Hiện tượng cá chết ven biển Bắc Trung bộ: Vẫn chưa tìm được nguyên nhân

Thứ Bảy, 23/04/2016 19:13  | Văn Tình

|

(CAO) Trước sự việc cá chết hàng loạt ven biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, chiều 24-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp với lãnh đạo 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Người dân mất trắng vì tôm, cá chết bất thường

Những ngày qua, người dân dọc ven biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế rất hoang mang khi tình trạng cá trong môi trường tự nhiên trên biển chết hoàng loạt, trôi dạt vào bờ. Đáng chú ý, nhiều con cá to từ 10 ký trở lên cũng bị chết một cách bất thường.

Sự việc bắt đầu từ ngày 7-4-2016, người dân vùng biển các xã Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên biển. Sau đó, hiện tượng này lan ra vào đến Thừa Thiên Huế. Cơ quan chức năng các tỉnh vào cuộc tìm hiểu, lấy mẫu đi xét nghiệm nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân.

Không chỉ cá tự nhiên bị chết, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng cũng trắng tay với hiện tượng này. Anh Nguyễn Thế Bảo (trú xóm Tây Hà, xã Kỳ Hà) cho biết: “Tôi nuôi cá lồng từ nhiều năm nay nhưng lần đầu tiên mới thấy hiện tượng kỳ lạ như vậy”. Theo anh Bảo, khoảng 1 giờ sáng ngày 7-4-2016 thì nước thủy triều bắt đầu lên. Đến 4 giờ sáng cùng ngày thì xuất hiện nước đục khiến 2 tạ cá hồng, cá mú, cá chẽm nuôi trong lồng bổng nhiên chết đồng loạt. Ước tính anh Bảo bị thiệt hại hơn 120 triệu đồng.

Còn chủ hồ tôm Grow Best Nguyễn Mạnh Hùng, than thở: “Trước khi bơm nước biển vào hồ tôm, chúng tôi đã có hệ thống xử lý và có cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, làm các xét nghiệm như đo nồng độ PH, độ kiềm, độ mặn cùng các thông số kỹ thuật khác. Vậy nhưng, từ tối 10-4-2016 đến sáng 11-4-2016, 7 tấn tôm tại 2 ao nuôi tôm của chúng tôi bị chết sạch. Ước tính tổng thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng”.

Chủ bè nổi Lý Hồ, kinh doanh ở khu vực Cảng Sơn Dương cho biết: “Việc ai đó nói nguyên nhân chết do nước thải từ nhà máy nhiệt điện đổ ra là sai, nói không có cơ sở, chúng tôi ở đây chứng kiến nhà máy hoạt động hơn 3 năm nay chưa hề có hiện tượng này nhưng ngày mồng 9 nước ở đây (khu vực lồng bè) có màu vàng như nước chè chứ không trong xanh như bình thường. Lạ một điều là chỉ cá chết chứ tôm, cua, mực lại không bị ảnh hưởng, mà cá chỉ chết theo mạch nước chảy chứ phía ngoài kia lại không hề hấn gì”.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã mời trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh khu vực miền Bắc đến kiểm tra, thu mẫu cá, mẫu thức ăn và mẫu nước trong lồng nuôi, ngoài tự nhiên khu vực xung quanh lồng và các điểm nghi ngờ gây ô nhiễm kiểm tra tìm nguyên nhân. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Ngoài ra, vi khuẩn, vi rút gây hoại tử thần kinh không phải là tác nhân ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt.

Cá chết là do độc tố?

Trước sự việc trên, chiều 24-4, tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế - những địa phương xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ven biển trong thời gian qua.

Chủ trì cuộc họp là ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông.

Tại buổi họp, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục thủy sản) cho biết, hiện tượng cá chết trên biển bắt đầu xuất hiện tại khu vực bãi biển xã Kỳ Lợi rồi đến Kỳ Hà và Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sau đó, tình trạng này lan vào các vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) rồi đến vùng biển xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Đến ngày 19-4, hiện tượng làn vào nhiều vùng biển Quảng Trị rồi Thừa Thiên – Huế. Theo ghi nhận của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các loại cá chết dạt vào bờ đều sống ở tầng đáy ở những khu vực biển gần bờ.

