(CAO) Em Ngô Văn Dết (22 tuổi, sinh viên học khoa kỹ thuật công nghệ, trường ĐH Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi) đã chế tạo thành công cánh tay robot cho người khuyết tật.
Em Văn Dết cho biết, để thực hiện được mô hình cánh tay robot này, em đã mất 8 tháng, mày mò học hỏi của các thầy cô giáo, bạn bè và nhiều lần thử nghiệm. Trong đó, không ít lần thất bại nhưng em không nản chí.
Đồng thời, với mong muốn giúp đỡ những người bị khuyết tật hoạt động việc thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhờ vậy, em đã vượt qua được những khó khăn và chế tạo thành công cánh tay robot với giá thành rẻ hơn so với thị trường.
Theo em Dết, nguyên lý hoạt động bàn tay robot. Ban đầu cấp nguồn cho arduino, servo và cảm biến, khi tác dụng áp lực lên cảm biến, giá trị điện trở của cảm biến sẽ thay đổi từ thấp đến cao tùy vào lực tác dụng vào cảm biến, tín hiệu đó được truyền đến arduino xử lý, tùy vào lực nhận được mà servo quay 1 góc nào đó kéo dây tại các ngón tay nắm lại, tùy vào độ to nhỏ của vật mà tác dụng lực nhất định vào cảm biến đủ để các ngón tay có thể nắm chắc được vật.
Khi không có áp lực tác dụng lên cảm biến servo quay ngược lại vị trí ban đầu và các ngón tay sẽ mở ra. Nhờ đó, người sử dụng có thể thực hiện được các động tác cử động theo ý muốn.
Em Ngô Văn Dết bên sản phẩm cánh tay robot cho người khuyết tật
Em Dết đang hướng dẫn cho chú Trọng sử dụng cánh tay robot
Chú Trọng sử dụng cánh tay robot của em Dết để chăm sóc cây
Em Dết nói: “Sau khi rút ra được nhiều kinh nghiệm bàn tay đầu tiên, em đã loại bỏ những chi tiết dư thừa và rút gọn được quy trình kỹ thuật thì chi phí chỉ còn 3 triệu đồng. Em dự tính, sản phẩm này đến tay người dùng thì giá thành ở khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với những sản phẩm hỗ trợ ở trên thị trường.
Ông Lê Quang Trọng (72 tuổi, trú thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) nói: “Tôi là người đầu tiên thử cánh tay robot của cháu Dết, trước đây tôi đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua bàn tay giả, tuy nhiên hoạt động vẫn không được thuận tiện lắm, nhưng khi sử dụng sản phẩm của cháu, tôi thấy chất lượng cũng tương đối ổn định. Tôi hi vọng sản phẩm của cháu sẽ sớm phát triển, giúp đỡ cho những người như chúng tôi được thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày”.
Thầy Phạm Trường Tùng, Giảng viên Đại học Phạm Văn Đồng, người trực tiếp hướng dẫn cũng như động viên giúp đỡ cho cậu sinh viên để hoàn thành đề tài này cho biết, mặc dù đây không phải sản phẩm mới nhưng vẫn có hướng phát triển và hoàn thiện hơn trong tương lai.
Thầy Tùng đánh giá rất cao ý tưởng và như tính nhân văn mà sản phẩm của Dết mang lại, để được phục vụ cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.