(CAO) Sau khi xem xét vết phỏng, thầy thuốc nam đã đắp lá cây lên vùng da phỏng. Sau một tuần điều trị, do vết thương ngày càng nhiễm trùng nặng nên nạn nhân mới chịu nhập viện.
Ngày 14-11, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đang điều trị cho chị Châu Thị M. (37 tuổi, ngụ Định Quán, Đồng Nai) với vết thương nhiễm trùng hai chân, hai tay.
Vết thương nhiễm trùng hai chân
Cách đây hơn 1 tuần, trong lúc nấu ăn, do đường dẫy khí gas có vấn đề nên ngọn lửa bùng cháy khiến chị M. bị phỏng nặng. Do nhà quá khó khăn nên chị M. nhờ em gái tìm thấy thuốc nam điều trị bằng lá cây.
Chị Mỡ được chở lên Lâm Đồng và lưu trú ở nhà em gái. Cứ hai ngày, thầy thuốc nam đem lá đến đắp lên vết phỏng ở chân tay chị M.. Sau một tuần điều trị bằng cách đắp lá, chị M. than đau và bệnh ngày càng tiến triển nặng nên người nhà chở xuống TP.HCM điều trị.
Chị M. nhập viện với vết thương khá nặng
Trên hai chân chị M. lúc nhập viện vẫn còn lá cây khô dính vào vùng da chết. Nạn nhân không thể đi lại và vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
Các bác sĩ cho biết sau khi nhận bệnh, chị M. sẽ được vệ sinh vùng da nhiễm trùng và cho uống kháng sinh để làm lành vết thương. Theo bác sĩ chuyên khoa phỏng, khi bị phỏng không nên tự ý điều trị theo phương pháp dân gian như đắp lá cây, thoa nước mắm, thoa kem đánh răng lên vùng da bị tổn thương vì rất dễ gây nhiễm trùng.
Các đơn giản nhất là đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ chẩn đoán, xem xét mức độ nặng nhẹ mà có kế hoạch điều trị phù hợp bằng các loại thuốc đặt trị.