Quang cảnh buổi họp tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ven biển.

Không chỉ cá ngoài môi trường tự nhiên mà hàng loạt lồng cá nuôi của người dân ở khu vực thị xã Kỳ Anh cũng chết sạch. Ngoài ra, những hồ nuôi tôm bơm nước biển vào cũng bị thiệt hại do tôm chết.

Trước tình trạng trên, ngày 22-4, đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã trực tiếp đến các tỉnh có hiện tượng cá chết bất thường kiểm tra, lấy mẫu, cá chết để phân tích tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, các thông số môi trường, độ PH, muối và ô xi tự nhiên đều bình thường. Qua phân tích sơ bộ không có dấu hiệu bất thường, cho phép loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh. Hiện phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chú trọng đến nguyên nhân cá chết có thể là do độc tố từ tảo độ, kim loại nặng và suyanua.

Tại cuộc họp, ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện tượng cá chết xuất hiện tại địa phương này vào khoảng 10 giờ sáng 15-4. Ngay sau khi xuất hiện, lãnh đạo tỉnh này đã xuống hiện trường và tìm hướng xử lý, đồng thời tuyên truyền vận động ngư dân di chuyển lồng nuôi cá vào trong để tránh thiệt hại. Đến ngày 16-4, hiện tượng cá biển tự nhiên chết đồng loạt ven các xã vùng biển. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã báo cáo tình hình lên Trung ương, đồng thời chỉ đạo các ban ngành liên quan vào cuộc lấy mẫu nước kiểm tra để làm rõ nguyên nhân.

“Hiện tượng này xuất hiện từ 16-4 đến 20-4 và hiện nay không còn thấy cá tự nhiên chết trên biển nữa. Bước đầu, chúng tôi nhận định cá chết do độc, do nguồn nước thải ra và không loại trừ do các tàu hoạt động trên biển” – ông Hùng nhận định. Theo đó, ông Hùng cũng đề nghị kiểm tra, xem xét lại các tàu hoạt động trên biển từ ngày 1-4 đến ngày 20-4 để tìm nguyên nhân.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa – Viện Phó viện nghiên cứu hải sản cho biết, dòng hải lưu chảy qua những địa phương xảy ra tình trạng cá chết rất phức tạp. “Giả sử có điểm phát tán chất độc nào đó thì dòng hải lưu sẽ phát tán rộng ra. Hiện chúng tôi đang phối hợp với đơn vị bên tài nguyên và môi trường đánh gia để làm rõ vấn đề” - ông Nghĩa đặt giả thiết. Theo đó, ông Nghĩa cũng đề nghị các địa phương tạm dừng đối với các đội tàu nhỏ khai thác ven bờ và ngư dân nên hướng tới các ngư trường xa hơn nơi xảy ra hiện tượng cá chết vừa qua để ổn định khai thác.

Cá chết trôi dạt vào bờ biển.

Liên quan đến ống xả thải của Dự án Formosa nằm dưới biển, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, đây là đường ống xả thải công khai, đã được Bộ Tài nguyên và môi trường thẩm định cấp phép và nước thải đã được xử lý theo chuẩn mới và được phép xả ra biển. Theo ông Nhân, việc làm đường ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý là hết sức bình thường. Quy trình xử lý này đã có máy giám sát tự động. Theo đó, ông Nhân cũng không loại trừ nguyên nhân độc chất được phát tán từ đất liền. “Việc này sẽ được điều tra làm rõ trong thời gian tới” – ông Nhân cho biết thêm.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhìn nhận: “Đây là vấn đề mới và phức tạp. Ban đầu, cơ quan chức năng có sự lúng túng, khi vào cuộc đã làm rất quyết liệt nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân”. Ông Tám cho biết, hiện ông đã chỉ đạo các địa phương quán triệt văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhanh chóng xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trưởng, khuyến cáo cho bà con không sử dụng cá chết dưới mọi hình thức. Căn cứ vào tình hình để hướng dẫn cho người dân yên tâm với những sản phẩm tiêu thụ được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang