Hàng loạt hồ bơi xây xong ở An Giang không đủ kinh phí mua nước để vận hành

Thứ Hai, 06/03/2017 16:44  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) 11 trường học trên địa bàn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang triển khai xây dựng hồ bơi, mỗi hồ có vốn đầu tư từ 100 – 120 triệu đồng. Thế nhưng sau khi hoàn thành đến nay đã nửa năm, phần lớn những công trình này đang trong tình trạng…treo hồ do không có tiền mua nước máy hoạt động.

Treo hồ và xài nước giếng

Tại các trường trên địa bàn huyện Châu Phú đang tồn tại một nghịch lý là hồ bơi xây xong bỏ hoang, học sinh xuống sông tắm bị đuối nước. Kể về một trường hợp học sinh của trường chết đuối thương tâm, thầy Nguyễn Hùng Thanh, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học B Bình Long cho biết: “Khoảng 13 giờ chiều ngày 24-2, 8 em học sinh lớp 3B trên đường đi học đã rủ nhau xuống sông tắm vì 13 giờ 45 mới bắt đầu vô học tiết đầu tiên.

Do mới bơi chập chững nên em Nguyễn Duy Phương (9 tuổi, ngụ ấp Chánh Hưng, xã Bình Long) bám vào miếng xốp thùng nước đá để tắm. Khi đó nước ròng chân em này chạm đất nhưng sau đó nước càng lớn và chảy mạnh khiến em này bị hụt chân rồi chết chìm. Đến 9 giờ ngày 26-2, thi thể em này mới được tìm thấy”.

Toàn huyện Châu Phú có 11 hồ bơi đã xây xong nhưng đến nay số hồ đưa vào sử dụng chưa đầy một nửa như: Tiểu học A Bình Mỹ, THCS Bình Thủy, Bình Phú…Tại Trường Tiểu học A Bình Mỹ (xã Bình Mỹ) chúng tôi thấy một bồ bơi có diện tích 5x12m2 được lát gạch bông khang trang, xung quanh hồ được rào chắn bằng lưới sắt B40…nhưng chẳng có đến một giọt nước trong hồ.

Xây xong đã nửa năm nay,  hồ bơi Trường Tiểu học A Bình Mỹ vẫn trong cảnh cạn nước

Nói về khó khăn trong việc đưa hồ bơi vào hoạt động, ông Nguyễn Thành Dân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Bình Mỹ bức xúc: “Hồ bơi xây xong vào tháng 9-2016 nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do không có kinh phí mua nước máy. Bởi hiện đang đợi chủ trương chung cũng như kinh phí của trường chỉ đủ để chi cho các hoạt động trong trường chứ không dư khoản ứng trước như một số trường khác. Toàn trường có 294 học sinh chưa biết bơi và cần được phổ cập. Hiện tại giáo viên dạy bơi đã được tập huấn và danh sách học sinh đã đăng ký xong”.

Xót xa trước việc hồ bơi xây xong con cái vẫn ngày ngày tắm sông, ông Phạm Trung Quân (ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) cho biết: “Việc xây dựng hồ bơi rất cần thiết và là mong muốn của phụ huynh trên địa bàn. Bởi có hồ bơi sẽ hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, rèn luyện thân thể cho các cháu. Trước việc nước sông ngày một ô nhiễm gây ảnh hưởng sức khỏe mong mỏi hồ bơi sớm đưa vào hoạt động”.

Sau nhiều năm “đắp chiếu” và để phổ cập bơi cho học sinh theo kế hoạch, Trường Tiểu học B Bình Long buộc lòng phải sử dụng nước giếng pha với nước máy. Ông Thanh chia sẻ: “Sắp tới để duy trì hoạt động trường sẽ xài nước giếng pha nước máy vì tiền chi trả nước máy quá cao, còn nước giếng mau dơ, đóng rong và không đạt chất lượng. Hồ có thể tích 100m3 trong khi đó nếu hoạt động chưa đầy 4 ngày sẽ thay nước một lần”.

Gặp khó vì giá nước cao ngất

Trước việc giá nước cao ngất ngưởng và tiêu thụ với số lượng lớn, ngày 31-10-2016 Phòng GD&ĐT huyện Châu Phú gửi công văn đến Xí nghiệp điện nước huyện Châu Phú đề nghị hỗ trợ giá nước phục vụ phổ cập bơi cho học sinh. Từ đề xuất trên, Phòng Kế hoạch - kinh doanh thuộc Công ty điện nước An Giang cho rằng: Tổng nhu cầu sử dụng nước cho các bể bơi tại 11 điểm trường từ 8.000 – 9.000m3/tháng. Các bể bơi được xây dựng với mục đích phổ cập bơi cho các em học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở chưa biết bơi, không sử dụng vào mục đích kinh doanh. Vì thế giá nước được đưa ra là 6.700 đồng/m3.

Thế nhưng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Châu Phú và hiệu trưởng các trường có hồ bơi cho rằng: Việc phổ cập bơi được thực hiện theo chủ trương chung nhưng giá nước được thu theo giá kinh doanh là chưa thỏa đáng. Trước vấn đề nan giải trên và đợi chủ trương nhiều trường đã “xé rào” bằng việc tự xuất kinh phí hoặc thu phí học sinh đăng ký học bơi.

Thầy Dân chỉ chiếc hồ trong trường đang treo vì không tiền mua nước máy

Nói về những cái khó hiện nay, ông Trương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B Vĩnh Thạnh Trung cho rằng: “Để đưa hồ bơi hoạt động trường tạm thời lấy từ chi tiêu của trường rồi đưa vào quyết toán ngân sách. Vừa qua giáo viên tập bơi cho học sinh dựa trên tinh thần trách nhiệm chứ chưa được hỗ trợ tiền. Tính ra mỗi tháng tiền điện nước là khoảng 4 triệu đồng, bởi từ 3 – 5 ngày sẽ thay nước một lần. Dự kiến hết tháng 3 này sẽ ngưng việc dạy bơi miễn phí để chuyển sang thực hiện xã hội hóa thông qua việc thu 50 ngàn đồng/học sinh”.

Nói về việc hàng loạt hồ bơi vẫn chưa đưa vào sử dụng, ông Quách Văn Nhàn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Châu Phú - cho biết: “Tổng kinh phí xây dựng 11 hồ bơi ở các trường tiểu học và trung học cơ sở là 1,2 tỷ đồng. Theo kế hoạch cuối năm 2017 các trường sẽ phổ cập bơi đạt 100%. Vấn đề khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế, ngân sách để vận hành hồ bơi cũng như chế độ chi trả lương cho giáo viên…”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang