Đà Lạt: Xử lý thế nào với công trình cầu đáy kính không phép?

Thứ Hai, 03/02/2020 07:55

|

(CATP) Trước Tết Canh Tý, nhiều báo, đài phản ánh về việc Công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (Công ty Thành Thành Công) thi công hạng mục "cầu đáy kính” tại Khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình yêu - Đà Lạt khi chưa được cấp phép.

Để xây cầu, doanh nghiệp này còn có hành vi san ủi, chặt hạ 5 cây thông hàng chục năm tuổi và đã tiêu huỷ sạch, gọn khi bi phát hiện. Dư luận xã hội, những người yêu thiên nhiên Đà Lạt một phen "dậy sóng".

Bất ngờ công trình cầu không phép

Công trình cầu đáy kính dài 220m, rộng 2m bất ngờ "mọc" lên giữa KDL kép Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng mơ (đường Mai Anh Đào, phường 8, TP. Đà Lạt) lẫn trong đồi thông, khiến nhiều cây thông phải "ra đi".

Đáng nói, qua làm việc với cơ quan chức năng địa phương, dư luận, báo chí càng bất ngờ hơn khi công trình này được chủ đầu tư tự ý xây dựng khi chưa được cấp phép.

Cầu đáy kính không phép "mọc" giữa khu du lịch danh thắng Quốc gia Thung lũng Tình yêu

Khi bị phát hiện, toàn bộ công trình cầu đáy kính 7D này, với các mố neo cao 10m; hai trụ đỡ cao 20 và 28m, nhà chờ rộng 8m, dài 20m, cao 4m... đã gần hoàn tất các công đoạn và phần cầu chỉ còn chờ lắp kính!

Chủ đầu tư công trình là Công ty CP du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (trụ sở chính tại số 5-7 đường Mai Anh Đào, phường 8, TP Đà Lạt) và Công ty CP 26/3 Hoà Bình là đối tác đầu tư.

Công ty CP Thành Thành Công do ông Trần Mến làm Giám đốc, đại diện pháp luật. Ông Mến từng làm Giám đốc tại KDL Đồi Mộng mơ, sau sát nhập với KDL Thung lũng Tình yêu liền kề. Doanh nghiệp này là thành viên Công ty TTC World - kinh doanh đa ngành nghề.

Chủ tịch UBND phường 8 - nơi xuất hiện cây cầu này, cho biết, họ che kín bạt trong KDL, làm lúc nào không ai biết. Ngay khi bị phát hiện, lãnh đạo chính quyền địa phương đã chỉ đạo buộc dừng thi công.

Liên quan đến công trình không phép trên, ngày 9-1-2020, cơ quan chức năng TP. Đà Lạt còn phát hiện chủ đầu tư đã có hành vi phá rừng trái phép, tự ý cho chặt hạ 6 cây thông ba lá có đường kính từ 20 đến 35cm, cao 10m, trên diện tích 270m2 rừng phòng hộ. Toàn bộ số thông mà chủ đầu tư cho đốn hạ đã bị tiêu hủy khi các ngành chức năng tiến hành kiểm tra.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sử dụng 27 lao động "chui" người Trung Quốc, do chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, Phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Lâm Đồng cho biết, tháng 10-2019, Công ty Thành Thành Công xin phép cho một số lao động người Trung Quốc đến làm việc tại công trình trên. Sở có hướng dẫn cho doanh nghiệp những thủ tục cần thiết để được cấp phép, tuy nhiên sau đó không thấy công ty này nộp hồ sơ.

Phía đại diện công ty cho rằng, “không có việc sử dụng trái phép, lao động có đăng kí đầy đủ và họ lưu trú bên ngoài”. Việc này, Công an phường 8 cho biết, số người Trung Quốc có đến đăng ký tạm trú trên địa bàn. Tuy nhiên, về quy định, việc sử dụng lao động, nhất là với người nước ngoài phải được sự cấp phép của sở, ngành chức năng; ở đây là Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng.

Việc Công ty Thành Thành Công bỏ qua, không chấp hành hướng dẫn, quy định của Sở LĐ-TB&XH về sử dụng lao động; lén lút xây cầu đáy kính quy mô, tại KDL nổi tiếng, được công nhận là KDL danh thắng Quốc gia là coi thường kỷ cương pháp luật, xâm hại danh thắng, coi nhẹ vai trò quản lý của nhà nước tại địa phương.

Phần mố cầu đang hoàn thiện. Phía bên ngoài trưng đầy biển quảng bá về cây cầu đáy kính

Có hay không việc nộp phạt để cho tồn tại?

Ngày 15-1-2020, UBND TP. Đà Lạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty CP du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng do thi công cây cầu kính không có giấy phép kể trên, vì vi phạm quy định trong hoạt động xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Theo quyết định xử phạt, Công ty CP Thành Thành Công Lâm Đồng phải ngừng thi công công trình và lập thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định. Trường hợp cơ quan chức năng từ chối cấp giấp phép xây dựng, doanh nghiệp phải tháo dỡ công trình. Nếu được cấp phép, chỉ được giữ lại phần công trình phù hợp thiết kế được duyệt.

Thời điểm này, một lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã có công văn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động xây dựng liên quan đến công trình cầu đáy kính này.

Ngày 20-1, Văn phòng Sở Xây dựng khẳng định: Chưa cấp phép xây dựng cho dự án của Công ty TTC World. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án này mới có chủ trương, chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục và khẳng định, chủ đầu tư đang xây dựng trái phép.

Tại Thông báo số 87/TB-UBND ngày 12-4-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, sau khi có buổi làm việc, nghe báo cáo của chủ đầu tư về phương án đầu tư, xây dựng cầu đáy kính tại KDL Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng mơ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, vị Chủ tịch tỉnh hoan nghênh, chào đón nhà đầu tư với ý tưởng xây dựng một công trình độc đáo, hấp dẫn, hứa hẹn sẽ là điểm đến yêu thích của nhiều người, thu hút du khách đến Đà Lạt.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu các quy định hiện hành, xây dựng báo cáo khả thi và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đảm bảo điều kiện triển khai đầu tư, xây dựng công trình theo đúng quy định; chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát chủ trương đầu tư và quy hoạch của dự án KDL Thung lũng Tình yêu và KDL Đồi Mộng mơ, định vị cụ thể vị trí của công trình để hướng dẫn nhà đầu tư bổ sụng hạng mục “cầu đáy kính” vào dự án và quy hoạch, tạo điều kiện cho nhà đầu tư...

Đây mới chỉ là chủ trương của lãnh đạo địa phương, phía nhà đầu tư cần hoàn tất các thủ tục hợp pháp khi xây dựng một công trình trên không, yêu cầu đảm bảo độ an toàn cao, vậy nhưng, doanh nghiệp dựa vào thế lực nào lại qua mặt địa phương, dư luận, "cầm đèn chạy trước ô tô"?

Những cây thông hàng chục năm tuổi chết khô trong Khu du lịch Thung lũng Tình yêu gần cầu kính không phép

Công trình này thi công nhiều tháng mới thành hình. Phía Công ty CP Thành Thành Công đã cho quây tôn, che kín khu vực có hạng mục thi công “cầu đáy kính” và treo biển quảng cáo về dự án này. Từ khi bị phát hiện xây lụi, không có giấy phép, họ đã ngưng hoạt động hoàn thiện các hạng mục đang làm dở dang.

Nhiều người hồ nghi, với mức phạt 40 triệu đồng liệu đã đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi coi thường, bất chấp pháp luật, xâm phạm cảnh quan danh thắng của Công ty Thành Thành Công? Nếu không xử phạt nghiêm minh, buộc tháo dỡ công trình phức tạp tự ý xây dựng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kiểu này sẽ tạo tiền lệ xấu, hình thành tư duy nhờn luật, coi thường pháp luật.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2018, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản đã có đổi mới. Đó là không còn quy định “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang