Doanh nghiệp "khát" quỹ đất để đầu tư đô thị vệ tinh TPHCM

Thứ Sáu, 16/04/2021 19:58

|

(CAO) Đô thị vệ tinh được xem sẽ là động lực phát triển cho thị trường bất động sản nhà ở khu vực TPHCM. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các nhà đầu tư chính là thiếu nguồn quỹ đất sạch để phát triển.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “nhận diện lực đẩy phát triển thị trường bất động sản vùng TP.HCM mở rộng năm 2021” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại TP.HCM vào ngày 16-4.

Động lực tăng trưởng cho vùng TP.HCM

Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2067/QĐ-TTg bao gồm TP.HCM và 7 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang được quy hoạch phát triển theo mô hình “tập trung – đa cực” với mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực.

Các đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ nhận định về động lực phát triển bất động sản của vùng TP.HCM

Quyết định này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thu hút đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh và thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven. Bên cạnh đó, việc siết chặt các quy trình thủ tục cấp phép dự án tại TP.HCM đã khiến nguồn cung dự án mới trên địa bàn TP.HCM sụt giảm đáng kể càng làm cho thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven phát triển mạnh mẽ.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc A&D của DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản nhà ở TP. HCM từ lâu không còn giới hạn về địa giới hành chính mà đã mở rộng sang các tỉnh lân cận. Trong 3 năm qua, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và các tỉnh lân cận luôn có sự liên kết chặt chẽ, tung hứng hỗ trợ và bù đắp cho nhau.

“Nếu như năm 2020, thị trường bất động sản TP.HCM có sự suy giảm ở tất cả các phân khúc thì các tỉnh kế bên ngay lập tức có sự sôi động tiếp sức ở mỗi phân khúc như để bù đắp cho những sự thiếu hụt của thị trường”, ông Hoàng nói.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT cho biết thêm, hiện nay hệ thống kết nối vùng giữa TP.HCM với các địa phương lân cận đã được quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại. Trong đó, TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng.

Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc. TP. Biên Hòa – Long Thành – Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Đô thị Củ Chi – Hậu Nghĩa – Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc. Bến Lức – Cần Giuộc – Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam. Diện tích khoảng 5.163,92 km2 với dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85-90%.

Doanh nghiệp "khát" quỹ đất 

Sự phát triển của hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh thành trong vùng đã kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về các vùng lân cận, giúp giải cứu TP.HCM khỏi áp lực gia tăng dân số và đô thị hóa. Tuy nhiên, TS. Lê Đỗ Mười – Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cũng cho rằng tình trạng đầu tư ồ ạt phát triển bất động sản tại một số khu vực, trong khi các khu vực khác có tiềm năng lại chưa được chú ý dẫn tới tình trạng mất cân bằng phát triển các đô thị vệ tinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng hiện nay khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư không phải là vốn mà là quỹ đất để thực hiện các dự án bất động sản. Thời gian qua giá đất tăng cao, việc quy hoạch các quỹ đất phù hợp để thực hiện các dự án vẫn còn nhiều bất cập.

Các doanh nghiệp đang khát quỹ đất để đầu tư đô thị vệ tinh vùng TP.HCM

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Quyền – Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group cho rằng khi đầu tư vào các vùng TP.HCM mở rộng, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về hành lang pháp lý và đền bù giải tỏa. Điều này đẩy chi phí đầu vào lên khiến giá thành bất động sản đưa ra thị trường không phù hợp.

Do đó, để hài hòa được vấn đề này nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng khu vực, đặc biệt thu hồi đất để tạo ra các quỹ đất lớn sau đó đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Đồng thời, nhà nước cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án nhanh hơn, qua đó, giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung nhà ở hiện nay.

Để vùng TP.HCM phát triển bền vững, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng quan trọng nhất là quy hoạch đô thị, dự án phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Quy hoạch không gian phát triển TP.HCM cần đảm bảo kết nối để tạo cân bằng. Xác định đô thị vệ tinh có tính chất hỗ trợ, giải tỏa cho TP.HCM cũng chính là để phát triển đô thị của các tỉnh thành xung quanh.

Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối để mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và tạo động lực phát triển vùng. Trong quá trình đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông thì mở rộng biên để tạo thêm quỹ đất cho phát triển không gian đô thị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang