(CATP) Thành phố Hồ Chí Minh đang vào mùa mưa, nhiều tuyến đường đã bị ngập úng chỉ sau một cơn mưa nhỏ, gây rất nhiều khổ sở cho người và phương tiện lưu thông. Thế nhưng, thực trạng đáng lo lắng là nhiều miệng cống thoát nước tại khu vực trung tâm ra đến ngoại thành đang bị một số người thiếu ý thức làm... mất tác dụng.
Chẳng hạn, miệng cống thoát nước tại góc ngã ba Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản (Q3), đối diện chợ Tân Định (Q1) lâu nay đã bị rác thải, túi nylon, vỏ hộp cơm... bịt kín. Việc xả rác bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến việc thoát nước, chống ngập, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Dọc đường Bạch Đằng (P15, Q.Bình Thạnh), hàng loạt miệng cống thoát nước đang "kêu cứu". Trước một quán cà phê, sinh tố vỉa hè, người ta đã dùng bọc nhựa bịt kín miệng cống thoát nước, có lẽ là để mỹ quan cho hàng quán dễ buôn bán.
Trên đường Trường Sa (Q.Bình Thạnh), rác sinh hoạt bị người dân dồn đầy miệng cống. Rác chất đầy khiến người dân không còn nhận ra đâu là miệng cống, đâu là vỉa hè. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các tuyến đường Bạch Đằng, Trịnh Hoài Đức (Q.Bình Thạnh) hay đường Lý Thái Tổ (Q3), đường Sư Vạn Hạnh (Q10), đường Nguyễn Khoái (Q4), đường Dương Bá Trạc (Q8)...
Hướng về ngã tư Hàng Xanh, hàng loạt miệng cống khác cũng đang "ngộp thở" bởi đủ loại rác thải, túi nylon, hộp xốp đựng cơm... được tấp vô tội vạ. Rác sinh hoạt, thức ăn thừa được người dân đổ trực tiếp xuống cống và còn vương vãi tràn lan đã làm miệng cống bốc mùi hôi thối. Để ngăn mùi, nhiều người dân phủ bạt, trùm bao bố bịt kín miệng cống. Do sự thiếu ý thức này mà miệng cống thoát nước không phát huy được tác dụng vì bị "bịt kín". Việc làm này không những gây khó khăn cho công nhân dọn vệ sinh cống thoát nước mà còn làm tình trạng ngập nước tại TPHCM đang bế tắc thêm bế tắc.
Người dân lấy bạt che miệng cống
Rác tràn ngập kênh, trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh)
Rác lấp cống trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh)
Miệng cống thoát nước tại góc Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản (Q1)
Để đảm bảo mỹ quan của một đô thị hiện đại, mỗi khu phố cần huy động người dân, hoặc đoàn viên thanh niên "giải cứu" những miệng cống thoát nước để không làm lãng phí ngân sách Nhà nước, tự cứu mình khi ngập nước.
Về phạt hành chính, hành vi xả rác của một số quán ăn nhỏ lẻ, gây nghẹt cống thoát nước hiện nay sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đổ đất, đá, vật liệu, rác xuống sông, hồ, kênh, mương, hố ga, cống, rãnh thoát nước làm cản trở dòng chảy. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng nếu xả chất độc hại vào hệ thống thoát nước công cộng; vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước