Khi được hỏi ước mơ của mình, cô bé 9 tuổi ở mái ấm Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) trả lời rằng: "Con ước được làm nữ công an để cứu người".
Khi được hỏi “vì sao con ước mơ trở thành nữ công an, con có bao giờ nhìn thấy các cô chú công an cứu người chưa?”. Cô bé đã không ngần ngại thổ lộ: “Khi cứu người, công an oai phong lắm. Các chú công an đã từng cứu con khi con bị mẹ đánh đập, không cho đi học…”.
Theo lời chị Trương Thị Yến, Trưởng mái ấm Bà Chiểu thì bé gái này được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận gửi về mái ấm đúng một tuần sau khi phát hiện bé bị chính mẹ ruột bạo hành, trên người bé vẫn còn đầy dấu vết của những lằn roi. Đêm ngủ, bé vẫn khóc thét “Xin mẹ đừng đánh con”, rồi gào kêu: “Chú công an ơi, cứu con…”.
Nỗi ám ảnh bị mẹ bạo hành vẫn in hằn, ấn tượng sâu đậm về người công an đã giải cứu mình nên điều đó trở thành cội nguồn cho một giấc mơ. Khi tham gia cuộc thi "Cho con tình yêu thương", cô bé chọn vẽ nữ công an nhân dân như là hình ảnh của mình trong tương lai.
Em muốn trở thành công an để có sức mạnh để giải cứu trẻ em thoát khỏi bàn tay hung ác của nạn bạo hành gia đình như chính em từng là nạn nhân.
Khi tham gia cuộc thi "Cho con tình yêu thương", cô bé chọn vẽ nữ công an nhân dân như là hình ảnh của mình trong tương lai.
Nhiều ước mơ khác cũng trong trẻo và in đậm ký ức tuổi thơ xuất phát từ những khiếm khuyết của cuộc đời. Bé Đặng Thị Oanh, ở mái ấm Bà Chiểu, ngước đôi mắt trong veo, thỏ thẻ: “Con ước mơ có một con gấu bông màu hồng thiệt to ôm khi ngủ để… không nhớ mẹ”.
Oanh 6 tuổi, không có cha, còn mẹ quá nghèo, sống lang thang, lại mang bệnh. Khi mẹ ôm Oanh đến tá túc, chữa bệnh ở một ngôi chùa, bé đã suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp nặng. Người mẹ van cầu nên các sư cô trụ trì ở chùa đã tìm cách gửi bé đến mái ấm.
Hay như bé Yến Như, ở mái ấm Bông Huệ (huyện Hóc Môn) mơ được làm hoa hậu để giúp đỡ trẻ em nghèo. Đó là bé Đoàn Nhật Minh mơ trở thành lính cứu hỏa, là cô bé Trần Ngọc Hồng mơ được một lần lên sóng truyền hình để thực hiện ước mơ đi tìm ba mẹ để báo hiếu ơn sinh thành,....
Bé Đoàn Nhật Minh mơ trở thành lính cứu hỏa
Phía sau những giấc mơ của các bé đều là trăn trở để lấp đầy khiếm khuyết cuộc đời mà chẳng may các bé gặp phải. Những giấc mơ mà khi lắng nghe đã khiến người ta nghẹn ngào, như ước mơ của cô bé Vương Nguyễn Ngọc Trân ở mái ấm Hoa Sen (huyện Hóc Môn): “Con ước mơ có mẹ!”.
Chương trình "Cho con yêu thương" do Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức là sân chơi, diễn đàn cho các bé từ 6-14 tuổi, để các em thể hiện ước mơ và có cơ hội thực hiện hóa ước mơ của mình. Sáng 2-6, hơn 100 bạn nhỏ từ các mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ em tại TP.HCM đã có buổi giao lưu, vui chơi và chia sẻ những ước mơ cháy bỏng của mình trong ngày tổng kết chương trình "Cho con yêu thương".
Sáng 2-6, hơn 100 bạn nhỏ từ các mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ em tại TP.HCM đã có buổi giao lưu, vui chơi và chia sẻ những ước mơ cháy bỏng của mình.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM cho biết, qua gần 3 tháng, chuỗi chương trình "Cho con yêu thương" do Báo Phụ nữ phối hợp với nhà tài trợ thực hiện đã được thực hiện tại 11 mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ em tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 500 trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ bị bỏ rơi.
