tổn thương thần kinh, khàn giọng, tổn thương các cấu trúc mạch máu, suy giáp do cắt bướu và phần mô giáp lành, suy cận giáp...
Mới đây, được bác sĩ BV Đại học Y dược TP.HCM tư vấn điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần không cần phẫu thuật, chị đã quyết định điều trị bệnh dứt điểm. Sau 2 lần điều trị, khối u của Chị đã giảm 80%.
Trong suốt quá trình can thiệp, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và nói chuyện với bác sĩ, không cảm giác đau
Theo ThS BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu BV Đại học Y Dược TP.HCM, tùy theo kích thước khối bướu mà bác sĩ sẽ chỉ định số lần điều trị khác nhau.
Đối với khối bướu có đường kính dưới 3cm, việc điều trị thường có hiệu quả sau một lần duy nhất. Với khối bướu kích thước trên 3cm, thường điều trị 2 – 3 lần để đốt hết hoàn toàn. Sau khi thực hiện kỹ thuật, kích thước khối bướu sẽ giảm dần, khoảng 50 – 70% trong tháng đầu tiên.
Từ 3 đến 6 tháng, khối bướu sẽ giảm 70 – 90% so với kích thước ban đầu và tạo thành mô sẹo, liệu trình điều trị hoàn tất. BV Đại học Y Dược TP.HCM là bệnh viện tiên phong ứng dụng sóng cao tần trong điều trị bướu giáp nhân và đạt được kết quả điều trị tốt.
Tính đến ngày 17-11-2016, Khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã ứng dụng thành công phương pháp điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần (RFA) cho hơn 50 người bệnh.
Kỹ thuật điều trị tiên tiến RFA mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng người bệnh có bướu giáp lành tính nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả, ngại phẫu thuật, hoặc đã điều trị (nội khoa, phẫu thuật) nhưng bị tái phát.
Bướu giáp nhân (bướu cổ) là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người mắc bệnh bướu giáp nhân ở miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong cộng đồng, có nơi lên tới 80%. Ở đồng bằng phía Bắc khoảng 6 - 10% người mắc bệnh bướu giáp nhân. Ở đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ người mắc bệnh bướu giáp nhân là 20 - 30%.
Trung bình hằng năm có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Chính vì vậy, bệnh bướu giáp được xác định là một trong số 8 bệnh xã hội và có chương trình phòng, chống cấp quốc gia.
Bướu giáp nhỏ có thể không gây ra vấn đề về thể chất hoặc thẩm mỹ. Nhưng bướu giáp lớn có thể làm cho khó thở hoặc nuốt và có thể gây ho, khàn tiếng.
Ngoài ra, bướu giáp có thể gây ra nhiều rối loạn như mệt mỏi và tăng cân (do suy giáp) hoặc giảm cân ngoài ý muốn, dễ cáu gắt, khó ngủ, tim đập nhanh, suy tim,...(do cường giáp).
Bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, đa số không gây triệu chứng gì, được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó nhân lành tính chiếm đa số. Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ dẫn ung thư giáp, thường gặp ở độ tuổi trẻ hơn 20 tuổi hoặc lớn hơn 45 tuổi. Ung thư giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm bằng cách phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo hạch; tuỳ giai đoạn có thể bổ sung điều trị I-131 sau phẫu thuật.