Cũng theo đánh giá của tổ chức này, sức mạnh kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét với khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm. Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moodys nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Đóng góp đến sự phát triển kinh tế - xã hội tích cực đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, xã hội rất ghi nhận sự chung tay đóng góp tài lực, vật lực của cộng đồng doanh nhân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Cùng với Đảng, Chính phủ và mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã tạo ra những tiền đề để đất nước nhanh chóng vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Nghĩa tình lan tỏa trong cơn đại dịch Covid-19
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 (9,2%). Dự báo của Consensus Economics vào tháng 5-2022, đến cuối năm 2022, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2-2022 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Tính đến tháng 6-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nhiều nước tăng cao như: Anh tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, Mỹ tăng 9,1%, Áo tăng 8,5%, Italy tăng 8,0%, Đức tăng 7,6%, Pháp tăng 5,8%...
Tuy nhiên, GDP 9 tháng năm 2022 của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 12 năm qua đã cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần lấy lại đà tăng trưởng, cho thấy hiệu quả của chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Xã hội vẫn chưa quên được cơn "cuồng phong" của dịch Covid-19, trong đó sự chia lửa, đóng góp của doanh nghiệp với Chính phủ và đất nước đã thể hiện và phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân văn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam đã tích cực đóng góp cho cuộc chiến chống Covid-19 bằng những hoạt động thiết thực.
Sau khi dịch bệnh tạm lắng, họ lại tiếp tục con đường kinh doanh, phát triển kinh tế đầy khó khăn. Tập thể doanh nhân Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ, vượt lên chính mình để hoàn thành sứ mệnh người chiến sĩ thời bình.
Ban lãnh đạo Tập đoàn TTC đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (ảnh CTV)
Trong những gương mặt doanh nhân ấy, có thể kể đến doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group) một hình mẫu doanh nhân điển hình, vươn lên từ khó khăn, tâm huyết với công việc đã lựa chọn với tinh thần trách nhiệm cao nhất và luôn nỗ lực phụng sự cho xã hội.
Trong đại dịch Covid-19, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, bà Đặng Thị Kim Oanh vẫn đều đặn hàng tuần vào bếp nấu từng bữa ăn miễn phí cho toàn bộ nhân viên, đảm bảo các chế độ lương, thưởng và phúc lợi. Đồng thời, bà Đặng Thị Kim Oanh luôn vững tâm đưa Kim Oanh Group tiến bước trên thị trường bất động sản.
Bản thân bà Oanh cũng là người trực tiếp dẫn đầu đội tình nguyện Kim Oanh Group ra tuyến đầu hỗ trợ ngành y tế và người dân như trao tặng thiết bị vật tư y tế, vaccine, túi thuốc, gạo và thực phẩm... Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10-2021 khi dịch bệnh hoành hành mạnh mẽ, quỹ này đã cho ra đời 7 chương trình đồng hành cùng chính quyền, lực lượng tuyến đầu và người dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 như: Tiếp nối nhịp thở; KOC; 7.000 túi thuốc hỗ trợ điều trị F0; 22.000 túi an sinh cho người dân; hơn 400 tấn gạo; 14.000 tô bún bò cho lực lượng tuyến đầu...
Nữ doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh trao học bổng cho các em học sinh trong một chuyến thiện nguyện tại Đắk Lắk (ảnh CTV)
Đặc biệt là vào giai đoạn cuối tháng 8-2021, dịch căng thẳng, nhiều bệnh nhân nằm viện và cần thuốc điều trị và rất cần Remdesivir - thuốc chủ lực trong điều trị các bệnh nhân F0 - chương trình KOC (Knock Out Covid) do Quỹ Từ thiện Kim Oanh thực hiện đã nhập 35.000 lọ Remdesivir từ Ấn Độ để hỗ trợ những điểm nóng dịch bệnh như TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đi kèm với 35.000 lọ Remdesivir nhập khẩu là gần 1 triệu đơn vị thuốc điều trị Covid-19 khác đã được chuyển tới 11 địa phương và các cơ sở y tế.
Qua hơn 14 năm in dấu khắp mọi miền Tổ quốc bằng hàng loạt hoạt động đa dạng và thiết thực như tặng nhà, trao tặng trường học, học bổng, đồ dùng học tập, thuốc, tặng bò giống, quần áo... Hàng chục ngàn người đã được hưởng lợi từ các chương trình này. Đặc biệt, các chương trình hướng tới phụ nữ, trẻ em nghèo, các gia đình chính sách và người yếu thế trong xã hội.
Tính đến nay, Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã thực hiện các chương trình thiện nguyện trị giá lên đến hơn 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, tất cả các chương trình này đều do đích thân bà Đặng Thị Kim Oanh phát động, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ cho các nhân viên và cộng đồng.
Với các hoạt động kinh doanh hiệu quả cùng các chương trình thiện nguyện ý nghĩa trong suốt thời gian vừa qua, bà Đặng Thị Kim Oanh, Kim Oanh Group và Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã liên tiếp được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như các tổ chức xã hội ghi nhận. Trong đó, nổi bật là Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Những cánh chim không mỏi
Doanh nhân Lê Viết Hải (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu đã cùng cả nước vượt bão giông trong cơn đại dịch Covid-19. Bản thân ông đã cùng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tham gia nhiều hoạt động xã hội, tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch như: tài trợ chế biến 20.000 suất ăn cho tuyến đầu chống dịch chương trình Bếp ăn suối mát từ tâm, tham gia chương trình Túi thuốc niềm tin, trao tặng các cây ATM gạo, ATM oxy và hàng ngàn bộ kít xét nghiệm, đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch trên khắp cả nước. Tổng kinh phí dành riêng cho công tác thiện nguyện hỗ trợ Covid-19 là hơn 5 tỷ đồng.
Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Lê Mộng Đào thành lập từ năm 2008 theo tâm nguyện của cố Chủ tịch danh dự Lê Mộng Đào của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau 13 năm hoạt động cũng đã trao gần 5,5 ngàn suất học bổng với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó. Được biết, vừa qua doanh nhân Lê Viết Hải đã đề ra mục tiêu cho thập niên tới với doanh thu năm 2032 (năm kỷ niệm 45 năm thành lập của Hòa Bình) là 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 21.875 tỷ đồng (5% doanh thu).
Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) trao tặng gói thuốc hỗ trợ bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà (ảnh CTV)
Kết tinh nhiều thế mạnh, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC ) đã và đang ngày càng mở rộng đầu tư đa lĩnh vực như Nông nghiệp, Năng lượng, Bất động sản, Bất động sản Công nghiệp, Du lịch và Giáo dục và hơn 120 đơn vị trực thuộc. Hướng đến mục tiêu trở thành một trong 5 tập đoàn đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, quản lý chuyên nghiệp và phát triển bền vững.
Trong quá trình phát triển đã thực hiện những hoạt động ý nghĩa, như: tặng quà cho trẻ em mồ côi, người già neo đơn vào những dịp Lễ Tết; trao nhà tình nghĩa; xây cầu giao thông nông thôn; trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tài trợ phương tiện sinh kế; tổ chức khám chữa bệnh và tặng quà cho bà con; chia sẻ với người dân ở các địa phương tại Việt Nam và cả nước bạn; chạy bộ vì sức khỏe cộng đồng... Vừa qua, doanh nhân Huỳnh Bích Ngọc (Phó chủ tịch Thường trực, Tổng giám đốc Tập đoàn TTC) được vinh danh là 1 trong 10 doanh nhân truyền cảm hứng năm 2022.
Bên cạnh các doanh nhân kể trên, những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế như ông Trần Văn Mười (Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà đất Nhân Mười), bà Lâm Thúy Ái (Chủ tịch HĐQT Công ty MEBIPHA), ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai), bà Nguyễn Ngọc Mỹ (Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn AlphaNam), ông Lê Hữu Nghĩa (Tổng giám đốc Công ty Lê Thành), ông Jonathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPPG), ông Phan Minh Thông (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh) cũng là những người đã và đang viết tiếp những truyền thống cao đẹp, nhân văn và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của giới công - thương.