Trong 500 tác phẩm, sản phẩm tham gia, có khoảng 100 bức tranh, là những nét vẽ hồn nhiên, trong trẻo, chuyển tải đầy đủ những gam màu tươi sáng, trầm lặng cùng những giấc mơ tràn đầy yêu thương.
Những bài viết gói trọn cảm xúc chân thành của những trái tim non nớt, những số phận bị bỏ rơi, ở đấy, lại toát lên cái nhìn đầy lạc quan, yêu thương và khao khát thành công. Có cả những “tác phẩm” không lời, đó chỉ là những nét vẽ, con chữ nguệch ngoạc, vụng về của những tác giả là trẻ bị di chứng bại não, loạn thần kinh…
Trong 500 tác phẩm, sản phẩm tham gia, có khoảng 100 bức tranh, là những nét vẽ hồn nhiên, trong trẻo, chuyển tải đầy đủ những gam màu tươi sáng, trầm lặng cùng những giấc mơ tràn đầy yêu thương.
"Chon con yêu thương hay chính trẻ đã cho thế giới của người lớn cái nhìn tích cực hơn, trách nhiệm hơn về bổn phận của chính chúng ta với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị bỏ rơi, bị xa lánh, thiệt thòi…
Giải pháp mà chúng ta mang lại không ngoài nhận thức, hành động thiết thực, bền vững cho tương lai của trẻ chính là xuất phát từ hôm nay, dựa trên nền tảng của dinh dưỡng, giáo dục và những điều kiện xã hội văn minh, tiến bộ, ưu việt”, bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng Biên tập báo Phụ nữ chia sẻ.
Cuối cùng thì những giấc mơ cũng đã được viết tiếp. Đó là cô bé Yến Nhi mơ được trở thành hoa hậu, giúp đỡ trẻ em nghèo; và Ban tổ chức đã dành cho Yến Nhi giây phút đăng quang với chiếc đầm dạ hội cùng chiếc vương miện tỏa sáng, cho đến khoảnh khắc Nhi được trao quà, chia hết phần bánh kẹo cho các em bé mồ côi, khuyết tật ở Mái ấm Bông Huệ (H. Hóc Môn).
Đó cậu bé Đoàn Nhật Minh đã được trở thành lính cứu hỏa; là cô bé Trần Ngọc Hồng được một lần lên sóng truyền hình để thực hiện ước mơ đi tìm ba mẹ để báo hiếu ơn sinh thành…
Cuối cùng thì những giấc mơ cũng đã được viết tiếp, Cậu bé Đoàn Nhật Minh đã được trở thành "lính cứu hỏa"...
Mỗi đứa trẻ sinh ra vốn dĩ là một thiên thần, có đầy đủ có các tốchất để trở thành một thiên tài. Chỉ có tình yêu của mẹ mới có thể hiểu và nuôi dưỡng trọn vẹn để con phát huy tối đa tiềm năng vốn có. Có rất nhiều cách để diễn đạt tình yêu của mẹ, đó là sự bao dung, là sự chăm sóc và bảo bọc, nhưng không có điều gì thiêng liêng, hiện hữu như chính dòng sữa mẹ, từng giọt sữa được tiết ra là khi mẹ lấy đi một phần thân thể của để bảo bọc, che chở như khi con còn nằm trong bụng mẹ.
Và sẽ là sự thiếu hụt không gì bù đắp đươc khi thiếu đi tình yêu của mẹ, điều này chúng ta sẽ cảm nhận được rất rõ với những đứa trẻ mồ côi, khi thiếu đi sự yêu thương và hơn hết là thiếu đi dòng sữa mẹ.
Cô Hồ Thị Diệu Trang, Trưởng mái ấm Hoa Sen: “Khi hướng dẫn các con trong mái ấm cùng tham gia chương trình, chúng tôi đã để các cháu viết, vẽ, kể lại giấc mơ của mình một cách tự do, hồn nhiên nhất. Biết các con đã thấm nhuần nếp nghĩ, lời răn dạy, rèn luyện làm người có ích cho đời, nhưng khi đọc bài, xem tranh vẽ, rồi hỏi chuyện các con, tôi cũng không kềm được xúc động. Mỗi mơ ước của trẻ đều hướng về điều thiện, là mong mỏi được tiếp tục chia sẻ tình yêu thương - chính cái mà các con từng thiếu thốn nhất”.