Hơn 3.000 ngôi mộ và những nỗi đau
Đến thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh, hỏi thăm đường vào nhà của đôi vợ chồng già này thì ai cũng biết nhưng người dân cho biết họ rất ít khi có mặt ở nhà mà thường ở nghĩa trang. Chúng tôi hỏi thăm đường đến nghĩa trang, len lỏi qua nhiều con đường ngoằn ngoèo, bụi đất, chúng tôi cũng đến được nơi cần tìm.
Đường đến nghĩa trang thai nhi
Giữa cái nắng chói chang của trời Tây Nguyên và cái se se lạnh của những tháng cuối năm, trước mắt chúng tôi là cả một khu nghĩa trang thai nhi rộng chừng hơn 1ha nằm yên ắng trên một quả đồi được bao bọc bởi những hàng cây xanh mát xóa tan nét hoang sơ, cô tịch.
Những nấm mộ nhỏ được xây ngay ngắn thẳng hàng, lát gạch bông sạch đẹp, không có bia, không màu mè, mà chỉ là những nấm mộ nho nhỏ hình chữ nhật. Những nấm mộ thật đơn giản, giản đơn như cuộc đời của các cháu, chợt đến rồi chợt đi, được tạo cho có mầm sống rồi lại bị cướp đi... Trong khuôn viên nghĩa trang, ông Bài dáng người cao gầy đang cặm cụi cắt tỉa những cây bông trước mộ các hài nhi.
Ông Bài ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn hằng ngày lặng thầm cùng vợ làm công việc gom nhặt các thai nhi bị tước bỏ quyền được sinh ra ở các bệnh viện, sọt rác, hè phố... về chôn cất
Thấy có người đến thăm, ông dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp bốn rộng chừng 20m2 được xây khá khang trang trong khuôn viên nghĩa trang, ngoài chiếc bàn thờ đặt trang nghiêm giữa nhà, nơi đây còn là không gian dành cho việc tẩn liệm thai nhi.
Ông nói cách đây hơn 5 năm, khi nghĩa địa thai nhi chưa hình thành, vợ chồng ông bà phải mang các cháu về nhà ở dưới thị trấn để tẩm liệm rồi mang ra nghĩa địa người lớn để chôn nhờ. Biết việc làm của ông bà, một người dân nơi đây đã hiến hơn 1ha đất để làm nơi chôn cất cho các cháu. Có đất, ông bà xây dựng thành từng ô vuông, mỗi ô xây sẵn 50 chiếc huyệt nhỏ, để có thể chôn cất các thai nhi bất cứ giờ nào.
Mỗi ô xây sẵn 50 chiếc huyệt nhỏ, để có thể chôn cất các thai nhi bất cứ giờ nào
Ông Bài kể lại, vào đầu năm 2006, trong một lần vợ ông, bà Hoàng Thị Lan, đi khám bệnh tại TP.HCM, bà chứng kiến các em học sinh, sinh viên đến bệnh viện xin bỏ thai rất nhiều. Lân la dò hỏi, một số em thú nhận với bà là do quan hệ "qua đường, trẻ người non dạ" nên dính thai. Ám ảnh về những hài nhi bị vứt đi như một thứ rác rưởi, bà Lan không khỏi chạnh lòng, thôi thúc cần phải làm một cái gì đó cho những linh hồn không may mắn này.
Nghĩ là làm, bà về bàn với gia đình và được chồng con hưởng ứng. Cả 8 người con và hai vợ chồng cùng bắt tay vào làm. Từ đây, việc làm của gia đình ông bà được dân trong xã và cả chính quyền địa phương biết đến và đến nay, đã có khoảng vài chục người thiện nguyện giúp đỡ công việc cùng chôn cất những xác chết rất đặc biệt này.
Hơn 3.000 ngôi mộ và những nỗi đau
Hằng ngày, ông bà đi đến các bệnh viện, phòng khám tư nhân bày tỏ nguyện vọng của mình để được mang các hài nhi vừa bị nạo phá, vứt bỏ về chôn cất. Mỗi hài nhi mang về, gia đình lại tổ chức tẩm liệm tử tế trong chiếc quan tài bằng kính do ông Bài tự làm rồi mang đi chôn ở một góc nghĩa trang trên một quả đồi hoang vu. Nghĩa cử, việc làm của ông bà chỉ với một mục đích duy nhất là giúp cho các linh hồn nhỏ bé được siêu thoát, thêm chút ấm lòng nơi cõi hư vô.
Trong hành trình gom góp các thai nhi, ông bà cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đau lòng khó cắt nghĩa nổi. Không chỉ bỏ con ở bệnh viện, có cả những người mẹ đã đành đoạn vứt đi núm ruột của mình tại những nơi hoang vắng, dơ bẩn...
Dẫn chúng tôi ra thăm nghĩa trang, ông Bài cho biết, sau 9 năm, đã có hơn 3.000 thai nhi được chôn cất tại đây. Bên trên những ngôi mộ ngay ngắn, bé nhỏ được cắm một bông hoa xinh xắn thể hiện cho sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ.
Chuyện tình bên nấm mộ
Bên trong nghĩa trang, lác đác người dân nhiều nơi về đây thăm viếng, họ mang hoa, bánh kẹo đến cho các cháu. Những sinh linh bị chính cha mẹ mình ruồng bỏ vẫn nhận được tình yêu thương từ những người xa lạ. Thỉnh thoảng vẫn có những người mẹ đến đây... "sám hối". Họ đến trong sự ăn năn, hối lỗi và cầu mong con cái tha thứ để thanh thản mà sống tiếp.
Không phải ai nạo phá thai cũng là người nhẫn tâm, mà ở những hoàn cảnh khác nhau, người ta phải cắn răng làm việc như vậy, trong đó có không ít học sinh, sinh viên lầm lỡ, gia đình bắt con em phá thai.
Những ngôi mộ nhỏ nằm yên ắng trên một quả đồi được bao bọc bởi những hàng cây xanh mát và nhiều hoa xóa tan nét hoang sơ, cô tịch
Có một điều đặc biệt mà chúng tôi được biết là chính tại nghĩa trang thai nhi này đã hàn gắn lại nhiều tình cảm tưởng chừng đổ vỡ, những đôi bạn trẻ đã về sống với nhau nên chồng nên vợ.
Năm 2010, cứ mỗi chiều thứ bảy, bất kể dù mưa hay nắng, người ta thấy một cô gái lúi cúi căm hoa, thắp hương khấn vái và lâm râm cầu nguyện trước nấm mộ nhỏ. Thời gian lặng lẽ trôi đi, thứ bảy này nối tiếp thứ bảy sau và không thứ bảy nào vắng bóng chị nơi nghĩa trang thai nhi. Cho đến một chiều, cũng có một thanh niên đến đây. Cũng chẳng ai biết họ nói những gì với nhau, cầu nguyện những gì, nhưng những lần sau đó, người ta thấy họ thường xuyên cùng nhau đến viếng mộ và một thời gian ngắn sau, một đám cưới đơn giản nhưng rất ấm cúng đã diễn ra...
Hỏi ra ông bà được biết đôi bạn trẻ vốn học cùng trường, cùng lớp và yêu nhau. Xuất phát từ nguyên nhân gia đình, họ không thể đến được với nhau nên cái thai trong bụng cô gái bị phá bỏ.
Có lẽ cuối cùng tình cảm của họ cũng được cha mẹ hai bên cảm thông và chấp nhận nhưng cũng có lẽ chính cháu bé đã nối kết họ lại với nhau...
Đặc biệt hơn nữa là có nhiều người đã nhận chăm sóc từng khuôn mộ của các cháu và xem như là mộ của người thân trong gia đình. Chúng tôi chợt nghĩ, hóa ra khu nghĩa trang này đâu phải chỉ dành cho những hài nhi vô tội không có cơ may được sống, nghĩa trang này còn là nơi để người sống sám hối, ăn năn và hành động tích cực hơn…
Những câu chuyện dài về những thai nhi bất hạnh, bị bỏ rơi là những nỗi buồn luôn ám ảnh khôn nguôi canh cánh trong lòng của ông Bài, bà Lan. Những đứa trẻ không được sống vì sai lầm của người lớn. Nhìn hàng ngàn nấm mộ mọc lên lớp lớp ngày càng nhiều, ông bà chỉ mong nếu ai đó lỡ có thai ngoài ý muốn thì hãy để đứa trẻ được chào đời, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà tước đoạt quyền được sống của con mình.
Những ai đã đến nghĩa trang của ông bà khi ra về hẳn đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Số phận những đứa trẻ không có cơ hội làm người ấy giờ đây được trái tim nhân hậu của ông bà và nhiều người nhân đức bao bọc, chở che.