Dẹp nạn xâm hại và buôn bán phụ nữ, trẻ em: Im lặng là tội ác!

Thứ Ba, 20/06/2017 20:03  | Ngô Đồng

|

(CAO) Phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị buôn bán để làm mại dâm, bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Họ bị bóc lột tình dục, sức lao động hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại, vô nhân đạo khác.

Mạnh dạn tố giác

Theo Trung tá Phan Văn Tặng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, trong vấn nạn buôn bán phụ nữ, nạn nhân thường là những cô gái ở các tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn, lên thành phố tìm việc như làm công nhân, phụ việc nhà, phụ bán cà phê,... và bị đối tượng dụ dỗ bằng thủ đoạn giúp đỡ tìm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hoặc giới thiệu lấy chồng giàu có và nạn nhân đã dễ dàng sập bẫy.

Ngoài ra, thông qua mạng zalo, internet, webchat,... để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, nhất là đối với lứa tuổi chưa thành niên, những em gái mới lớn,... do ham chơi, dễ dãi trong việc kết bạn hoặc thích đi nước ngoài,... từ đó đối tượng rủ đi du lịch, mua sắm hoặc tạo ra mối quan hệ phụ thuộc rồi thực hiện hành vi mua bán.

Nhưng do các sự vụ xảy ra ở nước ngoài nên việc chứng minh hành vi mua bán người tương đối khó khăn. Nền văn hóa phương Đông rất ngại động chạm đến vấn đề tình dục. Xã hội đòi hỏi người phụ nữ phải giữ được tiết hạnh nhưng nếu xảy ra xâm hại tình dục, mua bán thì nhiều người lại im lặng với vô vàn lý do khác nhau, ngay cả bản thân người bị hại và gia đình của họ cũng cảm thấy rất lo sợ nếu vụ việc phanh phui thì bị người đời dè bỉu, gia đình không có tương lai, thậm chí phải bán sinh kế đi nơi khác kiếm sống, danh tiếng bị hoan ố. Chính điều này khiến cho bọn tội phạm vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Các cô gái trước khi đi nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài cũng cần cân nhắc cẩn thận tránh bị dụ dỗ, lừa gạt. Ảnh minh họa

Do đó, theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức sinh hoạt, kết nối chị em phụ nữ nhằm giúp họ nâng cao hiểu biết về các phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đề phòng bọn tội phạm lợi dụng, dụ dỗ.

Mặc khác, từng chính quyền địa phương phải quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở các vùng miền, địa phương nghèo, thu hút lao động tại chỗ, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho chị em phụ nữ; không có lối sống thụ động, trông chờ, mong muốn lấy chồng nước ngoài để hưởng thụ giàu sang,...

Gia đình cũng cần có trách nhiệm chăm lo, quản lý và giáo dục con em, tránh hành hạ, ngược đãi dễ dẫn đến bị đối tượng dụ dỗ, lôi kéo bán ra nước ngoài làm gái mại dâm. Các cô gái trước khi đi nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài cũng cần cân nhắc cẩn thận.

Im lặng là tội ác

Theo Thống kê của Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15% (chiếm 57,46%). Đặc biệt, trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì còn nhiều vụ việc không bị phát giác.

Nhiều ý kiế cho rằng: Luật hiện nay vẫn chưa đủ sức mạnh hoặc còn thiếu nên chưa giải quyết được câu chuyện dâm ô. Ở một số nước trên thế giới, chỉ cần có hành vi gợi ý, dụ dỗ trẻ xem tranh ảnh có nội dung sex là đã có thể bị trừng trị.

Đã và đang tham gia nhiều vụ việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, tình hình buôn bán trẻ em và phụ nữ rất phức tạp. Vì vậy, cần có những cách giải quyết tận gốc vấn đề.

Luật sư Nữ tư vấn phụ huynh khi phát hiện ra vụ việc cần giữ bình tĩnh, báo cáo ngay với tổ dân phố, chốt khu phố là nơi gần gũi nhất hay chính quyền địa phương như hội phụ nữ, an ninh khu vực, UBND xã phường, công an khu vực.

Đối với trẻ mới bị xâm hại thì giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không được xóa dấu vết ở trên người trẻ như vết máu, tinh dịch. Lưu lại hết những chứng cứ như hình ảnh, thiết bị điện tử nhằm giúp công an phá án.

“Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, các vụ huynh cần bình tĩnh để thu thập và lưu giữ chứng cứ. Có những vụ đã có được 90% chứng cứ để có thể đưa kẻ phạm tội ra tòa, nhưng do phụ huynh mất bình tĩnh nên đối tượng đã kịp phi tang. Phụ huynh cũng nên mạnh dạn tố giác tội phạm, vì im lặng là tội ác”, luật sư Ngọc Nữ nhắn nhủ.

Không chỉ có nạn nhân mới có trạng thái tâm lý hoảng loạn, xấu hổ, sợ hãi, sống mặc cảm, không muốn để ai biết mà ngay cả gia đình nạn nhân khi biết chuyện, nhiều trường hợp cũng vì lo sợ cho tương lai của con mình, danh dự gia đình bị tổn hại nên dàn xếp nội bộ với những đối tượng có hành vi phạm tội khiến bọn tội phạm càng nhởn nhơ, lộng hành.

Nếu vụ việc xảy ra lâu rồi thì đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám và làm ngay đơn tố cáo kèm theo kết luận của cơ quan y tế. Đồng thời có thể gọi ngay đến đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để được hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, hễ cứ nói đến xâm hại tình dục, đặc biệt ở trẻ em thì dư luận lại sôi sục lên vì vấn đề quá nóng bỏng cần giải quyết ngay để đòi công lý cho người bị hại nhưng dường như nhiều vụ việc lại có dấu hiệu “chìm xuồng”. Và mặc dù, có những vụ xâm hại tình dục mà gia đình đã thu thập nhiều chứng cứ nhưng quá trình giải quyết của cơ quan chức năng vẫn chậm.

Luật sư Ngọc Nữ đề nghị cơ quan công an nên linh hoạt, nhanh chóng hơn trong việc thu thập chứng cứ và điều tra vụ việc. Bên cạnh đó, cần đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho một số chiến sĩ nữ tham gia xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời tăng chế tài xử phạt đối với tội phạm buôn bán, xâm hại trẻ em.

Ths Luật gia Phan Thanh Minh:

Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm từ mức độ nhẹ đến rất trầm trọng. Đã có những trường hợp gia đình phải đem con đi nơi khác, nhiều trẻ em bị rối loạn tâm thần, trầm cảm, tự tử.

Theo kết quả khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường. Các em luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc sống trong sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, hoảng loạn, không tập trung, không chú ý trong giao tiếp và học tập, hoài nghi, không tin tưởng và tìm cách xa lánh mọi người. Một số trẻ khác mắc bệnh trầm cảm, muốn tự tử hoặc bỏ trốn,...

Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại còn phải gánh chịu hậu quả có thai hoặc nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, trong đó có HIV/AIDS.

Nạn xâm hại và buôn bán phụ nữ, trẻ em qua lời kể của công an và luật sư
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang