Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Cử tri TPHCM đề nghị xử lý TS Đặng Anh Quân

Thứ Hai, 09/05/2022 17:02

|

(CATP) Một số luật sư, trong đó có TS luật Đặng Anh Quân đã tham gia hỗ trợ, livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng chửi bới, vu khống nhiều cá nhân, kể cả một số lãnh đạo, cử tri TPHCM bức xúc, đề nghị Đoàn luật sư và Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có ý kiến, xem xét xử lý nghiêm minh.

Tuân thủ pháp luật khi tham gia mạng xã hội

Sáng 7-5, tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 2 - TPHCM gồm các đại biểu: Đỗ Đức Hiển - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an TPHCM, Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1, đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, Bình Thạnh. Tại đây, nhiều ý kiến cử tri bày tỏ bức xúc trước nạn tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, ủng hộ việc truy tố, đưa ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, khiến người dân rất hài lòng.

TS Đặng Anh Quân vi phạm đạo đức nhà giáo

Tại Khoản 1 Điều 4 của "Quy định về đạo đức nhà giáo" do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6-4-2008 về "Đạo đức nghề nghiệp" quy định: "Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. Tại Khoản 4 Điều 6 của "Quy định về đạo đức nhà giáo" về "Giữ gìn truyền thống đạo đức nhà giáo" quy định: "Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác".

Đối chiếu với quy định ở trên, ông Đặng Anh Quân rõ ràng đã vi phạm "Quy định về đạo đức nhà giáo". Lãnh đạo Trường Đại học luật TPHCM không cần kết quả xử lý của pháp luật, có thể đình chỉ ngay công tác giảng dạy của ông Đặng Anh Quân, để làm trong sáng môi trường giáo dục của chính trường mình và của môi trường giáo dục nói chung.

Đặc biệt cử tri Ngô Thanh Loan (phường 27, quận Bình Thạnh) nêu ý kiến liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng (nguyên CEO Đại Nam), khi cho rằng bà Hằng đã lợi dụng mạng xã hội để livestream, đăng các thông tin xấu, lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ nhiều cá nhân, chửi bới, xúc phạm đến một số lãnh đạo. Cho đến nay, dù bà Hằng đã bị Công an TPHCM bắt tạm giam, nhưng những "fan cuồng" của bà Hằng vẫn hằng ngày lên tiếng bênh vực bị can này.

Theo cử tri Ngô Thanh Loan: "Một số luật sư tham gia hỗ trợ, livestream cùng bà Hằng chửi bới, vu khống nhiều cá nhân. Đáng tiếc trong đó có một tiến sĩ luật (TS luật sư Đặng Anh Quân), một người với trình độ nhận thức pháp luật như thế nhưng không ngăn chặn những việc làm vô thiên, vô pháp của bà Hằng. Tôi đề nghị Đoàn luật sư và Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có ý kiến, xem xét xử lý nghiêm minh ông TS luật đã hỗ trợ cho bà Hằng".

Trả lời về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TPHCM khẳng định, các cá nhân không thể sử dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm quyền riêng tư, quyền nhân thân của người khác và của Nhà nước. Ý thức, thái độ, kỹ năng sử dụng mạng xã hội của nhiều cá nhân còn hạn chế vì nhiều người lầm tưởng lên mạng muốn nói gì, làm gì thì làm. Khi tham gia mạng xã hội thì phải tuân thủ pháp luật, thái độ đúng mực trong cư xử. "Không chỉ khuyến cáo, yêu cầu gỡ bài và xử lý vi phạm hành chính, vừa qua Công an TPHCM cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử lý 6 vụ với 8 bị can vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Từ việc này, mong rằng đồng bào cử tri nhận thức rằng không thể lợi dụng quyền tự do cá nhân để vi phạm pháp luật" - đại biểu Nguyễn Sỹ Quang trao đổi.

TS luật Đặng Anh Quân (trái) tung hứng trong buổi livestream

TS luật Đặng Anh Quân là giảng viên của Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP HCM. Ông tham gia công tác giảng dạy tại trường này từ năm 2001, phụ trách giảng dạy các môn Luật Đất đai và Pháp luật Kinh doanh bất động sản. Ông Quân còn là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học, học viện khu vực phía Nam. Một TS luật như ông Đặng Anh Quân, chắc chắn rất hiểu biết về luật pháp, ấy vậy mà TS này thường xuyên là khách mời đặc biệt xuất hiện trong những buổi trò chuyện của bà Nguyễn Phương Hằng và thường đưa ra các quan điểm về các vụ việc trên góc độ pháp lý - tức một dạng "quân sư” về luật pháp trợ giúp đắc lực cho bà Hằng lợi dụng các quyền tự do dân chủ bôi nhọ, nói xấu người khác, kể cả một số lãnh đạo.

TS Quân trong vai trò "cố vấn" cho bị can Hằng đã có nhiều phát biểu khi cùng livestream với bà Hằng một cách thiếu đạo đức, chuẩn mực lẫn coi thường pháp luật, có thể vi phạm pháp luật. Ngày 28-3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã thụ lý điều tra đơn của bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (tức ca sĩ Vy Oanh, SN 1985, ngụ quận 12) tố cáo TS luật Đặng Anh Quân, cùng luật sư Nguyễn Đình Kim - là những khách mời thường xuyên trong các buổi livestream của bà Phương Hằng, đã nói xấu, xúc phạm danh dự của ca sỹ này. Ca sỹ Vy Oanh cho rằng những vị khách mời này đã tung hứng những lời bình phẩm hạ nhục người khác của bà Hằng, moi móc, chế giễu đối với Vy Oanh.

Là một TS luật, chẳng lẽ không nhận biết được những lời lẽ chửi bới thô tục, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác mà còn "tung hứng" những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng? Tất nhiên "thớt có tanh tao ruồi mới đậu", TS luật Đặng Anh Quân, luật sư Nguyễn Đình Kim chẳng bao giờ làm "quân sư” miễn phí”, bất chấp pháp luật, danh dự và uy tín (nếu có) của mình.

Trơ trẽn "đấu" với cả sinh viên

Từ tháng 11-2021, nhiều người đã đồng gửi đơn tố cáo ông Đặng Anh Quân "sát cánh" cùng bà Phương Hằng thực hiện nhiều buổi livestream phản cảm đến ban giám hiệu Trường Đại học Luật TPHCM và đặt vấn đề một giảng viên, một TS luật như ông Đặng Anh Quân có còn đủ tư cách để đứng trên bục giảng?

PGS.TS Trần Hoàng Hải - quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM xác nhận trường có nhận được đơn tố cáo TS Đặng Anh Quân. Tuy nhiên, Phòng Thanh tra nhà trường đã xem xét, căn cứ các quy định của pháp luật, nhận thấy rằng nhà trường không có thẩm quyền xử lý vụ này và đề nghị những người gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Bị can Nguyễn Phương Hằng "xả rác" độc hại trên mạng xã hội

Cách ứng xử của lãnh đạo Trường Đại học Luật TP HCM như vậy là rất khó hiểu. Có thể việc xử lý những vi phạm pháp luật của TS Quân là không thuộc quyền của nhà trường, nhưng việc cho phép hay không cho phép ông Quân tiếp tục đứng trên bục giảng là quyền của nhà trường. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một TS luật có những hành vi vi phạm đạo đức, có thể vi phạm pháp luật mà vẫn đứng trên bục giảng dạy về luật cho sinh viên?

Ngay cả những sinh viên, cựu sinh viên của Trường ĐH Luật TPHCM cũng có đơn kiến nghị tới lãnh đạo nhà trường xử lý TS Quân nhưng nhà trường vẫn làm ngơ. TS Quân cũng tiết lộ bản thân từng bị các sinh viên của trường "tấn công" nhiều lần, vì họ cảm thấy những hành vi của ông Quân làm xấu đi hình ảnh của ngôi trường mình đang học.

Chẳng những không tiếp thu ý kiến xây dựng, TS Quân còn trơ trẽn "đấu" cả với sinh viên tố cáo mình, cho rằng mình là người dám đấu tranh bảo vệ xã hội: "Tôi cũng xin nói thẳng, những cựu sinh viên "núp lùm" nói xấu tôi thì xin mời cứ việc nói xấu. Nên nhớ, trường Đại học Luật TPHCM có phương châm là "Sáng tri thức, vững công minh". Các anh chị không dám đấu tranh bảo vệ xã hội, không dám đấu tranh vì người nghèo thì im lặng đi, để tôi làm những chuyện đó”.

Ông Quân còn thách thức những người tố cáo mình: "Tôi đang bình thản chờ đợi đợt sóng tố cáo tiếp theo. Ai tố cáo đừng hèn mọn, hãy ghi họ tên, địa chỉ và số điện thoại. Những tố cáo đó không đúng, tôi sẽ liên hệ trường và cơ quan công an địa phương để phản ánh lại vấn đề vu khống. Nếu muốn tôi im lặng thì để tôi tiếp tục bảo vệ xã hội. Nếu muốn thì tôi sẽ công khai". Đi hùa theo người vi phạm pháp luật để nói xấu, nhục mạ người khác mà còn lên tiếng dạy đời, coi hành vi vi phạm pháp luật như vậy là "đấu tranh bảo vệ xã hội, đấu tranh vì người nghèo", những hành vi đó cho thấy TS Quân không thể tiếp tục đứng trên bục giảng nữa.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Hải - quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM lại cho rằng, nhà trường đã gặp, đã trao đổi với thầy, trao đổi ở đây mang tính chất nhắc nhở, bởi xét về góc độ pháp lý, xem xét tất cả từ những người làm luật, chưa đủ cơ sở để kết luận thầy Quân vi phạm đạo đức của một thầy giáo. Ông Hải cho rằng, đạo đức của nghề giáo thường được hiểu là phải được sử dụng trong môi trường giáo dục, môi trường sư phạm, còn ông Quân phát biểu là trên môi trường Facebook (môi trường ảo).

Ở đây ông Hải đã hiểu sai vấn đề, không hiểu "môi trường ảo". Đâu phải ở "môi trường ảo" thì muốn làm gì cũng được. Ông Hải nên đọc kỹ phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Quang: "Nhiều người lầm tưởng lên mạng muốn nói gì nói, muốn làm gì làm. Khi tham gia mạng xã hội thì phải tuân thủ pháp luật, thái độ đúng mực trong cư xử".

Như vậy Trường Đại học Luật TPHCM đã có đủ yếu tố để đình chỉ công tác giảng dạy của TS Đặng Anh Quân chưa? Hay PGS-TS Trần Hoàng Hải - quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM vẫn chưa hiểu cách ứng xử trên mạng xã hội, nên vẫn coi những hành vi trên mạng xã hội của TS Quân là hợp chuẩn?

Bình luận (0)

Lên đầu trang