Cô giáo đam mê nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Thứ Bảy, 20/10/2018 20:31

|

(CAO) Nhờ chuyển đổi cây trồng truyền thống kém chất lượng trong đó có dưa baby và cà chua đen, khoảng 3 năm lại đây cô giáo Phương và nhóm bạn làm vườn chung đã chuyển sang phương pháp trồng cà chua trái cây hữu cơ giống Nhật theo công nghệ Nhật Bản đem lại hiệu quả thu nhập cao hơn trước gấp 10 lần.

Cô giáo Lê Thị Lệ Phương (SN 1979) ở Phan Đình Phùng, P.2, TP. Đà Lạt, nguyên là học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, tốt nghiệp khoa Sinh Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 2000, sau đó trở thành giáo viên (GV) dạy môn Sinh tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt từ năm 2000 cho đến nay.

Là người có nhiều đam mê khám phá trong công việc ở trường cũng như công việc làm thêm ngoài giờ ở nhà, cô Phương đã đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho bản thân và gia đình.

Năm 2015, trong một lần tham quan ở 1 tổ hợp tác ở huyện Lạc Dương, cô gặp một tiến sĩ người Nhật tên Yamamoto Yoshikazu, chia sẻ với cô về quy trình trồng các loại cây ăn trái theo công nghệ hữu cơ hiện đại của Nhật Bản.

Từ đó, với những phương pháp đã có, cô tìm tòi, thử nghiệm và quyết định chuyển đổi cách trồng cà chua đen truyền thống sang trồng cà chua hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại 3 khu vườn với diện tích gần 9 ngàn m2 ở gần nhà đường Ba Tháng Tư, P.3; đường Trần Thái Tông, P.10 của TP. Đà Lạt và thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng, Lâm Đồng.

Cô Phương trong khu vườn cà chua trái cây hữu cơ công nghệ Nhật Bản của mình

Cô Phương cho biết, để trồng được cây cà chua theo công nghệ Nhật Bản phải tuân thủ quy trình như sau: “Nguồn gốc dinh dưỡng cung cấp cho cây được lấy từ hỗn hợp: trứng gà, sữa tươi, mật mía, ủ lên men vi sinh trong 30 ngày, sau đó pha loãng theo tỷ lệ nhất định vào bể chứa, bổ sung can-xi và magie, rồi tưới bằng hệ thống nhỏ giọt đều đặn cho cây cà chua”.

Cách trồng: ươm giống, ngâm hạt giống trong nước ấm từ 45-50 độ C trong 12 giờ, gieo hạt giống vào khay xốp, sau 8-10 ngày có thể trồng vào bầu đất. Sau đó chuẩn bị giá thể gồm hỗn hợp đất đen, sơ dừa, bã mía, cám gạo, cho vào bầu đất, hấp giá thể trong lò hấp để tiêu diệt mầm bệnh.

Trồng cây vào bầu đất, 2 cây 1 chậu, mật độ 2.500/1.000m2, lượng dung dịch bón cho cây con là 400ml/ngày, cây trưởng thành 2000ml/ ngày, tưới bằng hệ thống nhỏ giọt đến từng bầu đất cho cây cà chua. Thời gian thu hoạch: sau 2 tháng cây bắt đầu cho trái bói, sau 3 tháng thu hoạch rộ, thời gian thu hoạch kéo dài trong 4 tháng. Năng suất trung bình 6-7 kg/ cây.

Cô giáo Phương (ngoài cùng bên trái), được tài trợ 100 triệu đồng trong cuộc thi “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương 2018”

Khi thực hiện phương pháp trồng cà chua trái cây hữu cơ (CHTCHC) công nghệ Nhật Bản theo phương thức canh tác bền vững, nhà vườn có nhiều ưu điểm, tạo ra sản phẩn chất lượng cao, nâng cao giá thành sản phẩm; hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đất trồng, bảo vệ môi trường canh tác tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững; nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản; không sử dụng phân bón hóa học; phòng trừ sâu bệnh bằng cách “thắng” thiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; mùi vị thơm, ngọt.

Về giá cả hiện nay, cà chua bi truyền thống được bán trên thị trường từ 10-20.000/kg, cà chua trái cây hữu cơ công nghệ Nhật Bản giá từ: 100-120.000/kg. Một sào cà chua trái cây hữu cơ, trừ hết chi phí, nhóm cô Phương có lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng. Mỗi năm làm 2 vụ (nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi).

Như vậy, bình quân mỗi năm nhóm cô Phương có được lợi nhuận từ việc trồng cà chua trái cây giống Nhật theo công nghệ sinh học Nhật Bản tăng gấp 10 lần so với cà chua truyền thống giống Việt Nam bình thường. Đây được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt hiệu quả rất cao tại Lâm Đồng.

Cô giáo Lệ Phương trong một giờ lên lớp dạy học tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt

Ngày 12 đến 15-10 vừa qua, diễn đàn kết nối phụ nữ khởi nghiệp với các nhà đầu tư diễn ra tại Hà Nội. Lâm Đồng có 3/20 tác giả của 15 tỉnh, thành phố có đề án xuất sắc được lựa chọn vào vòng chung kết đã trình bày ý tưởng kế hoạch kinh doanh của mình trước các nhà tư vấn, các nhà đầu tư.

Tại diễn đàn này, Lâm Đồng có 1/5 đề án được các nhà đầu tư đánh giá cao và hỗ trợ 100 triệu đồng, trong đó có đề án “Sản xuất, chế biến cà chua, trái cây theo công nghệ Nhật Bản” của cô Lê Thị Lệ Phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang