Thêm hai chiến đấu cơ Trung Quốc chế tạo rơi ở Myanmar

Thứ Tư, 17/10/2018 00:11  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 16-10, New York Times đưa tin 2 chiến đấu cơ do Trung Quốc chế tạo, được không quân Myanmar vận hành đã rơi vào sáng cùng ngày khiến 2 phi công và một bé gái đứng dưới đất thiệt mạng.

Vụ tai nạn làm dấy lên quan ngại về các sự cố xảy ra khi diễn tập của một trong những lực lượng quân đội lớn nhất Châu Á.

Giới chức nước này cho biết 2 chiếc máy bay rơi là những chiếc F-7 có thiết kế ghế đơn cho mỗi chiếc đã rơi trên một cánh đồng gần khu vực Magway, miền trung Myanmar. Cả 2 chiếc vỡ thành nhiều mảnh khi chạm mặt đất vào lúc 7h30 sáng (giờ địa phương).

Một cô bé 11 tuổi tên Thwal Zin Nyein cũng thiệt mạng ngay sau đó khi mảnh vỡ từ 1 trong 2 chiếc máy bay văng trúng lúc em đang học bên ngoài trời ở một trường học tư nhân.

Thi thể hai phi công thiệt mạng tên Phyo Maung Maung và Hein Thu Aung được tìm thấy bên các mảnh vỡ máy bay.

Hồi tháng 4, một chiếc F-7 khác cũng đã rơi khi bay huấn luyện với nguyên nhân được xác định là “lỗi kỹ thuật”.

Mảnh vỡ chiếc F-7 trên cánh đồng ở thành phố Saklu, Myanmar ngày 16-10 - Ảnh: EPA

Còn năm ngoái, 122 binh sĩ cùng người thân của họ và phi hành đoàn ở Myanmar đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay vận tải quân sự Y-8 do Trung Quốc chế tạo bay vào vùng mây bão rồi rơi xuống biển Andaman.

New York Times dẫn lời U Ye Myo Hein – Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị Tagaung ở Yangon nhận định: “Chúng ta có thể thấy thường các vụ rơi máy bay có liên quan đến một số vấn đề xảy ra với máy bay Trung Quốc. Một số chiến đấu cơ Trung Quốc chế tạo đang được vận hành ở Myanmar không thể hoạt động tốt do chúng đã quá hạn sử dụng và một số cần phải sửa chữa phần lớn kết cấu”.

Trong vụ rơi mới nhất, 2 chiếc F-7 đã va vào tháp phát tín hiệu không lưu. Hiện Myanmar mua khoảng 60 chiếc F-7 từ Trung Quốc vào đầu thập niên 90. Loại máy bay này được xem là bản sao của chiếc MiG-21 thời Liên Xô, được chế tạo để xuất khẩu sang các nước như Pakistan, Iran, Sudan và Triều Tiên.

Quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” từ năm 2000 đến nay giữa Myanmar và Trung Quốc buộc chính quyền Myanmar cố gắng đa dạng nguồn cung vũ khí bằng cách mua vũ khí từ Nga.

Bình luận (0)

Lên đầu trang