Vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn còn rất nhức nhối

Thứ Hai, 12/12/2022 10:42  | Nguyễn Hiếu

|

(CATP) Năm 2022 dần khép lại giữa lúc dư luận xã hội tiếp tục phẫn nộ trước những vụ bạo hành (BH) trẻ em liên tiếp xảy ra trên cả nước. Những đứa trẻ lẽ ra được sống trong sự yêu thương lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng dẫn đến hậu quả đau lòng. Nhiều cháu mang trong mình nỗi ám ảnh trước di chứng để lại; thậm chí có em đã phải ra đi mãi mãi trước nỗi xót xa, căm phẫn của người thân, gia đình và xã hội.

Từ các bảo mẫu nhẫn tâm...

Như Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, ngày 15-11 bảo mẫu Nguyễn Ngọc Phượng (SN 1991, trú Q7, TPHCM) bị Công an (CA) quận 7 bắt khẩn cấp về hành vi “cố ý gây thương tích”. Làm việc với cơ quan điều tra, Phượng cho biết bé gái T.G.H (17 tháng tuổi) thường xuyên quấy khóc, trong khi thời gian gần đây cha của bé là T.H.Đ (SN 1985, ở huyện Nhà Bè) không trả tiền công đúng hẹn khiến cô bực bội, nhiều lần dùng cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay chân của bé gây thương tích.

Từ ngày 31-10 đến 05-11, Phượng tát, lấy bình sữa đánh vào vùng đầu của H. Đêm 06-11, thấy bé có biểu hiện trở nặng, Phượng đưa vào Bệnh viện (BV) Q7 cấp cứu, sau đó được chuyển lên BV Nhi đồng 2 trong tình trạng hôn mê cùng nhiều vết bầm trên cơ thể và H. đã không qua khỏi do chấn thương sọ não nặng.

Ngày 18-7, Công an TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vương Ngọc Thảo Vy (24 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi) về tội “hành hạ người khác”. Theo kết quả điều tra, đầu năm 2022 chị C.T.T (26 tuổi, quê Đắk Lắk) đến TP.Đà Lạt sinh sống. Vì bận đi làm xa nên ngày 26-02, chị gửi bé C.T.L (2 tuổi) cho cô giáo mầm non là Cao Thị Đào (38 tuổi) trông giữ với chi phí 7 triệu đồng/tháng. Do trường tổng kết năm học, từ ngày 24-6 Đào đưa L. về nhà chăm sóc. Sau đó, vì sửa nhà nên cô giao L. lại cho Vy và đưa 2 triệu đồng lo chi phí. Thời gian này, Huỳnh Thị Thanh Hằng (em chồng Vy) cũng phụ trông L.

Một trường hợp bị bố dượng hành hạ

Bước đầu, 2 bảo mẫu khai, do L. ít nói chuyện với mọi người nên Vy - Hằng nhiều lần dùng tay đánh bé. Ngày 08-7, Vy đạp vào người khiến L. ngã. Những ngày sau đó, bé nhiều lần bị ngã đập đầu xuống nền nhà. Đến trưa 16-7, sau khi cho L. ăn, Hằng thấy bé ói, người lạnh, môi tím tái đã cùng Vy gọi điện cho người thân đưa bé đến BV Nhi tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Tại đây, qua chẩn đoán, L. bị chấn thương sọ não, dập phổi nên được chuyển đến BV đa khoa tỉnh để phẫu thuật cấp cứu. Nhận định các vết thương trên người bệnh nhi không phải do ngã, mà có dấu hiệu của BH, các y bác sĩ đã trình báo CA.

... Đến thủ phạm là người sống chung nhà

Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn là khi người thân lại nhẫn tâm hành hạ núm ruột của mình. Ngày 25-7, CA huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà nội là T.T.T và cha ruột T.V.D về tội “cố ý gây thương tích” hoặc “gây tổn hại cho sức khỏe người khác” trong vụ cháu T.N.A (9 tuổi) bị BH. Hiện cả hai bị can là ông D. và bà T. đã được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra.

