(CAO) Tình trạng cá chết, dạt vào bờ diễn ra gần 10 ngày nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống ngư dân. Sau khi có kết luận ban đầu do nước biển ô nhiễm, người dân không ăn cá khiến thị trường thuỷ hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chợ cá đìu hiu, cảng cá vắng người. Ngư dân không dám ra biển đánh bắt cá vì sợ không ai mua. Khách du lịch vắng vẻ, trên các bãi biển đầy rẫy những hố chôn xác cá, ruồi nhặng, mùi tanh thối.
Đây là một thực trạng đáng buồn diễn ra ở các xã ven biển Quảng Trị kéo dài từ Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) đến tận vùng Hải Khê (huyện Hải Lăng) khi nguồn nước biển nhiễm độc hàng loạt chết trôi vào bờ.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền, không ra khơi đánh bắt
Sáng 23-4, chúng tôi có mặt tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), một trong những nơi có số lượng cá chết dạt vào bờ nhiều trong số các xã ven biển. Không khí buồn tẻ bao trùm khắp các làng chài nơi đây. Người dân không ai dám ăn cá, tiểu thương không mua nên ngư dân đành đưa tàu thuyền vào bãi neo không ra khơi nhiều ngày liền.
Ông Mai Văn Dàn, ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng cho biết: “Những ngày này chúng tôi không ra khơi vì người dân nghe thông tin cá nhiễm độc nên không ai dám ăn, đánh bắt về cũng lại vứt đó vì không ai mua, có khi đành phải làm mắm, ủ đông lạnh. Được biết, số cá nhiễm độc nằm ở ngư trường gần bờ nên chúng tôi đánh bắt xa bờ để tránh nhưng cũng không ai dám ăn cả”. Theo ông Dàn, đa số cá ở vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị nhiễm độc chết rồi dạt vào đây, những ngày đầu phát hiện cá nhiễm độc, quan sát kỹ thấy màu nước biển có một lớp váng màu xanh như rêu tảo.
Tiểu thương buôn bán ở các chợ cá ê ẩm, điêu đứng
Theo nhiều ngư dân đi biển cho hay, lượng cá nhiễm độc chỉ nằm ở ngư trường gần bờ, các loại cá ở đáy vùng rạn như: cá hồng, mú, cá hanh, cá chình, cá đuối và mực nang, cá thiều.. nằm ở độ sâu 15- 20m, cách bờ 10- 20 hải lí. Còn ở các ngư trường xa bờ hầu như không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm độc.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, sau gần một tuần, số lượng cá bị chết trôi dạt vào bờ biển được người dân thu gom lại lên tới khoảng 30 tấn.
Khi thông tin cá biển chết trôi dạt vào bờ Quảng Trị và từ Hà Tĩnh đến Huế được phát đi, không chỉ ngư dân buồn lo mà cả những tiểu thương buôn cá cũng méo mặt vì ế ẩm.
Nhiều loại cá trọng lượng lớn, giá trị cao bị chết dạt vào bờ
Chúng tôi có mặt tại chợ cá Cửa Tùng, một khu chợ hải sản tươi ngon lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Nhịp độ mua bán ở đây trầm xuống hẳn so với ngày thường. Thông tin cá chết đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng nên khi chưa biết nguyên nhân của hiện tượng này, họ chọn cách... không ăn cá. Buôn bán ế ẩm, ngư dân cũng chán nản không đi biển nữa.
Cá chết dạt vào bờ biển khiến không khí ở đây bốc mùi, hôi thối, ô nhiễm cũng như làm xấu cảnh quan các bãi tắm. Do vậy ngành du lịch biển ở Quảng Trị gần như điêu đứng. Du khách không dám tắm vì ngại nước biển ô nhiễm, không dám ăn hải sản ở các nhà hàng. Những hàng quán vốn thơm lừng các món cháo cá biển, mực biển, ghẹ biển tịnh không bóng người. Dọc bờ khắp nơi đều có hố chôn cá, mực chết.
Ở các xã có hộ nuôi tôm đang vào vụ mới nhưng trước hiện tượng cá biển chết đồng loạt mà chưa rõ nguyên nhân, nhiều chủ hồ ở tỉnh Quảng Trị không dám ấy nước vào hồ để nuôi tôm. Những hộ chưa thả nuôi thì nay vẫn để hồ trống chứ không dám cho nước vào để thả vụ tôm mới. Ông Thân Trọng Dũng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) cho hay: “Nông dân toàn xã đã thả được 152 ha tôm nuôi vụ mới. Khi thấy hiện tượng cá biển chết đồng loạt xảy ra, xã đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân không nên dùng nước sông thay vào hồ để tránh nhiễm bệnh chứ chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn nào”.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân, lấy các mẫu nước, mẫu cá nhiễm độc đưa đi xét nghiệm nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả.
Vụ việc khiến hàng ngàn hộ dân ven biển điêu đứng, đời sống bị đảo lộn, người tiêu dùng hoang mang, ngư dân không ra khơi đánh bắt gần bờ, tiểu thương buôn bán ế ẩm.