(CATP) Anh Lê Duy Minh (33 tuổi, trú xã Đray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) mua trái dưa này từ ngày 17-2-2015, đến nay đã hiện hữu hơn 5 tháng, chưa kể thời gian nó được hái từ vườn, vận chuyển qua thương lái mới đến tay người mua. Hiện tại trái dưa vẫn được gia đình anh Minh chưng trên nóc tủ, vì chưa thấy hiện tượng “lão hóa”.
Trái dưa nặng hơn 4kg, vỏ vẫn xanh; được trang trí họa tiết rất đẹp bằng các hoa văn độc đáo, trong đó chữ “Phúc” trên lớp vỏ ai nhìn cũng thích. Anh Hoàng Tiến Thoại (sống trong xã) ngạc nhiên: “Trước đây ở Quảng Ngãi gia đình tôi cũng trồng dưa hấu nhưng chưa trái nào để được quá một tháng. Quả thật, trái dưa có “tuổi thọ” hơn 5 tháng vẫn còn tươi nguyên là điều cần xem lại”.
Trái dưa vẫn tươi nguyên sau 5 tháng - Ảnh: Hồng Quang
Vì sao trái dưa này có khả năng “trường thọ” đến vậy là đề tài tranh luận của nhiều người trong vùng. Anh Minh đưa ra giả thuyết: “Có khả năng nó đã được người trồng và dân buôn “phù phép” bằng cách bơm chất bảo quản để giữ cho tươi lâu”. Riêng anh Thoại dựa vào kiến thức sinh học để lý giải: “Rất có thể trái dưa có gen đột biến nên tồn tại bất chấp tác động ngoại cảnh mà thọ lâu như vậy”.
Ông Trịnh Tiến Bộ - nguyên Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trồng trọt ở tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Với các loại trái cây thông thường, việc để trong kho lạnh với điều kiện đảm bảo cũng chỉ giữ được từ 1 - 2 tháng. Còn trái dưa hấu để từ Tết đến nay trong điều kiện môi trường, khí hậu bình thường mà vẫn tươi nguyên là điều cần xem lại. Có hai trường hợp xảy ra: hoặc trái có gen tốt, nhưng trường hợp này rất hiếm; hoặc rất có thể nó đã được xử lý bằng chất bảo quản trước khi đến tay người mua. Khi gặp trường hợp này, người dân nên đưa mẫu đến cơ quan chức năng thẩm định, không nên ăn vì có thể vướng những tác hại ngoài ý muốn”.