(CAO) Đến hẹn lại lên, năm nào đến các kì nghỉ lễ kéo dài thì tình trạng gây gổ, đâm chém nhau của người Việt cũng trở thành đề tài nóng.
Chỉ thua kém số lượng người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) là con số lên tới hàng chục người do đánh nhau phải nhập viện trong dịp nghỉ lễ. Đó mới chỉ là con số thống kê tại BV Chợ Rẫy, còn tính trên cả nước, con số đó phải còn tăng hơn nhiều.
(CAO) Nhiều trường hợp sau khi ăn nhậu đã dẫn đến cãi cọ rồi rút hung khí đâm chém nhau. Chỉ tính riêng tại BV Chợ Rẫy, trong 4 ngày nghỉ lễ, đã có hàng trăm ca tai nạn giao thông và hàng chục ca là nạn nhân của các cuộc đâm chém nhau nhập viện.
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1-9 đến hết ngày 4-9), BV tiếp nhận 1.167 ca cấp cứu; trong đó có 281 ca TNGT làm 194 người bị chấn thương sọ não.
Đáng lưu ý là tình trạng đả thương, đâm chém nhau lên đến 29 ca. Đây là con số mà ngày lễ nào cũng có xảy ra. Trong đó không ít ca được ghi nhận là do say xỉn, cãi cọ nhau trên bàn nhậu, lúc tiệc tùng, lúc đi chơi lễ xảy ra xích mích rồi rút hung khí đánh nhau.
Ngoài ra, các bác sĩ BV Chợ Rẫy cũng ghi nhận có 6 trường hợp tự tử được đưa vào cấp cứu tại BV này. Theo đó, BV đã sử dụng tổng cộng 297 đơn vị máu (loại 350 ml) để cứu chữa cho các bệnh nhân.
Ngoài số ca về TNGT thì đả thương là con số đáng báo động trong các kì nghỉ lễ. Ảnh: NĐ
Điều đáng nói, những con số này lặp đi lặp lại hằng năm, khiến ngày lễ vốn là dịp đoàn tụ, vui chơi lại trở thành nỗi buồn đối với nhiều gia đình.
Các ca nhập viện vì đánh nhau thật sự là đáng lo ngại, nó báo động về lối ứng xử bạo lực ở xã hội hiện nay. Theo các chuyên gia, bạo lực hiện nay là do con người ít chịu kìm nén những vấn đề của xã hội và thường “bung” ra để giải quyết mâu thuẫn với nhiều mối quan hệ bằng mọi giá, từ áp đặt đến khống chế và cuối cùng là đâm chém, giết người.
Bên cạnh đó, nhiều người do sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, dễ dẫn đến mất kiểm soát hành vi, đôi khi chỉ cần không vừa lòng một ánh mắt, một câu nói có thể lao vào nhau để ăn thua đủ với nhau, đặc biệt là những người trẻ.
Muốn hạn chế những câu chuyện đáng buồn này, bên cạnh việc giáo dục, nhất là thanh thiếu niên, hiểu đúng về văn hóa rượu bia, cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ, giáo dục các em trau dồi tri thức, cách ứng xử đậm chất nhân văn, thể hiện mình qua những việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội. Hành vi bạo lực gây thương tật cho người khác là vi phạm luật pháp, đồng thời làm tổn thương đến người thân, gia đình và bạn bè. Quan trọng hơn là tổn thương con người và hình ảnh của chính bản thân.