Chi hơn 7.000 tỷ đồng, ĐBSCL có hết sạt lở?

Thứ Tư, 16/10/2019 15:30

|

(CATP) Các chuyên gia cho rằng, hiện nay có tình trạng để đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), một số bộ, ngành và địa phương đề xuất kinh phí xây dựng những công trình thủy lợi, bất chấp cảnh báo của giới khoa học.

Thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều công trình hàng trăm tỷ đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm giữ nước ngọt, nhưng không phát huy tác dụng.

HÀNG TRĂM CÔNG TRÌNH, CẢ CHỤC NGHÌN TỶ ĐỒNG

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), để đối phó với tình hình BĐKH, sụt lún ở khu vực ĐBSCL, thời gian qua, các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước, phòng, chống thiên tai, bảo vệ bờ sông, bờ biển, thích ứng với BĐKH và sinh kế bền vững... Trong đó, có 18 dự án xây dựng, củng cố công trình kiểm soát lũ, mặn; 863 cụm, tuyến dân cư được hoàn thành, 119 bờ bao khu dân cư...

Gia cố đê bao phòng chống sạt lở

Từ năm 2010 đến nay, ngân sách Trung ương cùng nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA đã bố trí và có kế hoạch đầu tư 169 dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng kinh phí hơn 8.700 tỷ đồng. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương của năm để xử lý 29 dự án sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; đồng ý hỗ trợ 7 triệu USD từ vốn kết dư dự án ADB đối với 2 dự án tại tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Gia cố đê bao phòng chống sạt lở

Theo tính toán của Bộ TNMT, hiện nay, cần khoản kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng để tiếp tục xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gồm: 33 vị trí sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 57km, với kinh phí gần 5.300 tỷ đồng; 13 vị trí sạt lở bờ biển, tổng chiều dài 56km, với kinh phí gần 1.800 tỷ đồng.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL về công tác phòng, chống sạt lở, sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông hơn 3.000 tỷ đồng trong 2 năm (2019 - 2020), cùng với số vốn đã giải quyết, nhưng chưa giải ngân xong hỗ trợ ĐBSCL.

ĐÊ BAO “ĐẨY” NGẬP SANG TP.CẦN THƠ?

Tuy nhiên, để đối phó với nạn sụt lún, BĐKH ở ĐBSCL, một số nhà khoa học khuyến cáo, không nên can thiệp thô bạo vào môi trường, vì làm như vậy sẽ khó phát huy tác dụng, nguồn vốn đầu tư lãng phí, công trình không hiệu quả. Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH từng cảnh báo, ĐBSCL hiện có nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập... Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây ra những hậu quả ngoài tính toán.

Chẳng hạn, dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000 héc-ta lúa. “Chưa có tính toán diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoản đầu tư nói trên hay không, nhưng dự án này “đẩy” ngập sang TP.Cần Thơ” - một cán bộ của Ủy ban Quốc gia về BĐKH nhận định.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, phải xác định rõ thái độ với BĐKH đã được các nhà khoa học khuyến cáo là không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, vì sẽ không chống được mà còn rất tốn kém. Cách phù hợp hơn là con người phải thích ứng với BĐKH.

Tình hình giao thông ở TP.Cần Thơ hỗn loạn sau đợt triều cường vào tháng 9 vừa qua

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) cảnh báo: Để đối phó với BĐKH, nên hạn chế các biện pháp công trình lớn như đắp cửa sông và ngọt hóa, vì vừa kém hiệu quả, vừa đảo lộn điều kiện tự nhiên, không thể cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được. Tác động lớn nhất của các công trình ngăn sông, ngăn mặn ở ĐBSCL là làm mất chế độ thủy triều, tạo thành vùng nước tù ô nhiễm, mất sự trao đổi sinh thái với biển, ảnh hưởng sinh thái nội địa và sinh thái biển.

“Quan trọng hơn là cần phải tiếp cận tổng thể ĐBSCL trong thực hiện chiến lược này. Vì hệ tự nhiên ĐBSCL vận hành theo quy luật tự nhiên, nằm trong tổng thể nhất quán. Hành động của một địa phương có thể ảnh hưởng tới địa phương khác. Hành động của một ngành đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến các ngành khác. Hành động ngày hôm nay có thể ảnh hưởng đến dài hạn.

