Nỗ lực để hồi sinh những cuộc đời lỡ sa chân vào ma túy

Thứ Năm, 16/03/2023 19:03  | Nam Anh

|

(CATP) Trong những ngày trung tuần tháng 3, Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có chuyến mục sở thị tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2, đóng tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đây là cơ sở cai nghiện ma túy nằm xa nhất của TPHCM, đang quản lý 732 người cai nghiện phần lớn có độ tuổi 20 - 30 (trong đó có 694 người thuộc diện bắt buộc và 38 người thuộc diện tự nguyện). Hàng ngày các học viên được tham gia lao động sản xuất, học nghề và học xóa mù chữ.

Mảnh đời sau ma túy

Ma túy đã và đang gây tác hại lớn tới đời sống xã hội. Còn nhớ, vào thời kỳ đầu những năm 95 của thế kỷ trước, cơn lốc ma túy tràn đến Việt Nam, cuốn theo một loạt thanh niên chơi bời, ngỗ nghịch bị nhấn chìm trong "vũng lầy" nghiện ngập tăm tối, không lối thoát. Nhiều người từ nghiện ma túy mà dẫn đến lây nhiễm HIV kèm theo sự bế tắc cùng cực trong cuộc đời. Nhiều gia đình đau khổ, tan nhà nát cửa khi con của họ ngập ngụa trong cơn mê sảng mang tên "ma túy".

Theo thống kê, số người trẻ nghiện ma túy tăng theo hàng năm. Hiện nay TPHCM có 312 phường, xã, thị trấn đều có người nghiện ma túy. Đó là chưa kể số người nghiện đã qua đời hoặc chuyển đến tỉnh, thành phố khác sinh sống. Người nghiện gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến một bộ phận thanh thiếu niên chạy theo lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, không chịu học tập, lao động. Nhiều gia đình có người nghiện còn bao che, không phối hợp với địa phương trong công tác giáo dục, cai nghiện tại cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều chất gây nghiện, gây ảo giác mới xuất hiện cũng được các đối tượng mua bán, sử dụng nhưng chậm được đưa vào danh mục chất cấm khiến công tác đấu tranh của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bình, Phó chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP cho rằng, người nghiện ma túy gia tăng đồng nghĩa với việc tội phạm ma túy cũng gia tăng. Các lực lượng chống tệ nạn và tội phạm ma túy của TP đã tiến hành triển khai một loạt các biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn loại hình tội phạm này. Theo đó, trong 10 năm gần đây, các lực lượng gồm: công an, hải quan, biên phòng... đã điều tra, xử lý hàng nghìn vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Các vật chứng, tang chứng được thu giữ trong các vụ án liên quan đến ma túy đã tăng lên rõ rệt.

Để loại bỏ tệ nạn, tội phạm ma túy khỏi cộng đồng, cùng với việc bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, các ngành chức năng cũng đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền tác hại của ma túy đến các khu dân cư; cách thức nhận biết ma túy và người nghiện ma túy cũng như kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập cộng đồng. Trong năm 2022, người dân đã cung cấp hơn 4.500 nguồn tin, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, triệt xóa nhiều điểm phức tạp về ma túy cũng như các nhóm tội phạm ma túy.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trương Quang Nam, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cho biết: Hiện cơ sở đang quản lý 732 học viên là người nghiện ma túy. Trong đó 694 học viên thuộc diện bắt buộc; 38 người thuộc diện tự nguyện. Để nâng cao giá trị cuộc sống, giúp người nghiện hiểu rõ về giá trị cuộc sống, cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã tổ chức cho người cai duy trì các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt với các loại hình như: chăm sóc cây cà phê đạt sản lượng trên 100 tấn nhân mỗi năm; trồng rau xanh các loại đạt 135 tấn; chăn nuôi heo, bò và các loại gia cầm... đạt hàng trăm tấn/năm.

Học cắt tóc để có cái nghề khi tái hòa nhập cộng đồng

Tìm lại lối về...!

Theo thống kê, tội phạm ma túy hiện nay sử dụng phổ biến nhất vẫn là ma túy tổng hợp dạng tinh thể (Methamphetamine), dạng bột (Ketamine) và thuốc lắc (MDMA) chiếm đến 98% tổng số phát hiện xử lý. Đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tập trung trong độ tuổi 20 - 30 (chiếm 82%). Những năm gần đây, số lượng người nghiện tăng, trong đó người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm trên 95%, chủ yếu là người trẻ.

Học viên nào tới cơ sở cai nghiện cũng luôn coi nơi đây là mái ấm cứu vớt họ thoát khỏi vũng lầy ma túy. Là người trong cuộc, hơn ai hết, họ hiểu nỗi khổ và vất vả trong công việc hằng ngày của những người nhân ái, tận tâm giúp đỡ mình. Học viên nghiện nặng, sẵn bản tính côn đồ, hung hăng, trợ giúp họ nhanh chóng cắt cơn, hồi phục sức khỏe, rồi theo dõi, kèm cặp suốt 2 năm trời giúp họ đoạn tuyệt ma túy, việc ấy chẳng đơn giản. Ở môi trường mà "sóng ngầm" luôn tiềm ẩn, cán bộ phải chọn cách tiếp cận phù hợp, bám sát, nắm chắc diễn biến tâm lý học viên, khơi gợi khát khao hướng thiện. Với học viên nhiễm AIDS dễ bi quan, phá phách, bất cần cho nên "bài thuốc" chữa trị hữu hiệu chính là sự ân cần, cảm thông, chia sẻ.

Theo thống kê, 5 năm gần đây, số người sử dụng ma túy đã tăng lên. Cùng với đó, tội phạm ma túy đã tăng cường các hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Địa bàn phức tạp tập trung là ở các bến cảng, ga tàu, bến xe. Tại cơ sở cai nghiện số 2, các học viên được tiếp nhận, chữa trị, giáo dục, đào tạo nghề cho từng học viên. Tận dụng 108,8ha diện tích đất, cơ sở đã tổ chức cho các học viên tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao chất lượng cuộc sống cho học viên. Ngoài việc tham gia lao động, sản xuất cũng giúp các học viên cai nghiện, quên đi hương vị của "nàng tiên trắng" đồng thời tạo hiệu quả kinh tế để chăm lo thêm cho người cai nghiện.

Cơ sở đã áp dụng chế độ chính sách cho từng học viên. Duy trì công tác tiếp xúc học viên định kỳ, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý, giáo dục học viên đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách cho đối tượng theo quy định. Để giúp các học viên sau khi cai nghiện, tái hòa nhập với cộng đồng, hàng năm trung tâm khai giảng từ 6 đến 10 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 150 đến 200 học viên. Đối với các học viên không biết nghề, có thể tham gia các lớp sửa xe gắn máy, may công nghiệp, điện dân dụng, tin học văn phòng, cắt tóc... với hàng trăm học viên tham gia.

Để giảm bớt tình trạng thanh thiếu niên tụ tập mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, anh Nguyễn Văn Bình cho biết: "thành phố đang có những cách quản lý, giám sát người nghiện ma túy sát với thực tiễn, phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi. Tính đến giữa tháng 3-2023, toàn địa bàn TPHCM có 3.830 người nghiện ma túy có hồ sơ của Lực lượng TNXP quản lý. Năm 2022, Lực lượng TNXP quản lý bình quân 5.496 học viên, thấp hơn 601 học viên so với năm 2021".

Bình luận (0)

Lên đầu trang