Theo phản ánh, cha mẹ của A. ly hôn năm 2013, cháu về sống với mẹ là chị H. và ông bà ngoại. Cuối năm 2021, chị H. phải ra TP. Đà Nẵng làm việc nên A. về ở với cha. Thời gian này, cháu bị cha ruột và bà nội đánh đập nhiều lần. Nghe A. kể lại sự việc, chiều 03-7 bà ngoại đã đưa cháu đến Trung tâm y tế huyện Cư Kuin khám và điều trị với nhiều vết thương ở đầu, bụng, tay, chân, vỡ xương đốt ngón út tay phải, gãy xương bàn tay phải. Theo CA huyện này, giám định thương tật xác định A. bị thương tích 11%.

Vy - Hằng, hai bảo mẫu hành hạ trẻ

Cần tăng cường chế tài, xử lý phòng ngừa

Hiện tình trạng BH trẻ em trong gia đình vẫn còn nhức nhối và ngày càng tăng; trong đó, hơn 70% số vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong gia đình, để lại hậu quả thương tâm. Những năm gần đây, mặc dù việc tuyên truyền về các quyền bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em đã được đẩy mạnh, nhưng đáng buồn là tình trạng trẻ bị hành hạ vẫn ở mức báo động.

Đáng buồn là không chỉ người ngoài, mà có đến hơn 70% thành viên trong gia đình (cha mẹ, ông bà hay chú bác ruột) thực hiện hành vi trên. Và trong một số vụ cha dượng, mẹ kế hành hạ con trẻ, chính cha mẹ ruột cũng tiếp tay hoặc làm lơ để những kẻ thủ ác tiếp tục thực hiện hành vi đáng lên án với núm ruột của mình. Vì thế, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em, tăng hình phạt những kẻ BH, chấm dứt vấn nạn này càng sớm càng tốt.

Theo thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), sau hơn 17 năm hoạt động đã tiếp nhận trên 4,5 triệu cuộc gọi đến nhờ giúp đỡ cho hơn 2.700 trẻ bị BH. Trung bình mỗi ngày nơi đây tư vấn khoảng 100 cuộc gọi liên quan đến nạn BH hay xâm phạm quyền trẻ em.

Số liệu của Bộ CA cho thấy, chỉ riêng năm 2020 có gần 2.000 vụ BH trẻ bị phát hiện, xử lý. Năm 2021, con số này tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi trẻ có xu hướng ở nhà nhiều hơn. Và còn rất nhiều trường hợp nạn nhân của BH trẻ em rơi vào tình trạng nguy kịch, chỉ khi đến cấp cứu tại BV thì sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Trên thực tế, trẻ bị BH thường chỉ biết chịu đựng, dần mất đi khả năng phản kháng và có thể bị cô lập với xã hội.

Để bảo vệ trẻ thoát khỏi tình trạng này, nếu phát hiện trẻ bị BH trong bất cứ trường hợp nào, cần nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý; hoặc có thể gọi cho đường dây nóng 111 cung cấp thông tin. Các cơ quan chức năng sẽ liên hệ, tìm cách thu thập bằng chứng để đưa ra pháp luật khi thấy có dấu hiệu nghiêm trọng.

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Về những vụ BH dã man trẻ em thời gian qua, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - chia sẻ: “Chuyện bạo lực trong gia đình đối với trẻ em, theo tôi bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức của người lớn về mặt pháp luật, thiếu kỹ năng sống để có thể điều chỉnh, điều hòa cảm xúc của mình. Chúng ta đã bỏ bê tất cả những yếu tố đó và dẫn đến kết cục ngày hôm nay khi những người trả giá chính là con em của chúng ta”.

Còn theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, trước khi bị BH dẫn đến tử vong, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi với những chấn thương để lại trên thân thể. Vì thơ ngây, không có khả năng tự vệ, phản kháng... nên hầu hết đều âm thầm chịu trận, lãnh đủ sự tàn bạo, vô nhân tính của người lớn, mà không hiểu vì sao mình bị phạt. Từ các vụ việc đau lòng này đặt ra vấn đề xã hội hệ trọng: Phải làm sao để khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, đó là xây dựng gia phong, gia đạo, nề nếp, ông bà cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền; làm sao để gia đình Việt bền vững trước “đại dịch” có tên “ly hôn”!

Bình luận (0)

Lên đầu trang