Do đó, cần đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng theo Quyết định 593 của Chính phủ, tính đến vùng nước biển ven bờ, có liên hệ chặt chẽ về sinh thái với ĐBSCL và là một phần quan trọng của nền kinh tế ĐBSCL. Tránh cách làm cục bộ theo địa phương, làm theo kiểu “uống thuốc giảm đau” (thấy đau ở đâu trị ở đó) theo kiểu ngắn hạn; mà cần phục hồi “sức khỏe” của cả hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường” - thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Tình hình sạt lở ở khu vực ĐBSCL đã đến mức báo động

Ông Carel Richter (Tổng lãnh sự Hà Lan tại TPHCM) cho rằng, một trong những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL hiện nay là tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở đất. Khi nguồn nước bị xâm nhập mặn nhiều hơn thì phải tính đến các phương thức sản xuất nông nghiệp như thế nào trong bối cảnh nguồn nước bị thay đổi. Nền nông nghiệp cần được thay đổi theo điều kiện môi trường mới. Trong khu vực bị ngập nước nhiều thì cần ưu tiên đầu tư, phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy hải sản nhiều hơn.

Hà Lan có nguồn gốc là quốc gia nông nghiệp, mỗi năm có 2 mùa và ít nhất 6 tháng thời tiết rất khắc nghiệt. Vì vậy, người dân Hà Lan có những công nghệ mới tạo ra hàng hóa và bảo quản để đáp ứng nguồn thực phẩm cho những tháng thời tiết khắc nghiệt. Một trong những kinh nghiệm mà người Hà Lan có được chính là văn hóa trong việc quản lý nguồn nước.

Ông Carel Richter nói: “Với những địa phương có nhiều sông, rạch, nên chú trọng phát triển giao thông đường thủy. Nước tôi cũng là quốc gia có mạng lưới kênh, rạch dày đặc, vì vậy Hà Lan đã phát triển mạnh về loại hình giao thông này. Ở Hà Lan rất ít khi có xe tải lớn lưu thông trên đường. Cạnh đó, Việt Nam cần có những nghiên cứu cụ thể hơn nhằm tìm ra các giải pháp ưu tiên để thích ứng với BĐKH đang diễn biến phức tạp hiện nay”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL:

Nước ta nên thích ứng với BĐKH cụ thể như sau: Về công nghiệp, vì vùng ĐBSCL rất nhạy cảm về môi trường, nhất là môi trường nước, khu vực này chỉ nên ưu tiên đầu tư công nghiệp chế biến để hỗ trợ cho nền nông nghiệp chuyển hướng sang nông nghiệp “sạch”, nâng cao giá trị của chuỗi giá trị và tránh ô nhiễm nguồn nước mặt. Đối với nông nghiệp, nên chuyển hướng chiến lược sang nông nghiệp bền vững, chú trọng giá trị hơn số lượng, nhằm phục hồi đất đai, nguồn nước và sức chống chịu của đồng bằng. Cần xem xét lại khái niệm và chiến lược an ninh lương thực.

Nạn sụt lún là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với nước biển dâng và không thể giải quyết bằng biện pháp xây dựng công trình. Con đường duy nhất để cứu ĐBSCL là phải giảm sử dụng nước ngầm. Cụ thể, đối với vùng ven biển sử dụng công nghệ (Nano, RO...), vùng nội địa thì giảm ô nhiễm nước mặt (công nghiệp, nông nghiệp thâm canh).

Về sạt lở, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên diện rộng ở ĐBSCL là do thiếu hụt phù sa mịn, cát, sỏi gây mất cân bằng trên toàn hệ thống. Dự báo khuynh hướng sạt lở sẽ diễn biến trầm trọng hơn. Sẽ không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể cưỡng lại khuynh hướng này.

Chúng tôi kiến nghị những việc cần làm ngay là: lập bản đồ cảnh báo độ rủi ro sạt lở bờ sông để chủ động di dời người dân, tránh thiệt hại tài sản, tính mạng; quản lý khai thác cát chặt chẽ để đảm bảo duy trì bờ sông, bờ biển. Cần biết rằng trong tương lai không còn nguồn cung cấp cát từ sông Mêkông nữa, sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn tất.

Cạnh đó, những việc không nên làm tại ĐBSCL là: không nên lấp các hố sâu tự nhiên, vì rất tốn kém và không hiệu quả. Các hố sâu này được hình thành theo quy luật tự nhiên, có vai trò cân bằng động lực, khi lấp các hố này sẽ xuất hiện các hố sâu khác. Không nên tiêu tốn nguồn lực vào những biện pháp thi công công trình vì lãng phí, kém hiệu quả. Các biện pháp công trình như xây bờ kè thì chỉ nên tiến hành ở những nơi tối cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân trong ngắn hạn. Các biện pháp công trình như bờ kè có thể tạo cảm giác an toàn giả, đến khi bờ kè sụp đổ thì thiệt hại sẽ lớn hơn.

Đặc biệt, công tác trồng và phục hồi rừng ven biển là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trồng rừng chỉ khả thi ở những nơi bồi và còn đủ phù sa trong nước. Ở những nơi đang sạt lở, nhất là nguy cơ sạt lở trong tương lai khi phù sa trong nước giảm mạnh, việc trồng rừng sẽ không khả thi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang